Aa

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: "Cần hành động nhanh và mạnh hơn để hỗ trợ DN"

Linh Chi
Linh Chi hoanguyen1304@gmail.com
Thứ Bảy, 09/05/2020 - 13:30

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh rằng ngay lúc này chúng ta cần phải có những hành động nhanh và mạnh hơn để hỗ trợ doanh nghiệp chớp lấy thời cơ “vàng”, nhằm phục hồi và phát triển bứt phá, kích thích tăng trưởng.

Tại Hội nghị với doanh nghiệp “Cùng nỗ lực, vượt thách thức, đón thời cơ, phục hồi nền kinh tế”, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng trình bày Báo cáo chung về tác động của dịch Covid-19, Thách thức và thời cơ, cơ hội phát triển doanh nghiệp.

Đồng thời, ông cũng thông báo các nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công và bảo đảm trật tự an toàn xã hội trong bối cảnh dịch Covid-19.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, theo dự báo của các tổ chức uy tín quốc tế, đại dịch Covid-19 sẽ khiến cho kinh tế thế giới năm 2020 tăng trưởng âm khoảng 3%; đẩy thêm nửa tỷ người trên thế giới lâm vào cảnh đói nghèo. GDP năm 2020 của một số nền kinh tế lớn trên thế giới được dự báo sụt giảm mạnh như: Mỹ tăng trưởng âm 5,9%, Anh tăng trưởng âm 6,5%, và khu vực đồng tiền chung châu Âu tăng trưởng âm 7,5%.

Trong khi đó, Việt Nam đã nỗ lực đạt được “trạng thái tích cực”: tăng trưởng GDP quý I năm 2020 đạt 3,82%, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt gần 83 tỷ đô la Mỹ, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm trước, xuất siêu 3 tỷ đô la Mỹ.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Báo Đầu tư

Tuy nhiên, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Việt Nam cũng không thể nằm ngoài vùng xoáy ảnh hưởng tiêu cực bởi đại dịch.

Lực lượng doanh nghiệp là bộ phận quan trọng của nền kinh tế, hiện đang bị tổn thương nặng nề. Các doanh nghiệp phải đối mặt với “khó khăn kép”: Vừa thiếu hụt nguyên liệu đầu vào, vừa bị giảm mạnh thị trường đầu ra, nhất là các ngành hàng tham gia sâu vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị toàn cầu. Các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư bị ngưng trệ, doanh thu bị sụt giảm, thậm chí dẫn đến tính trạng thua lỗ; nhiều doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động, thu hẹp sản xuất, nhất là doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ.

Ông cho biết, cuối tháng 4 vừa qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tiến hành khảo sát nhanh gần 130.000 doanh nghiệp. Theo đó, khoảng 86% doanh nghiệp bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19; doanh thu dự kiến 4 tháng đầu năm 2020 giảm mạnh xuống còn khoảng 70% so cùng kỳ năm 2019.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, một trong những khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là thiếu vốn, đặc biệt là vốn lưu động.

Theo thống kê, có tới trên 45% số doanh nghiệp đang bị thiếu hụt nguồn vốn cho sản xuất kinh doanh. Khó khăn về thị trường, nguồn thu, dòng tiền đã khiến nhiều doanh nghiệp buộc phải sử dụng các biện pháp cắt giảm tiền lương và lao động.

Các số liệu về tình hình đăng ký doanh nghiệp trong 4 tháng đầu năm 2020 cho thấy, diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của toàn bộ khu vực doanh nghiệp; số doanh nghiệp thành lập mới giảm mạnh; quy mô doanh nghiệp bị thu hẹp; số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng mạnh (tăng 33,6% so với cùng kỳ năm 2019).

Song, ông cũng chia sẻ "điều đáng mừng", là trong giai đoạn vô cùng khó khăn vừa qua, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, chia sẻ khó khăn, hỗ trợ nhau cùng vượt qua thách thức; nhiều doanh nghiệp đã chung vai chia sẻ với Chính phủ trong cuộc chiến chống lại đại dịch Covid-19.

