Aa

Bình Định: Giải bài toán khó trong phát triển nhà ở xã hội

Thứ Tư, 22/11/2023 - 06:00

Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Định cho biết, trước những khó khăn trong phát triển NƠXH, tỉnh đã chủ đông đưa ra nhiều giải pháp thu hút doanh nghiệp như: Hỗ trợ giải phóng mặt bằng; tạo quỹ đất sạch,..

 

LTS: Những năm qua, việc chăm lo, giải quyết nhu cầu về nhà ở cho người lao động luôn được Đảng, Nhà nước hết sức quan tâm. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030", đồng thời ban hành Nghị quyết 33, trong đó có nhiều chính sách về nhà ở xã hội.

Hiện nay, các địa phương trên cả nước nói chung và tỉnh Bình Định nói riêng cũng đang tích cực đẩy mạnh việc phát triển nhà ở xã hội, nhằm đáp ứng cho người có thu nhập thấp ở đô thị và công nhân khu công nghiệp…

Bên cạnh việc Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách tạo điều kiện để phát triển, xây dựng nhà ở xã hội, thì vẫn còn khá nhiều vướng mắc khi thực hiện.

Tại Bình Định, UBND tỉnh cũng vừa ban hành Kế hoạch triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch này cũng phù hợp với Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Bình Định giai đoạn 2020 - 2035, Kế hoạch phát triển nhà ở tỉnh Bình Định giai đoạn 2020 - 2025, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Trao đổi với PV Reatimes, ông Trần Viết Bảo, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Định, cho biết tỉnh đang tích cực triển khai xây dựng đề án nhưng trên thực tế việc triển khai nhà ở xã hội cũng còn nhiều khó khăn, bất cập. Những vướng mắc mà chủ đầu tư thường gặp là quy định pháp luật về đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư, kinh doanh bất động sản còn chồng chéo, chưa quy định cụ thể,…

Nguồn cung nhà ở xã hội cơ bản đủ đáp ứng nhu cầu

PV: Thời gian qua, tình hình phát triển nhà ở xã hội có đủ đáp ứng nguồn cung trên địa bàn hay không thưa ông?

Ông Trần Viết Bảo: Về cơ bản, nguồn cung nhà ở xã hội đã đủ đáp ứng nhu cầu nhà ở cho các đối tượng có thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp.

Đến thời điểm hiện tại, tinh Bình Định đã và đang triển khai 20 dự án, khoảng 11.880 căn. Trong đó, đã đưa vào sử dụng 2.806 căn, đang thi công xây dựng 4.208 căn, đang lập thủ tục pháp lý để đủ điều kiện khởi công xây dựng 4.866 căn.

Bên cạnh đó, tỉnh sẽ đầu tư xây dựng 12.900 căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp theo Kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ giao cho tỉnh Bình Định tại Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021- 2030” đã được phê duyệt tại Quyết định số 338/QĐ-TTg ngày 03/4/2023; Kế hoạch nhằm góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển nhà ở theo Chương trình phát triển nhà ở tỉnh Bình Định giai đoạn 2020 – 2035.

Ông Trần Viết Bảo, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Bình Định

PV: Vậy để triển khai đề án này, tỉnh đã lập quy hoạch xác định diện tích đất dành để xây dựng nhà ở xã hội hay chưa và được thực hiện ra sao thưa ông?

Ông Trần Viết Bảo: Hiện nay, Sở Xây dựng đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan đề xuất UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 171/KH-UBND ngày 18/10/2023 về việc triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” trên địa bàn tỉnh Bình Định.

Theo đó, tỉnh Bình Định dự kiến đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đến năm 2030 khoảng 20.346 căn, cụ thể: Giai đoạn 2021 - 2025: Phấn đấu đầu tư xây dựng khoảng 9.706 căn/nhà ở xã hội; Giai đoạn 2026 - 2030: Phấn đấu đầu tư xây dựng khoảng 10.640 căn/nhà ở xã hội.

Để thực hiện được kế hoạch này, tỉnh đã xác định cụ thể quỹ đất đảm bảo cho việc triển khai đầu tư xây dựng các dự án nhà ở xã hội từ các dự án khu đô thị mới (trích lập 20% đất ở) và quy hoạch các điểm làm nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân riêng lẻ tại các đô thị, khu công nghiệp.

PV: Trong công tác lựa chọn nhà đầu tư để phát triển dự án nhà ở xã hội được tỉnh lên kế hoạch đấu thầu ra sao, thưa ông?

Ông Trần Viết Bảo: Trên cơ sở Kế hoạch số 171/KH-UBND ngày 18/10/2023 của UBND tỉnh về việc triển khai Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030” trên địa bàn tỉnh Bình Định, dự kiến đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đến năm 2030 khoảng 20.346 căn.

Sở Xây dựng sẽ chủ động tổ chức lập quy hoạch chi tiết xây dựng 1/500 đối với các khu đất xây dựng nhà ở xã hội, lập hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư, hồ sơ sơ bộ năng lực kinh nghiệm trình thẩm định, phê duyệt theo kế hoạch phát triển nhà ở hàng năm. Trên cơ đó, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ chủ trì tổ chức các bước đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định, bảo đảm mục tiêu cạnh tranh, công bằng, minh bạch và hiệu quả kinh tế.

PV: Hiện nay, các chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của dự án theo tiến độ được phê duyệt hay không, thưa ông ?

