Aa

Biệt thự nông thôn xấu xí, thiếu tiện nghi: Lỗi tại ai?

Thứ Ba, 19/11/2019 - 06:06

Lỗ hổng trong kiến thức kiến trúc đang khiến những người dân nông thôn sống trong những căn biệt thự vừa thiếu tính thẩm mỹ, vừa thiếu tiện nghi.

Kinh tế phát triển, nhu cầu của con người nói chung và ở vùng nông thôn nói riêng đang dần chuyển từ “ăn no, mặc ấm” sang “ăn ngon, mặc đẹp”. Đây là một sự phát triển hoàn toàn hợp lý và dễ hiểu.

Tuy nhiên, ngay cả khi người dân nông thôn giàu lên và có sẵn nguồn lực tài chính, một trong những rào cản lớn nhất ngăn họ thực sự “ăn ngon, mặc đẹp” lại là vốn kiến thức còn nhiều “lỗ hổng” - điển hình là “lỗ hổng” kiến thức kiến trúc về những căn biệt thự.

Thực tế cho thấy, xây dựng một căn biệt thự ở nông thôn dễ dàng hơn nhiều so với ở thành phố vì nguồn quỹ đất dồi dào và chi phí nhân công lẫn nguyên vật liệu thường vừa phải, hợp lý hơn. Chính vì vậy, trong những năm gần đây, những ngôi biệt thự mọc lên như nấm tại nhiều địa phương trên khắp cả nước. 

Thói thường xưa nay “con gà tức nhau tiếng gáy”, thế nên chỉ cần một gia đình có biệt thự thì cả làng xây biệt thự theo, tòa sau đồ sộ hơn, “vĩ đại” toà trước. Dù không thành văn, nhưng thật ra, toà biệt thự trở thành một thứ để người ta phô sự giàu có và sang trọng của mình, hơn là một công trình văn hóa - kiến trúc hội tụ những yếu tố văn hóa thẩm mỹ và nghệ thuật.

Những căn biệt thự xấu xí đang phá hỏng bối cảnh nông thôn.

Thế nhưng, nếu một khi ai đó chịu khó quan sát kỹ lưỡng thì sẽ nhận ra một sự thật không kém phần đắng chát: Những toà biệt thư này hầu như không thể hiện được cả sự giàu có lẫn sự sang trọng - đúng ra thì chúng đã thể hiện những điều ngược lại. Chỉ cần ai đó có một chút tinh tế cũng có thể nhận ra những toà biệt thự đang được xây lên ở nông thôn vừa thật thô kệch, vừa phản tác dụng, vừa không nói lên được “cái riêng” của chủ nhà, lý do chính mà chúng được xây dựng ngay từ đầu.

Câu hỏi đặt ra lúc này là: Tại sao người dân nông thôn lại lựa chọn những ngôi biệt thự “không làm vừa lòng ai” này?

Có vẻ như đã, đang còn tồn tại một bộ phận không nhỏ người dân hạn chế kiến thức về văn hóa - kiến trúc?! Và dường như điều nay không chỉ xuất hiện ở riêng vùng nông thôn mà cả thành phố nữa. Tìm được một ngôi nhà hiện đại xấu xí tại nhiều đô thị cũng không khó hơn các vùng quê. Từ trước đến nay, Việt Nam không hề thiếu những kiến trúc sư tài năng như Hoàng Đạo Kính, Ngô Viết Thụ, Hoàng Thúc Hào, Võ Trọng Nghĩa… Nhưng nếu nói về kiến thức kiến trúc phổ thông trong nhân dân thì vẫn còn rất thiếu.

Cũng bởi tầm nhìn về văn hóa nói chung còn hạn chế nên rất nhiều người không hề có một khái niệm về ngôi nhà đẹp cho riêng mình. Vậy nên, khi xây nhà họ bê nguyên xi những gì mình đã nhìn thấy trên TV, mạng Internet, hoặc bắt gặp ở đâu đó trong cộng đồng… rồi “sao y bản chính” hoặc là cóp nhặt một hoặc vài chi tiết nào đó rồi mang đặt lên ngôi nhà của mình.

Chính vì sự vay mượn như thế mới xuất hiện hàng loạt những ngôi nhà mang tính chất lai căng nửa ta nửa tây; nửa hiện đại nửa cổ điển kiểu như: Một ngôi biệt thự nông thôn đội trên phần nóc tòa chóp của Nhà hát Lớn Hà Nội; một một ngôi biệt thự phần dưới chịu ảnh hưởng của lối kiến trúc Pháp nhưng phần ngọn lại là kiểu kiến trúc Ả - rập vùng Tây Á. Lại không thiếu những ngôi nhà mà phần gốc là kiểu kiến trúc truyền thống nhưng mảng nóc thì lại “đậm đà bản sắc”… Ba Tư hoặc của vùng Trung Á… Tất cả những căn nhà đó không khác gì một nổi lẩu với đủ món thượng vàng hạ cám.