"Điều đó cho thấy, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như vậy, nhưng ý chí kiên cường của dân tộc Việt Nam đã được phát huy hơn bao giờ hết", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, nhiều chuyên gia kinh tế có uy tín trong và ngoài nước đã nhận định đây là thời cơ quý báu, không dễ gì có được khi Việt Nam đang hội tụ đầy đủ các yếu tố và điều kiện để tạo nên cú hích lớn cho sự phát triển thần kỳ.

Chính vì vậy, ngay lúc này chúng ta cần phải có những hành động nhanh và mạnh hơn để hỗ trợ doanh nghiệp chớp lấy thời cơ “vàng”, nhằm phục hồi và phát triển bứt phá, kích thích tăng trưởng.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, với trách nhiệm là cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ, trong bối cảnh đất nước đang đứng trước triển vọng lớn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin đề xuất: Cần quán triệt quan điểm hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp phát triển; coi việc thực hiện các giải pháp, chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp và khôi phục nền kinh tế là nhiệm vụ trọng yếu, cấp bách, cần sự vào cuộc của toàn bộ hệ thống chính trị, như đã áp dụng đối với công cuộc phòng chống dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua.

Trong trạng thái mới của nền kinh tế, điều quan trọng nhất đối với các doanh nghiệp chính là các biện pháp phòng, chống dịch bệnh hợp lý, không quá cực đoan, qua đó tạo điều kiện cho các doanh nghiệp dần thích nghi với điều kiện: Vừa phục hồi dần các hoạt động sản xuất kinh doanh, vừa bảo đảm an toàn cho người lao động, tìm kiếm và tận dụng những cơ hội mới để phát triển, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế quốc gia.

Với quan điểm nêu trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất gợi mở một số định hướng và nội dung thảo luận gồm 6 điểm lớn và các khu vực doanh nghiệp lớn, gồm khu vực doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp khu vực tư nhân và doanh nghiệp FDI.

Cụ thể, đối với khu vực doanh nghiệp nhà nước vẫn còn nhiều dư địa trong hoạt động đầu tư, là khu vực chiếm lĩnh thị trường lớn và tập trung nhiều dự án lớn. Do đó, cần cần nghiên cứu một cách sâu sắc, nghiêm túc các cơ hội và thách thức để định hình được chiến lược phát triển của mình; xác định việc đổi mới khoa học, công nghệ, mở rộng thị trường là xu hướng tất yếu phải tập trung nguồn lực để thực hiện; đồng thời, cần thực hiện quản trị chuyên nghiệp hóa nâng cao hiệu quả hoạt động để có thể trở thành lực lượng tiên phong, đảm đương vai trò dẫn dắt trong một số ngành, lĩnh vực, tạo sự lan tỏa và lôi kéo các doanh nghiệp khu vực tư nhân trong nước cùng phát triển.

Đối với doanh nghiệp khu vực tư nhân, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần tiếp tục phát huy tính bền bỉ, dẻo dai, sức sáng tạo và linh hoạt thích ứng với hoàn cảnh mới, để duy trì sản xuất kinh doanh, ổn định việc làm cho người lao động; nhanh nhạy tận dụng các cơ hội thị trường; nâng cao năng lực cạnh tranh để có thể tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị trong và ngoài nước.

Đối với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn cần tăng cường nội lực, liên tục đổi mới sáng tạo, phát huy vai trò đầu tầu, ưu tiên tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước tham gia vào mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị của mình; cần xây dựng chiến lược, tầm nhìn lớn với mục tiêu thiết lập vị thế mới của thương hiệu Việt trên thị trường trong và ngoài nước.

Đối với doanh nghiệp FDI, cần xác định là một thành phần không thể tách rời của nền kinh tế Việt Nam, xây dựng mối quan hệ tương sinh với các thành phần doanh nghiệp khác trong nước với phương châm cùng lớn mạnh, cùng phát triển; tăng cường sự liên kết với các doanh nghiệp trong nước, thực hiện chuyển giao kiến thức, công nghệ cho các doanh nghiệp Việt Nam để tạo dựng hệ sinh thái doanh nghiệp hiệu quả, bền vững.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top