Aa

Bộ Tài chính trả lời về khoảng trống pháp lý đổi đất lấy hạ tầng

Thứ Bảy, 06/10/2018 - 06:01

Chiều 5/10, Bộ Tài chính tổ chức cuộc họp chuyên đề về việc xử lý khoảng trống pháp lý trong việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện Hợp đồng Xây dựng – Chuyển giao (BT).

Ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính)

Ông Nguyễn Tân Thịnh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính)

Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Tân Thịnh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết: Theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 13 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công thì Chính phủ sẽ quy định chi tiết về sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT; quyết định hoặc phân cấp thẩm quyền quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án BT.

Như vậy, kể từ ngày 01/01/2018, không áp dụng quy định tại Quyết định số 23/2015/QĐ-TTg ngày 26/6/2015 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ chế Nhà nước thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo hình thức xây dựng - chuyển giao; việc quy định thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT thuộc thẩm quyền của Chính phủ (cấp ban hành văn bản quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT).

Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ tại Công văn số 1248/VPCP-KTTH ngày 02/02/2018 của Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính đã có Công văn số 3515/BTC-QLCS ngày 28/3/2018 hướng dẫn các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở trung ương; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc xử lý một số vấn đề chuyển tiếp trong quản lý, sử dụng tài sản công.

Theo đó: “Tạm dừng việc xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư kể từ ngày 01/01/2018 cho đến khi Nghị định của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao có hiệu lực thi hành”.

Trước câu hỏi của báo chí về việc vì sao chậm ban hành Nghị định về thanh toán tài sản công cho nhà đầu tư BT dù Luật đã có hiệu lực gần 1 năm?

Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản cho biết, Luật Quản lý sử dụng tài sản công có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, về quy tắc luật có hiệu lực thì văn bản quy định chi tiết phải có hiệu lực theo. Hiện về danh mục các văn bản quy định chi tiết về sử dụng tài sản công, Chính phủ đã ký ban hành 16 Nghị định và Quyết định của Thủ tướng.

Cũng theo ông Thịnh, ngay trong quá trình xây dựng Luật sử dụng tài sản công, Bộ Tài chính đã có dự thảo. Sau khi Thủ tướng có Quyết định 1357 về danh mục phân công cơ quan chủ trì soạn thảo các văn bản chi tiết, chưa đến một tháng sau Bộ Tài chính đã có tờ trình dự thảo về sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án BT.

"Có thể nói Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và các bộ ngành liên quan rất khẩn trương trong việc soạn thảo, trình dự thảo Nghị định. Dự thảo này cũng được Thủ tướng, Phó Thủ tướng quan tâm cho ý kiến chỉ đạo để hoàn thiện. Văn phòng Chính phủ đã lấy ý kiến bằng văn bản các thành viên Chính phủ, Thường trực Chính phủ cũng đã cho ý kiến. Mới đây nhất, trong phiên họp Chính phủ tháng 8, Chính phủ cũng bàn về nội dung này. Sau phiên họp, Chính phủ có Nghị quyết giao bộ ngành liên quan tiếp tục hoàn thiện về nhiều nội dung cả về đầu tư, sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư", ông Thịnh nói.

Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản nhấn mạnh “Trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị định này rất khó vì liên quan nhiều pháp luật khác nhau: đầu tư, đất đai, đặc biệt là xác định giá trị quyền sử dụng đất để đảm bảo theo giá thị trường, tránh thất thoát. Chính phủ rất thận trọng trong việc hoàn thiện trước khi ban hành".

Chia sẻ về "khoảng trống pháp lý" trong việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện Hợp đồng BT ông Thịnh nói, kể từ khi Luật Đầu tư công có hiệu lực từ ngày 1/1/2018 mà dự thảo Nghị định chưa được ký ban hành thì Bộ Tài chính đã thấy sẽ xuất hiện khoảng trống pháp lý như hiện nay.

"Ngay từ tháng 1/2018, Bộ Tài chính đã có văn bản báo cáo Thủ tướng để xin ý kiến về việc xử lý một số nội dung, trong đó có nội dung sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư BT. Bộ Tài chính rất tích cực khẩn trương để hoàn thiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về nội dung này", ông Thịnh nói thêm.

Liên quan nội dung cuộc họp, ông Ngô Chí Tùng, Chánh Văn phòng Bộ Tài chính cũng khẳng định, việc đề nghị dừng thanh toán các dự án BT mà Bộ Tài chính thông báo cách đây không lâu không phải là “tuýt còi” dự án mà Bộ Tài chính hướng dẫn các địa phương thực hiện đúng pháp luật.

Trước đó, dự án đường Lê Đức Thọ - Xuân Phương, Thanh tra Chính phủ phát hiện công tác lập, thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư của dự án này không chính xác làm tăng giá trị hợp đồng lên 19,5 tỷ đồng. Dự án đường bao quanh khu tưởng niệm Chu Văn An cũng có sai phạm tương tự làm tăng tổng mức đầu tư lên hơn 12 tỷ đồng. Bên cạnh đó, công tác lập, phê duyệt dự toán thiết kế bản vẽ thi công của dự án này chưa chính xác cũng đã khiến cho số tiền tăng thêm 15,9 tỷ đồng.

Đối với dự án nút giao thông Long Biên, Thanh tra Chính phủ phát hiện hàng loạt sai phạm trong việc lập, thẩm định, phê duyệt tổng mức đầu tư làm tăng giá trị trên 34 tỷ đồng. Công tác lập, phê duyệt dự toán thiết kế bản vẽ thi công của dự án này chưa chính xác cũng đã khiến cho tăng thêm hơn 4,5 tỷ đồng. Một số vi phạm khác về giải phóng mặt bằng, di dời, tính toán khối lượng dự toán…cũng đã khiến cho dự án đội thêm trên 12 tỷ đồng.

Đối với dự án đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên dự toán điều chỉnh tổng mức đầu tư để điều chỉnh giá trị hợp đồng BT tính toán sai khối lượng tại một số hạng mục, áp dụng đơn giá và định mức không đúng, làm sai tăng giá trị tổng mức đầu tư hơn 14,4 tỷ đồng...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top