Aa

Bình quân và công bằng

Thứ Năm, 16/07/2020 - 07:00

Tinh thần “bình quân, cào bằng” đã thấm vào máu, phải bằng nhau, như nhau, mình hơn người thì được nhưng người hơn mình thì “tức không chịu nổi”. Sinh ra đủ chuyện khôi hài, gây cản trở không nhỏ cho phát triển xã hội.

Đã một thời gian dài, nhiều người lầm lẫn giữa hai cụm từ “công bằng” và “bình quân”. Người ta cho rằng “bình quân” bằng “công bằng” và ngược lại “công bằng” bằng “bình quân”. Thực ra đây là quan niệm “phản động”. 

Ý tôi muốn nói là “phản động lực”, tức phản động lại quy luật tự nhiên. Tại sao nhiều người lại nghĩ như vậy? Nguyên nhân sâu xa là chúng ta từ một nước thuần nông, nghèo và lạc hậu, mang nặng tính chất cá thể sản xuất nhỏ, tư tưởng hẹp hòi, định kiến thâm căn cố đế vào từng cơ thể sống. 

Và sau này, khi chuyển sang cơ chế sinh hoạt hợp quần: Làm tập thể, ăn tập thể, phân phối sản phẩm lao động tập thể… mà chủ yếu là trong lĩnh vực thuần túy vật chất, nên tinh thần “bình quân, cào bằng” có cơ hội phát triển, được đón nhận nồng nhiệt…

Bản chất của “bình quân” là gì? Là cào bằng tất cả. Là bất kể anh làm gì, ở đâu, làm như thế nào, sự hưởng thụ đều được chia đều như nhau. Vì vậy không có sự lựa chọn, cạnh tranh - những thứ là nhân tố quan trọng thúc đẩy sự phát triển. Và cũng từ sự “bình quân, cào bằng” ban đầu chỉ trong phân phối sản phẩm vật chất, rồi lâu dần chuyển hóa sang các lĩnh vực khác. 

Người ta nghĩ, mọi thứ đều bình quân, mọi người đều như nhau, cả trong vật chất và trong hưởng thụ tinh thần. Quan niệm này thống soái và chi phối mạnh mẽ đến mức, cho tới ngày nay, khi mà đổi mới đã hơn ba mươi năm, vẫn chưa thay đổi được mạnh mẽ. Dường như tinh thần “bình quân, cào bằng” đã thấm vào máu, tất cả cứ phải bằng nhau, như nhau, mình hơn người thì được nhưng người hơn mình thì “tức không chịu nổi”. Sinh ra đủ chuyện khôi hài, bi kịch gây cản trở không nhỏ cho phát triển xã hội.

Tôi đã chứng kiến hai người bạn thân cùng học với nhau từ nhỏ. Lớn lên, cùng học một trường Đại học, ra trường cùng ở Hà Nội và cùng mở cửa hàng kinh doanh máy tính. Ban đầu công việc kinh doanh đơn thuần, thu nhập như nhau nên không có chuyện gì xảy ra. Tình bạn của họ vẫn khăng khít, thân thiết, “nhường cơm sẻ áo”. 

Nhưng rồi thời gian, một người thông minh, biết làm ăn, biết tận dụng cơ hội, giao du rộng rãi, nên nhanh chóng phát triển mạnh mẽ. Người bạn kia kém cỏi nhưng lại cố chấp, bảo thủ, trong lòng sẵn máu tham lam đố kỵ, thêm chút mưu mô, tiểu xảo nên khi vào cơ chế thị trường cạnh tranh đàng hoàng, sòng phẳng thì liên tục thất bại.

Trong trường hợp này, nếu biết điều, người bạn thứ hai phải thức thời loại bỏ tính xấu, thiện tâm học hỏi và không câu nệ nhờ bạn giúp đỡ… Đằng này, chỉ vì thành kiến hẹp hòi, không chịu được người khác hơn mình, nhất là người ấy lại là bạn thân, nên anh ta “phá” bằng cách loan tin thất thiệt, vu khống, xúc phạm danh dự bạn… chỉ với ý chí làm cho bạn “khuynh gia bại sản”. Đương nhiên, sự thật thì không thể bác bỏ. Người bạn mà anh ta định “tiêu diệt” vẫn “vững như bàn thạch”... 

Trong cuộc sống, những hiện tượng như trên có ở khắp nơi và mọi lĩnh vực. Người ta không thể chấp nhận người khác hơn mình, mà lạ, càng gần, càng thân thiết thì càng “không chịu được”. Ở đây tính “bình quân cào bằng” quả có sức mạnh như đám sương mù che phủ bầu trời, thật khó mà gọi tên, xác định minh bạch. Có lần, con một người bạn tôi đoạt giải Nhất cuộc thi toán trong nước. 

Cháu học giỏi từ bé, con nhà truyền thống hẳn hoi. Nhưng vô tình, một lần, tôi ngồi chơi với nhóm bạn của bố cháu, thì có một ông cùng cơ quan khăng khăng khẳng định đứa bé - con bạn tôi - được thế là do “chạy chọt”. Do người ta “nể”, vì bố nó là người trong ngành giáo dục… Thế mới lạ! Người ta không muốn bạn bè hơn nhau đã đành mà con bạn hơn người cũng “tức không chịu được”…

Trong văn học nghệ thuật, nơi mà việc định giá tài năng mang nặng sự cảm tính chủ quan vô thưởng vô phạt, thì tinh thần “bình quân cào bằng” càng nhiều cơ hội tung hoành ngang dọc. Ở đây mọi thứ phụ thuộc vào việc “nói”, nói nhiều, nói to, nói mãi là “thắng”. Người có khả năng thật, tài thật mà không biết lăng xê quảng cáo, không biết “dẻo mỏ chạy chọt, nhờ cậy”, thì không những mãi mãi chỉ “bình quân” mà thường khi còn biệt tăm tên tuổi. 

Hoặc may có ai đó “nặng vía”, giới trong nghề dù muốn cũng không thể phủ định. Nhưng anh ta cũng vẫn bị bạn bè của mình, dù trong bụng thừa nhận, nhưng mặt ngoài vẫn một thái độ khinh khỉnh… Tất cả thói tật này, thủ phạm đích thực vẫn là do thói “hẹp hòi bình quân” mà ra. Không ai muốn người khác hơn mình. Luôn tiềm tàng tinh thần kéo bạn bè đồng nghiệp xuống ngang mình và nếu có thể xuống thấp hơn càng tốt, càng thỏa mãn, đôi khi còn thấy sung sướng nữa… Quả là một “quái tính” trong xã hội văn minh. 

Quái tính này mới nghe tưởng như không có gì, là bình thường, nhưng xem xét kỹ ở mọi góc độ thì quả là ghê sợ. Vì nó chính là thủ phạm chống lại sự phát triển, tiến bộ…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top