Aa

Bộ Tư pháp đề nghị lùi thời điểm chính thức ghi tên "cả gia đình" vào sổ đỏ

Thứ Năm, 30/11/2017 - 21:52

Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho rằng nếu chưa thể chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để có thể triển khai Bộ Tài nguyên và Môi trường nên xem xét việc lùi thời điểm có hiệu lực của quy định ghi tên các thành viên trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất vào sổ đỏ.

Những ngày vừa qua, quy định ghi tên các thành viên trong gia đình có chung quyền sử dụng đất vào sổ đỏ theo Thông tư 33 đã gây ồn ào và thu hút sự chú ý của dư luận.

Mới đây, Bộ Tư pháp đã tổ chức cuộc họp khẩn với Bộ Tài nguyên và Môi trường để trao đổi về tính hợp lý, khả thi của Thông tư 33/2017/TT-BTNMT trong điều kiện hiện nay.

Thông tin trên báo Dân trí, Ông Đồng Ngọc Ba, Cục trưởng Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp), cho biết, đơn vị đã tổ chức kiểm tra theo thẩm quyền, và có báo cáo lãnh đạo Bộ Tư pháp về vấn đề này. Theo ông Ba, quy định hướng dẫn cách ghi cụ thể các thành viên trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất tại Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Thông tư 33 là có cơ sở pháp lý, cần thiết, tiến bộ, nhằm minh bạch về tài sản, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của những người có chung quyền sử dụng đất... 

Tuy nhiên cần phải có giải pháp để đảm bảo tính khả thi. Bởi qua rà soát, nghiên cứu tổng thể quy định pháp luật và thực tiễn triển khai các quy định pháp luật về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với hộ gia đình, Cục kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) chưa thực sự yên tâm về tính khả thi của quy định này. 

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Chia sẻ về thời gian có thể đưa quy định này vào thực hiện, ông Đồng Ngọc Ba cho rằng nếu quyết tâm thực hiện quy định này từ ngày 5/12 sắp tới thì phải rất khẩn trương chuẩn bị các giải pháp thực hiện, bảo đảm tính khả thi, tạo thuận lợi cho người dân.

Trong đó, quan trọng nhất là phải có phương thức, cách thức cụ thể để xác định đầy đủ, chính xác những người có chung quyền sử dụng đất gồm cả phần quyền của mỗi người trong từng hộ gia đình.

Trường hợp chưa thể chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết để có thể triển khai, chưa có giải pháp để giải quyết được những vướng mắc phát sinh, theo ông Đồng Ngọc Ba, Bộ Tài nguyên và Môi trường nên xem xét việc lùi thời điểm có hiệu lực của quy định này để có thời gian chuẩn bị.

Trước đó, thông tin về việc "ghi tên cả gia đình vào sổ đỏ" được đưa trên các phương tiện truyền thông đại chúng đã khiến dư luận xôn xao và có nhiều tranh cãi. Theo luật sư Vũ Ngọc Dũng, nguyên nhân lớn nhất là ở câu từ và cách hiểu văn bản luật của người dân. Quy định rõ là: dòng tiếp theo ghi “Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc Cùng sử dụng đất hoặc Cùng sở hữu tài sản) với … (ghi lần lượt họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất).

"Khi đọc tới quy định này người đọc dễ nhầm lẫn giữa thành viên còn lại trong trong hộ gia đình là tất cả mọi người, nhưng thực tế chỉ những người “có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hưu tài sản gắn liền với đất" thôi và những người này phải chứng minh được mình có quyền và nghĩa vụ liên quan mới được ghi tên trong sổ đỏ. Việc này vừa là nghĩa vụ của người cung cấp thông tin kê khai sổ đỏ, vừa là nghĩa vụ xác minh của cơ quan địa chính", ông Dũng khẳng định. 

Đồng tình với luật sư Vũ Ngọc Dũng, ĐBQH Nguyễn Chiến cho biết: "Tôi nghĩ lo ngại của người dân là hoàn toàn hợp lý. Thông tư 33 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành cũng với mục đích nhằm quản lý Nhà nước tốt hơn trong lĩnh vực về đất đai, và đặc biệt mong muốn minh bạch hóa quyền của những người trong chủ hộ liên quan đến việc sử đụng đất thì cũng là việc cần thiết.

Tuy nhiên việc ghi, liệt kê thêm họ tên các thành viên trong gia đình cũng đặt ra những vấn đề phát sinh. Tôi nghĩ rằng một Thông tư ban hành ra để phù hợp với quy định của pháp luật và phục vụ nhân dân, do đó nếu như còn bất cập, thấy chưa thi hành được thì Bộ phải nghiên cứu, tạm dừng để triển khai tổ chức thực hiện lùi lại, nếu thực sự không có gì bất cập mà chắc chắn sẽ thực hiện tốt, có thể đồng bộ trên cả nước thì lúc đó mới ban hành". 

Ở một diễn biến khác, ngày 27/11 vừa qua, tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong sáng 27/11, Thứ trưởng Nguyễn Thị Phương Hoa cho biết, Thông tư 33/2017 có lỗi diễn đạt gây khó hiểu cho người dân. “Câu chữ trong thông tư mang tính kỹ thuật, người trong ngành đọc sẽ hiểu nhanh, song người dân thì khó hiểu. Bộ sẽ rút kinh nghiệm về việc này”, bà Hoa nói. 

Bộ Tài nguyên và Môi trường thừa nhận cách ghi hiện hành đã gây khó khăn trong việc xác lập quyền sử dụng đất của từng thành viên trong sổ đỏ cấp cho hộ gia đình. Vì thế, khi chuyển nhượng quyền sử dụng đất dễ phát sinh tranh chấp.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top