Ở chiều ngược lại, tác động tiêu cực lên cảnh quan của một ngôi biệt thự xấu tại nông thôn nhiều khi lại lớn hơn so với một ngôi nhà hộp xấu tại thành phố. Sự khác biệt về kích thước là một yếu tố, nhưng ở các khu vực đô thị, con người vốn đã chấp nhận sự lộn xộn trong không gian và vì vậy mà dễ bỏ qua một ngôi nhà xấu. Nhưng tại nông thôn, nơi mà không gian giữa các ngôi nhà được mở ra theo cả chiều cao và chiều rộng, một toà biệt thự xấu sẽ giống như “cái gai trong mắt” người quan sát, làm hỏng gần như toàn bộ bố cục chung quanh.

Vậy thì những ngôi biệt thự nông thôn Việt Nam xấu tại điểm nào? Quan trọng nhất, chúng ta phải nói đến tính rời rạc - phần nhiều biệt thự nông thôn chỉ là hai, ba ngôi nhà hộp liền kề không có tường ngăn cách với nhau. Nếu như những ngôi nhà hộp này được xắp xếp thành một khối theo hàng dọc, giống như một ngôi nhà ngang được xây cao lên, thì cũng không có gì đáng nói. Nhưng chính vì cách đặt các khối một của toà biệt thự không thẳng hàng (thường là theo hình chữ “L” cụt) mà người quan sát có thể nhận ra từng ngôi nhà hộp nhỏ làm nên toà biệt thự. Điều này còn rõ hơn khi toà biệt thự sử dụng hai kiểu mái khác nhau cùng một lúc như mái bằng và mái chóp.

Thông thường thì những ngôi biệt thự nông thôn sẽ có một khoảnh vườn nhỏ trên - dưới 1 sào Bắc bộ. Sự rời rạc được thể hiện ngay ở đây với việc hầu hết gia đình để khoảnh vườn này trở thành “diện tích chết”, được sử dụng chỉ với mục đích làm nơi đỗ xe, hoặc là nột khu vườn tạp không hề được quy hoạch. Một toà biệt thự ba, bốn tầng nằm giữa một “không gian chết” như thế thì cũng không khác gì được xây trên một ốc đảo biệt lập, nhưng khác với ốc đảo là những mảng màu xanh giữa sa mạc, thì những ngôi biệt thư này lại như sa mạc giữa bối cảnh đầy màu xanh của nông thôn.

Sự rời rạc cũng thể hiện trong ngôi nhà. Nhiều ngôi biệt thự được xây dựng với trần cao quá, trong khi việc bài trí nửa trên (so với tầm mắt trung bình của con người) lại không được quan tâm, điều đó vô tình lại tạo ra một “không gian chết” nữa. Tất nhiên là xây trần cao có tác dụng điều hoà không khí trong những ngày hè nóng nực, nhưng bất kỳ ích lợi nào của việc đó lại bị mất hết do cách bố trí số cửa ra vào và cửa sổ vốn đã ít ỏi. Dòng không khí không được tự do thổi khắp ngôi nhà rồi thoát ra ngoài, tạo nên sự tù túng, nóng nực, buộc những người trong nhà phải dựa hoàn toàn vào các thiết bị điện lạnh

Sau khi đã xác định xong về sự xấu xí và thiếu hiệu quả về mặt công năng của những ngôi biệt thự vùng nông thôn, chúng ta có thể chuyển sang nói về cách cải thiện tình trạng này. Những bước sửa đổi trên thực tế nhằm làm đẹp các ngôi biệt thự nông thôn, có lẽ chúng ta nên để cho các kiến trúc sư giải quyết. Thế nhưng, ngay cả việc tìm được một kiến trúc sư ở các vùng nông thôn cũng rất khó. Bởi lẽ, hầu hết các kiến trúc sư thực thụ đều tập trung làm việc tại đô thị, vì đây là thị trường có nhu cầu nhiều hơn.

Cùng với đó, trong nhiều trường hợp, bởi xuất phát từ tư tưởng “ăn chắc mặc bền” cho nên phần đông các hộ gia đình vùng nông thôn phải vay mượn để xây được ngôi biệt thự cho mình. Thật khó để họ sẵn sàng chi ra thêm một số tiền để thuê kiến trúc sư thiết kế cho “cái tổ” của mình.

Những ngôi biệt thự xấu xí như trên đang càng ngày ít đi ở nông thôn Scotland.

