Aa

Bồn chồn thông tin "khai tử" hơn 1.300 cây xanh để mở rộng đường Phạm Văn Đồng

Thứ Năm, 01/06/2017 - 16:16

Trước thông tin “hơn 1.300 cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng sẽ bị chặt hạ, di dời để thi công dự án đầu tư mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch – cầu Thăng Long” chắc hẳn đã khiến cho nhiều con tim của người dân Thủ đô không khỏi lo lắng bồn chồn.

Theo quyết định của UBND TP Hà Nội, dự án đầu tư mở rộng đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch – Cầu Thăng Long do BQL đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội (Sở GTVT Hà Nội) làm chủ đầu tư.

Để thi công tuyến đường này, hơn 1.300 cây xanh nằm hai bên đường Phạm Văn Đồng từ chân cầu Mai Dịch đến cầu Thăng Long thuộc diện phải đánh chuyển, di dời, chặt hạ trước ngày 30/9.

Ông Phạm Văn Duân, Phó Giám đốc BQL đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội, cho biết vào ngày 18, 19, 20/4, đơn vị này cùng các cơ quan hữu quan tiến hành khảo sát, đánh giá dãy cây xanh trên tuyến đường Phạm Văn Đồng.

"Trong số hơn 1.300 cây xanh trong diện di chuyển, chặt hạ, cắt tỉa có 986 cây xà cừ đường kính từ 0,4 m đến 1,2 m; 38 cây sấu; 65 cây hoa sữa; 11 cây phượng.

Theo kế hoạch, đơn vị thi công sẽ di chuyển 158 cây, giữ lại để cắt tỉa 142 cây và chặt hạ hơn 1.000 cây.

Phải khẳng định rằng kế hoạch phát triển mở rộng hạ tầng giao thông phục vụ đời sống, kinh tế của người dân Thủ đô là việc làm cần thiết và rất quan trọng. Như chúng ta biết, đường Phạm Văn Đồng là tuyến huyết mạch kết nối giao thông từ nội đô đi sân bay Nội Bài và liên kết các khu công nghiệp lớn của Hà Nội, kết nối các tỉnh phía Bắc, Đông Bắc qua bến xe Mỹ Đình, Giáp Bát đi về phía Nam để vận chuyển lượng lớn hành khách, hàng hóa giữa khu vực Bắc và Nam Sông Hồng.

Việc mở rộng tuyến đường vành đai 3 sẽ góp phần quan trọng phát triển hạ tầng giao thông và giải quyết ùn tắc giao thông trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, các nút giao phức tạp có lưu lượng lớn Hoàng Quốc Việt, Cổ Nhuế, Nguyễn Hoàng Tôn, tạo mặt bằng để Bộ Giao thông Vận tải đầu tư tuyến cầu cạn trên cao từ Mai Dịch đến cầu Thăng Long.

Tuy nhiên, người dân có quyền đặt câu hỏi trước đề án mở rộng này, và việc phải đốn hạ, di dời 1.300 cây xanh cổ thụ nêu trên thì không biết các nhà chính sách, các cơ quan nghiên cứu thực thi có cân nhắc, “nâng lên, đặt xuống”, nghiên cứu các giải pháp, biện pháp để có thể vừa thực hiện được dự án trên, vừa có phương án bảo vệ được hơn 1.300 cây xanh trên tuyến đường này không?

Giả thiết như: Có phương án nào mà vẫn mở rộng đường vành đai 3, xây đường trên cao mà không phải chặt hạ một cây nào không? Hoặc phương án chặt hạ ít số cây nhất và vẫn bảo toàn được hàng cây cổ thụ trên đường đó không? VV và VV

Có lẽ không cần nói nhiều khi quý vị xem những bức ảnh dưới đây để cảm nhận được con người đã phải bảo vệ cây xanh như thế nào.

Đó là câu chuyện ở Nhật Bản có nhà ga xe lửa Kayashima (Osaka) rất nổi tiếng. Khi xây dựng ga này, để giữ lại một cây long não lớn, người ta đã “đục” từ mái xuống đến hầm của nhà ga nhiều tầng để chừa một khoảng không cho cây tiếp tục phát triển tự nhiên.

Chẳng phải hi hữu gì, trên thế giới nhiều con đường được uốn cong để bảo vệ một cụm cây đang hiện hữu, nhiều ngôi nhà được "lả lướt" để không phải chặt bỏ một cái cây nào trong khuôn viên. Nhìn những bức ảnh dưới đây hẳn ai cũng thích thú, ngưỡng mộ.

Vẫn biết câu chuyện giữa bảo tồn và phát triển, đô thị hóa, hiện đại hóa thì phải có những tính toán, bước đi “quyết liệt”. Thế nhưng sự “quyết liệt” ấy có phương án khác đỡ “thiệt hại” hơn không? có đáng không? Chúng ta bị mất gì và được gì? Có lâu bền không và có lợi cho ai…? thì rất cần các nhà chính sách, các cơ quan chức năng và những người đứng đầu Thủ đô Hà Nội bàn bạc, nghiên cứu và cân nhắc kỹ lưỡng.

Đến trẻ con còn biết cây xanh cho bóng mát, cây xanh lọc bụi đường, cung cấp khí oxi, hút khí cacbonic cho không khí trong lành, thoáng sạch. Ai mà chẳng cố gắng có chút cây cỏ, hoa lá trong nhà. Từ những nhà vườn rộng rãi mấy hecta đến vài chục mét vuông trên tầng cao chung cư, chỗ nào trồng cây được con người đều tận dụng. Dễ hiểu quá mà, cây xanh cho con người sức khỏe.

Con người có trái tim, khối óc để biết sống dung hòa với thiên nhiên, tôn trọng thiên nhiên là yêu lấy cuộc sống của chính mình. Cây xanh đối với một tâm hồn sâu sắc còn có sinh mệnh, dù không đó vẫn là vật thể sống mang lợi ích lớn lao cho con người. Không biết trân trọng, con người sẽ đem chính mình ra mà trả giá.

Các nhà khoa học đã có những cảnh bảo về ô nhiễm không khí, khói bụi ở Thủ đô, và cho đến nay cũng chưa có một thống kê nào về việc Hà Nội đang thiếu và phải trồng thêm bao nhiêu cây xanh. Nhưng tới đây việc chặt hạ, di dời 1.300 cây trên tuyến đường Mai Dịch – cầu Thăng Long thì có nghĩa là “lá phổi” của Thủ đô lại tiếp tục bị tổn thương thêm một góc.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top