Aa

Biết ơn nguồn cội (3)

Thứ Bảy, 21/04/2018 - 06:00

Câu chuyện về lòng biết ơn và ý thức về nguồn cội là câu chuyện mà tôi luôn muốn nói đi nói lại, nhắc đi nhắc lại. Bởi lẽ, đẹp lắm dân tộc mình, khi tôi đọc lại câu: “Con vào dạ, mạ đi tu” thì lại tự mỉm cười nhủ lòng: “Ơn cha nặng lắm ai ơi/nghĩa mẹ bằng trời, chín tháng cưu mang”..

Dân gian có câu: "Con vào dạ, mạ đi tu". Đây là một lời nhắc nhở tới những người phụ nữ, khi bắt đầu mang thai cũng là bắt đầu một hành trình để chuẩn bị chào đón đứa con của mình.

Người mẹ mang thai một sinh linh bé nhỏ nhưng đã cần sửa mình, từ lời nói, từ bước chân đi sao cho có bình an và dọn lòng cho những bao dung, cho lòng hoan hỷ. Đó chính là giáo dục con từ khi con mới vừa biểu hiện.

Khi đứa trẻ dần lớn lên, việc huân tập cho chúng những đức tính tốt từ thuở nhỏ sẽ thấm dần, tự nhiên ở lại trong tâm hồn và trở thành nhân cách, trở thành những hạt giống ảnh hưởng đến cả cuộc đời con trẻ sau này.

Chúng ta cần thiết tạo được một nếp sống trong gia đình. Khi ta thấy mẹ cha mình luôn hiếu kính với ông bà tổ tiên, sớm sớm bố dâng một nén hương trước ban thờ và chắp tay thành kính để tỏ lòng tri ân Bụt và tiên tổ tiền nhân đã che chở, gia trì cho con cháu; Mỗi chuyến đi xa về gần hay có điều hệ trọng trong nhà, bố mẹ đều thành kính chắp tay trước ban thờ, trước là để kính cáo với tổ tiên, sau là lời cầu nguyện..

Ngày đầy tháng, đầy năm, ngày đi thi cử, đỗ đạt, khi ốm đau bịnh hoạn, khi tai nạn hay gặp điều lành, khi cưới gả, giỗ chạp.. Tất cả những sự kiện quan trọng trong cuộc sống đều được báo cáo, xin phép và cầu nguyện đến tổ tiên ông bà. Tất cả mọi tập tục lề thói nơi làng quê đều lấy chữ Hiếu làm căn bản. Tháng 8 giỗ Cha, tháng 3 giỗ Mẹ, hay “dù ai đi ngược về xuôi/nhớ ngày giỗ tổ mùng 10 tháng ba”... bấy nhiêu câu thành ngữ đã in sâu vào tiềm thức dân tộc, một dân tộc mà ông cha chúng ta luôn muốn nhắc nhở cháu con ý thức về nguồn cội, về lòng biết ơn, về “hiếu hạnh”.

Đặc biệt hơn là biểu hiện của Hiếu đạo mỗi dịp xuân về.

Ngày 30 tết, trong không gian linh thiêng của đêm trừ tịch, mẹ sửa soạn và bố dâng lời tạ ơn trời đất sau 1 năm an lành để đón năm mới đến với gia đình, nguyện cầu ông bà tiên tổ nâng đỡ, gia trì cho con cháu an vui. Tết đến là một dịp mà ta có cơ hội để thấy chữ “Hiếu” đã được biểu hiện sống động ra sao trong nếp sống của dân tộc. Người đã khuất cùng được mời về ăn tết với cháu con, loài vật được phóng sinh, cây cối được vun trồng.. Khắp nơi nơi lễ tết là râm ran lời chúc của sự nhớ ơn: “Mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy..”. Tết, từ nơi mộ địa đến đình đền miếu mạo, ta đều thấy ấm cúng khói nhang, đều thấy người người chắp tay thành tâm nguyện cầu và thương tưởng. Ai đi xa cũng nhớ trở về bên gia đình, cả nhà cùng quây quần bên mâm cơm sum vầy, cháu chúc ông bà, con chúc cha mẹ và ngược lại. Ban thờ ấm những đèn nhang. Tình thân, nếp nhà, sự trao truyền và tiếp nối mới thật đẹp đẽ và lành lẽ làm sao! Đó là nền tảng văn hóa cốt lõi được hình thành từ nhiều ngàn năm và trở thành nếp sống giáo dục lòng hiếu thảo, biết ơn và luôn nhớ nghĩ để hiếu kính với cha mẹ tổ tiên của người Việt.

Một người con được lớn lên trong nếp nhà, nếp sống với ý thức về quê hương và nguồn cội như thế sẽ trở thành người hiếu hạnh. Mà cội nguồn ấy, gần nhất là gia đình, là mẹ cha, ông bà, xa hơn là quê hương, là tổ tiên đã ngàn đời góp công tạo dựng..

Cho nên, "Con vào dạ thì mạ đi tu". Không chỉ mẹ, mà bố và tất cả gia đình khi có thêm một thành viên thì cuộc sống đều có ít nhiều thay đổi. Từ việc đi đứng nói cười, mọi sự đều trở nên có ý thức giáo dục cho đứa bé. Cao hơn thói quen, cao hơn những cái biết cái hiểu thường tình, ấy là giáo dục nền tảng tâm thức, giáo dục từ thân giáo. Tinh hoa văn hóa dân tộc chính là điều kỳ diệu và quý giá đã được lưu truyền từ hàng ngàn thế hệ người Việt theo cách như vậy.

Đến khi trưởng thành thì chúng ta nhớ lời nhắc nhở của cha ông: "Ly hương, bất ly tổ". Xa quê, nhưng lòng hiếu kính, biết ơn thì con hãy luôn mang theo bên mình.. Có như thế, mỗi dặm dài và mỗi bước chân trên muôn nẻo đường con sẽ luôn có cha mẹ tổ tiên dõi theo và nâng đỡ, sẽ có dấu ấn quê hương trong từng hơi thở và con sẽ không bao giờ lạc lõng, cô độc..

Khơi nguồn - cho dòng chảy tinh hoa văn hóa dân tộc trong tâm thức mỗi người được trở nên sống động, ngọt lành. Đó chính là xác tín về gốc rễ, nguồn cội và là yếu tố cốt lõi trong giáo dục từ mỗi gia đình, mỗi con người.

Câu chuyện về lòng biết ơn và ý thức về nguồn cội là câu chuyện mà tôi luôn muốn nói đi nói lại, nhắc đi nhắc lại. Bởi lẽ, đẹp lắm dân tộc mình, khi tôi đọc lại câu: “Con vào dạ, mạ đi tu” thì lại tự mỉm cười nhủ lòng: “Ơn cha nặng lắm ai ơi/nghĩa mẹ bằng trời, chín tháng cưu mang”..

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top