Aa

Bộ Tài chính lấy ý kiến sửa khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 trong 3 ngày

Chủ Nhật, 15/12/2019 - 18:13

Bộ Tài chính nghiên cứu nâng mức khống chế chi phí lãi vay được trừ lên 30% thay vì 20% như quy định tại Nghị định 20.

Ngày 12/12/2019, Bộ Tài chính thông báo sẽ tiến hành lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định số 20/2017/NĐ-CP ngày 24/02/2017 của Chính phủ quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Ý kiến tham gia đóng góp gửi về Bộ và qua hòm thư điện tử trước ngày 15/12/2019.

Theo đó, tại dự thảo này, Bộ Tài chính đã nâng mức khống chế chi phí lãi vay được trừ lên 30%, thay vì 20% như quy định tại Nghị định 20.

Cụ thể, tổng chi phí lãi vay thuần phát sinh trong kỳ của người nộp thuế (chi phí lãi vay bù trừ với doanh thu lãi tiền gửi, tiền cho vay) được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng (+) chi phí lãi vay thuần cộng (+) chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế.

Trường hợp tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng chi phí lãi vay thuần cộng chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế nhỏ hơn hoặc bằng 0, chi phí lãi vay thuần phát sinh trong kỳ được chuyển toàn bộ và liên tục vào chi phí lãi vay thuần được để xác định thu nhập chịu thuế của 5 năm tiếp theo theo quy định xác định lỗ và chuyển lỗ của pháp luật thuế thu nhập doanh nghiệp.

Ảnh minh họa.

Giải thích về việc khống chế chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp, Bộ Tài chính cho biết, để tránh việc đánh thuế trùng, OECD khuyến nghị các nước cần quy định ngưỡng giới hạn khấu trừ chi phí lãi vay trong khoảng từ 10 - 30% trên tổng lợi nhuận trước thuế chưa trừ khấu hao và lãi vay (EBITDA).

Sau khi cân nhắc mức ngưỡng cụ thể nêu trên, Bộ Tài chính cho rằng, việc nâng khống chế 30% là phù hợp với thực tế của Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp từ năm 2019 trở đi.

Nghị định 20/2017/NĐ-CP  được ban hành nhằm hạn chế việc chuyển giá của các doanh nghiệp FDI tại Việt Nam để tối đa hóa lợi nhuận và tối thiểu hóa nghĩa vụ thuế phải nộp. Tuy nhiên, kể từ khi được ban hành vào đầu năm 2017, Nghị định 20 lại gây ảnh hưởng nhiều nhất đến các doanh nghiệp trong nước, gây ra nhiều vướng mắc trong việc triển khai kinh doanh.

Cụ thể, khoản 3, điều 8 quy định: "Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của Tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế" - tức 20% EBITDA. Khi đó, phần chi phí lãi vay vượt quá 20% sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế.

TS. Bùi Trinh, Chuyên gia thống kê đánh giá: Nghị định này lại dường như không ảnh hưởng nhiều đến doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) do họ ít phải vay, tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu của loại hình doanh nghiệp này chỉ là 1,8/1, thấp hơn khu vực trong nước rất nhiều, trong khi đó tỷ suất lợi nhuận trên vốn của khu vực FDI lại rất cao, gấp 5,4 lần khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước (6,5 so với 1,12).

"Nghị định này lại như quất mạnh vào các doanh nghiệp nội vốn đã rất còm cõi. Tổn thương nặng nề nhất cũng rơi vào các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, đặc biệt những doanh nghiệp đang đầu tư vào những ngành trọng điểm cần số vốn rất lớn như nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, dệt may, da giày, chế biến thủy hải sản, kinh doanh bất động sản", TS. Trinh khẳng định.

Tại phiên chất vấn diễn ra ngày 15/8, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, đối với những vướng mắc các doanh nghiệp tư nhân gặp phải vì quy định tại Khoản 3, Điều 8, Nghị định 20/2017/NĐ-CP về khống chế trần chi phí lãi vay, sẽ được sửa triệt để khi sửa Luật thuế TNDN.

Và mới đây, Phó Thủ tướng đã giao Bộ Tài Chính phối hợp với các cơ quan liên quan để xem xét và trả lời kiến nghị của các doanh nghiệp về sửa đổi quy định khống chế chi phí lãi vay theo Nghị định số 20/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top