Aa

Biết ơn nguồn cội (2)

Thứ Bảy, 14/04/2018 - 06:00

Tương lai văn hóa bắt nguồn từ những gì mà chúng ta tiếp nối. Ban thờ gia tiên trong nhà, Ban thờ quốc tổ của đất nước, là biểu tượng. Nhờ đó mà ta có được một phương tiện để truyền thông, để kết nối với tổ tiên, với ông bà cha mẹ mình. Một biểu tượng về hiếu đạo ngàn đời để giáo dục cháu con.

Làm sao để nuôi dưỡng được lòng biết ơn và thắp sáng lên ý thức về nguồn cội?

Đây cũng chính là điều người Việt rất chú trọng trong đời sống của mình.

Tôi vẫn nhớ cái ngày đầu tôi đặt chân đến miền Bắc. Ấn tượng về nếp sống thờ cúng tổ tiên của cư dân đô thị và văn hóa về chữ “lộc”. Nhiều, rất nhiều những điều người Việt vẫn duy trì nếp quê dù ở bất cứ nơi đâu.

Nơi tôi đến đầu tiên khi ra Hà Nội hồi năm 1996 là nhà cô Tường. Nhà cô ở trong khu tập đường Nguyễn Văn Cừ. Năm đó, tôi đón cái Tết đầu tiên trên đất Bắc và cũng là lần đầu trong đời tôi ở lại một khu tập thể.

Tôi quen với nếp sống vùng quê miền Trung, nếp sống gia đình, sống với bố mẹ. Thấm sâu nếp ấy rồi tôi mới lên chùa tu ở Ái Tử, Quảng Trị. Vì vậy, ra Bắc, ở phố, lại ở khu tập thể, tôi quan sát và so sánh nhiều điều liên quan đến tục lệ ngày Tết và thờ cúng tổ tiên nơi tư gia.

Đến một vùng miền khác, khác lắm, vì là phố thị, thế mà tôi vẫn thấy gần gũi và xúc động với nén hương mọi người thắp lên. Nén hương gói ghém lòng biết ơn, tâm tình. Nén hương của lòng dạ hiếu thảo, hướng về tổ tiên, về quê cha đất mẹ của người con Việt cháy trong huyết quản ngàn đời.

Ở phố thị có thể không có nhiều không gian cho sự lựa chọn về việc hiếu  như nơi làng xã, nhưng tôi thấy nơi chúng ta sống, vẫn đủ đầy nét đẹp lễ nghĩa gợi nhắc truyền thống. Có những khu chung cư mà phòng cộng đồng luôn vui nhộn với những hoạt động chung, những buổi chuyện trò, sinh hoạt, những sự kiện bổ ích cả về học tập, giải trí cho dân cư. Có những khu chung cư bước vào nơi cửa chính, bên một không gian rất trang trọng là ban thờ chung - nguồn cội, tổ tiên, thể hiện tâm tình biết ơn, thương tưởng của cháu con!

Lễ hội giỗ tổ Hùng Vương

Lễ hội giỗ tổ Hùng Vương

Những người đến xứ khác lập nghiệp hay định cư ngoài nước, chắc sẽ xúc động biết nhường nào khi được chứng kiến ngày Tết, cảnh giỗ cúng với nén hương, mâm cỗ của người Việt. Mỗi người Việt xa quê, đặc biệt là dịp Tết, mong đợi của họ chính là có cặp bánh chưng, có mâm ngũ quả, thế là đã đủ đầy tấm lòng gửi gắm nơi ban thờ gia tiên. Chính ở đó, họ thấy lại mình, thấy lại mẹ cha, thấy lại quê hương và phần nào đã thỏa lòng mong nhớ.

Điều thiêng liêng cao quý này vẫn còn đó trong đời sống người Việt hôm nay. Dù ở đâu, trong nơi sống riêng, trong ngôi nhà của riêng mình, người Việt vẫn có một ban thờ tổ tiên, cho dù là đơn sơ.

Bạn có cảm xúc như tôi khi nhận ra điều ấy không?

Tình dân tộc được thắp sáng trong tôi, thấm sâu nét đẹp văn hóa giống nòi.

Những căn hộ xây trong chung cư, ngoài việc bảo đảm các yêu cầu về kiến trúc, thì nơi trang trọng nhất, theo tôi phải là nơi mà người ta biểu hiện được ý thức về sự tiếp nối với cha ông, với nguồn cội. Ban thờ gia tiên không chỉ là một biểu tượng tâm linh, tín ngưỡng đơn thuần mà đó là văn hóa, là bản sắc dân tộc.

Tương lai văn hóa bắt nguồn từ những gì mà chúng ta tiếp nối. Ban thờ gia tiên trong nhà, Ban thờ quốc tổ của đất nước, là biểu tượng. Nhờ đó mà ta có được một phương tiện để truyền thông, để kết nối với tổ tiên, với ông bà cha mẹ mình. Một biểu tượng về hiếu đạo ngàn đời để giáo dục cháu con.

Mỗi khi thắp lên một cây hương, dù ngày lễ, kỵ giỗ hay mỗi buổi sáng bình thường, dù là cáo việc trong nhà hay nguyện cầu sự chở che của tiên tổ, đó đều là dịp để lòng biết ơn trong ta được nuôi dưỡng, tưới tắm. Từ đó, ý thức về “gia đình”, về “nếp nhà” và những tâm nguyện của cha ông được thắp lên, được tiếp nối một cách tự nhiên trong tâm thức.

Có thể nói, ban thờ gia tiên trong mỗi gia đình Việt chính là nét đẹp truyền thống quan trọng bậc nhất và là điều đầu tiên nên đề cập đến trong những nét đẹp văn hóa cần được gìn giữ, phát huy. Thực tập cách hành xử trước ban thờ chính là thực tập nếp sống hiếu đạo. Hướng về nguồn cội, ta sẽ ý thức được những điều mình nên làm, cần làm để xứng đáng với trông đợi của cha ông. Ta đang là một tiếp nối để sống đẹp và thiện lành mà trao truyền lại cho các thế hệ sau. Trao truyền và tiếp nối là dòng chảy bất tận của dân tộc trọng hiếu đạo.

Thành kính dâng cúng lễ vật thể hiện lòng thành với Tổ tiên

Thành kính dâng cúng lễ vật thể hiện lòng thành với Tổ tiên

Thực tập tâm thái “tri ân” mới nhớ và nghĩ đến “báo ân” trọn vẹn. Ý thức về cội nguồn, về dòng máu Lạc Hồng, để nhớ rằng chúng ta là “bầu ơi thương lấy bí cùng”, là “người trong một nước”, là “đồng bào” mà xây dựng tình đoàn kết, tương thân tương ái lẫn nhau. Có như vậy, nếp nhà, nếp quê, hay “nếp sống văn hóa đô thị” mới thành trọn vẹn.

Ban thờ tổ tiên, vừa là truyền thống văn hóa dân tộc, vừa mang giá trị nhân văn và ý nghĩa giáo dục sâu sắc cho các thế hệ tiếp nối. Chúng ta cần cùng nhau tìm hiểu thấu đáo và có những hành động cụ thể để phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc cao quý và thiêng liêng này.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top