Chính sự thiếu bàn tay chỉ dẫn của các kiến trúc sư mới dẫn đến tình trạng lộn xộn trong kiến trúc biệt thự nông thôn. Gia chủ tự thoả thuận với nhà thầu về thiết kế biệt thự, trong khi cả hai bên đều không có kiến thức về kiến trúc, do vậy họ chỉ biết chạy theo những gì đã từng thấy trên Internet, TV…, thay vì nhìn ra không gian xung quanh để tìm hiểu xem một ngôi nhà đẹp cần gì - kể cả một chiếc mái nhà có đẹp đến đâu đi nữa, thì toàn bộ ngôi nhà cũng sẽ trở nên xấu xí nếu phần mái đó không phù hợp với cảnh quan chung quanh.

Đây là một điều vừa đáng tiếc, vừa đáng ngạc nhiên, vì kiến trúc truyền thống nông thôn nước ta vốn khá quy củ. Kể cả với một ngôi nhà hai gian ba chái vùng đồng bằng hay một ngôi nhà sàn ở khu vực miền núi, cao nguyên… thì thông thường cũng được xây dựng theo những quy tắc rất logic như cửa nhà xoay về hướng Nam, và là “trước cau, sau chuối” nhằm đảm bảo yếu tố phong thủy… Những quy tắc này vừa tăng tính công năng sử dụng của ngôi nhà, vừa khiến nó trở thành một phần tất yếu của bức tranh cảnh quan làng quê, chứ không phải làm một “tâm điểm” hội tụ những điều xấu xí nhất của các phong trào kiến trúc thị như nhiều ngôi biệt thự nông thôn đã, đang xuất hiện.

Ngoài những kế hoạch dài lâu như tạo điều kiện để các kiến trúc sư có thể làm việc tại nông thôn hay đưa kiến thức về văn hóa - kiến trúc vào trong chương trình giáo dục, một điều có thể thực hiện ngay được là các địa phương hãy trực tiếp vào cuộc với vai trò tư vấn và giám sát. Nếu như áp lực từ làng xã có thể khiến người ta nóng vội với việc xây dựng biệt thự, thì chính áp lực này cũng có thể được chuyển hướng để khiến người ta nhận ra rằng những ngôi biệt thự này không hoàn hảo. Khi mỗi người dân hiểu được điều này thì ít nhất cũng sẽ không có thêm những ngôi biệt thự xấu xí được dựng lên.

Bảo tồn những ngôi nhà truyền thống cũng là một hướng đi đáng xem xét. Thay vì để mỗi gia đình tự phá đi ngôi nhà truyền thống của mình mà xây biệt thự, tại sao các tổ chức đoàn thể lại không đóng góp tiền bạc hay công sức để tu sửa ngôi nhà hiện có?! Từ rất lâu, tại các vùng nông thôn của Scotland đã có những hội nhóm “cùng nhau sửa nhà”, mỗi khi có một hội viên tu sửa nhà thay vì xây mới thì các hội viên khác sẽ cùng chung tiền và đóng góp công sức để giúp người đó sửa lại nhà. Nhờ có những hội nhóm này mà nhiều ngôi nhà cổ Scotland đã được cứu vớt khỏi cảnh xuống cấp hay bị phá đi để làm biệt thự.

Những ngôi biệt thự mang hình thù nửa tây nửa ta tại các vùng nông thôn là một biểu hiện của sự du nhập các yếu tố kiến trúc ngoại lai vào không gian Việt, và sự xấu xí của chúng cho thấy rõ thất bại của cách tiếp cận này. 

Mà một trong những nguyên nhân cơ bản dẫn tới tình trạng nói trên là xuất phát từ việc hạn chế về tầm nhìn văn hóa. Xem ra, một ngôi nhà chỉ có thể đẹp khi nó hoà nhập được vào với bản sắc văn hóa, với linh hồn của khu vực đó, mà tại nông thôn Việt Nam thì đó là đường làng, cổng làng, đình chùa mếu mạo, đồng ruộng, chợ phiên…

Để khắc phục tình trạng xây dựng phô trương theo kiểu “mạnh ai người ấy làm” dẫn tới nguy cơ phá vỡ cấu trúc văn hóa, cảnh quan truyền thống mang tính thuần Việt như hiện nay, có lẽ chúng ta nên xây dựng những ngôi nhà trên nền tảng những kiến thức văn hóa - kiến trúc truyền thống. Bên cạnh đó, cần kết hợp với yếu tố hiện đại văn minh, thay vì xoá bỏ đi tất cả để dựng lên (cậy có tiền!) những tòa biệt thự vô hồn và lạc lõng bởi sự vay mượn vô lối như đã - đang xuất hiện nhan nhản tại khắp các vùng nông thôn từ miền xuôi tới miền ngược như hiện nay. Chỉ có như thế may ra mới có thể bảo tồn được không gian văn hóa thuần Việt tại các vùng nông thôn tại thời điểm trước mắt cũng như lâu dài./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top