Ông Trần Viết Bảo: Việc triển khai đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên quỹ đất 20% của các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị luôn được tỉnh chú trọng sát sao trong quá trình chấp thuận chủ trương đầu tư.

Trên địa bàn có các khu đô thị mới như: An Phú Thịnh, Đại Phú Gia… các chủ đầu tư sẽ thực hiện đồng thời với các hạng mục công trình nhà ở kinh doanh thương mại, công trình hạ tầng xã hội theo tiến độ đã được phê duyệt trong quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư nhà ở xã hội.

Sở Xây dựng đã có nhiều văn bản đôn đốc, yêu cầu chủ đầu tư các dự án tập trung các nguồn lực để triển khai đầu tư xây dựng dự án đảm bảo tiến độ.

Ngoài ra, chúng tôi đã lập danh mục cụ thể từng dự án, tổ chức làm việc trực tiếp từng chủ đầu tư để kịp thời đôn đốc, hướng dẫn, giải quyết những khó khăn, vướng mắc của chủ đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện dự án theo thẩm quyền hoặc đề xuất UBND tỉnh xem xét giải quyết theo quy định.

Tháo gỡ khó khăn về thu hút đầu tư và giá thành sản phẩm

PV: Các chủ đầu tư đang gặp những khó khăn, vướng mắc nào khi triển khai nhà ở xã hội trên địa bàn và tỉnh có hướng giải pháp gì trước những khó khăn này?

Ông Trần Viết Bảo: Thời gian qua, khi triển khai dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên thực tế những vướng mắc mà chủ đầu tư thường gặp là quy định pháp luật về: đất đai, xây dựng, nhà ở, đầu tư, kinh doanh bất động sản còn chồng chéo, chưa quy định cụ thể, rõ ràng. Đặc biệt là quy định điều kiện được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội liên quan đến xác minh đã có nhà ở, đất ở hay chưa, không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.  

Bên cạnh đó, quy định phải dành tối thiểu 20% quỹ nhà ở xã hội để cho thuê và sau 10 năm kể từ bàn giao đưa vào sử dụng mới được bán, trong khi người dân không có nhu cầu thuê dẫn đến quỹ nhà để trống, mau xuống cấp, không thanh khoản được, gây tổn thất kinh tế nhà đầu tư.

Ngoài ra, cơ chế chính sách ưu đãi nhà ở xã hội chưa đủ mạnh, dẫn đến hạn chế việc thu hút nhà đầu tư tham gia.

Thêm vào đó, phần khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của tỉnh như: Quy hoạch, giải phóng mặt bằng,…thì đã được lãnh đạo tỉnh quan tâm giải quyết. Nhưng phần vướng mắc về cơ chế, chính sách, quy định pháp luật thì phụ thuộc vào việc sửa đổi Luật Đất đai, Luật Nhà ở,… có sớm được thông qua hay không.

Tỉnh Bình Định dự kiến đầu tư xây dựng nhà ở xã hội đến năm 2030 khoảng 20.346 căn. (Ảnh minh hoạ, nguồn Hoàng Đức Ngọc)

PV: Trên thực tế, dù là phân khúc dành riêng cho người thu nhập thấp, song, việc tiếp cận để được mua và thuê nhà ở xã hội lại khiến công nhân, người lao động gặp vô số khó khăn, thậm chí là chưa tiếp cận được nhà ở xã hội. Tỉnh Bình Định có phương án gì giải quyết rào cản này để nhà ở xã hội được hướng đến đúng đối tượng?

Ông Trần Viết Bảo: Hiện tại, các dự án nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh cơ bản giải quyết được nhu cầu nhà ở cho các đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội, trong đó có công nhân, người lao động có thu nhập thấp. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có một số khó khăn nhất định trong việc công nhân, người lao động có thu nhập thấp khó tiếp cận nhà ở như một số dự án chung cư nhà ở xã hội có quy mô cao tầng (càng cao tầng thì suất đầu tư càng lớn). Do đó, chủ đầu tư đã đưa một số vật tư hoàn thiện cao cấp vào công trình dẫn đến giá thành căn hộ cao so với mức thu nhập của người mua.

Ngoài ra, các dự án bắt đầu triển khai thì quy định của Nghị định 35/2023/NĐ-CP đã bỏ ưu đãi cho chủ đầu tư 20% đất ở thương mại trong dự án nhà ở xã hội cũng góp phần làm tăng giá bán so với trước đây.

Trước những vướng mắc này, ngày 01/8/2023, UBND tỉnh Bình Định ban hành Quyết định số 39/2023/QĐ-UBND quy định cơ chế hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh như: Hỗ trợ giải phóng mặt bằng; tạo quỹ đất sạch cho dự án; hỗ trợ 50% kinh phí đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong phạm vi dự án cho nhà đầu tư để xây dựng nhà ở xã hội.

Về giá bán: Để kiểm soát giá bán ngay từ đầu, chúng tôi đã đề xuất UBND tỉnh quy định cụ thể giá bán nhà ở trong quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án. Trong hồ sơ mời thầu để nhà đầu tư biết khi tham gia, đề xuất phương án đầu tư sau khi được lựa chọn; kiểm soát chặt chẽ trong công tác thẩm định hồ sơ thiết kế, thẩm định giá bán, giá cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội.

Với các giải pháp nêu trên, phần nào góp phần giảm giá bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội để công nhân, người lao động có thu nhập thấp được tiếp cận./.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top