Aa

Bóng đen trên cây thị

Thứ Ba, 13/11/2018 - 06:00

Khi đến trước cây thị, chúng ngước lên và giật mình kinh hãi. Trên cành thị mọc ngang và đầu cành là xuống thấp sát mặt đất, có một bóng đen đang ngồi trên đó. Dù trong nỗi kinh hãi, chúng vẫn nhận ra một đôi mắt hoang dại nhìn chúng. Tất cả lũ trẻ đứng chết lặng như trời trồng, tim chúng đập tưởng vỡ tan thành từng mảnh. Trong hương thơm của thị, chúng ngửi thấy một mùi tanh khủng khiếp...

Hồi Tưởng Tháng Tám

Giữa tháng tám cây thị vàng rũ rượi

Như người ốm nhiều năm không tìm ra bệnh

Một hoàng hôn xưa tôi đứng nhìn cây

Không đủ sức bỏ đi không can đảm đến gần

Bầy dơi xòe những đôi cánh không lông vũ bay về và kêu rít lên

Hương thị lượn lờ, thều thào giọng nói

Những con dơi say thị treo trên cành từng búi

Tôi thấy ốm đau tràn ngập khắp khu vườn

Những vỏ thị dán hoa dọc bức tường sắp đổ

Mấy mươi năm mê sảng vẫn bay về

Trong đau ốm lại bước đến một chú bé

Đứng nhìn cây thị vàng rũ rượi trong đêm...

(Rút từ tập thơ Bài Ca Những Con Chim Đêm, NXB Hội Nhà văn, 1999)

Kể từ lần cuối cùng tôi đứng nhìn cây thị còng ở làng tôi cho đến khi tôi viết bài thơ "Hồi tưởng tháng Tám" là gần một nửa thế kỷ. Cũng từ đó, câu chuyện về con ma ngồi trên cây thị trong những đêm trăng tháng Tám mà biết bao thế hệ người làng tôi được nghe ông bà, cha mẹ kể cho nghe cũng thưa dần và mất hẳn. Đó là cây thị cổ thụ có lẽ đã sống hàng trăm năm. Nó mọc trong góc vườn của gia đình bà Dạng. Gia đình bà Dạng sống trong một ngôi nhà làm bằng đất lợp mái rạ. Cả ngôi nhà chỉ có một cái cửa ra vào ở chính giữa, nhỏ và thấp. Ngoài ra ngôi nhà có hai ô cửa sổ nhỏ chỉ bằng chiếc quạt tre. Dây leo hoang dại bò kín cả ngôi nhà. Bởi thế, ngôi nhà lúc nào cũng tối âm u. Rồi ông chồng bà Dạng mắc bệnh lao. Sống trong một ngôi nhà ẩm thấp, âm u và cuộc sống vô cùng đói rét nên bệnh lao của ông Dạng mỗi ngày một nặng và không thể nào chữa được.

Hồi đó, những người ở thôn quê mắc bệnh lao là cầm chắc chết vì chẳng có thuốc men gì cả. Ông Dạng mất một thời gian thì bà Dạng cũng mắc bệnh lao và mất. Lần lượt những người trong gia đình bà cũng mắc bệnh lao và lần lượt ra đi. Bệnh lao là một căn bệnh rất dễ lây. Chẳng ai dám đến thăm gia đình bà Dạng vì sợ lây bệnh. Họ hàng cũng có người đến nhưng chỉ đứng ngoài sân hỏi vọng vào dăm câu rồi đi. Vì thế mà ngôi nhà của bà Dạng âm u lại càng âm u và lúc nào ai đi qua cũng mang cảm giác hơi lạnh từ ngôi nhà đó tỏa ra.

Người cuối cùng của gia đình bà Dạng còn sót lại là cô con gái út của ông bà. Một người làm nghề hàn nồi vô sinh đi qua làng thấy vậy bèn xin cô về làm con nuôi. Gần hai mươi năm sau, cô con gái út bà Dạng trở về để bán mảnh đất của gia đình mình nhưng không tìm được người mua. Chị ở lại vài ngày thăm họ hàng rồi ra đi và cho tới nay không thấy quay về làng thêm một lần nào nữa. Chị không bán được mảnh đất bởi sau khi bố mẹ, anh chị của chị chết hết vì bệnh lao và chị được cho làm con nuôi một ông hàn nồi không rõ quê quán thì ngôi nhà và mảnh vườn nhà chị ở sát đầm nước tách khỏi những gia đình khác trong làng trở nên hoang dại cùng với sự xuất hiện một con ma nên không ai dám mua.

Làng quê thuở xa xưa.

Làng quê thuở xa xưa.

Cây thị trong góc vườn nhà chị là một cây thị cổ thụ và có hình dáng kỳ dị mà cho dù đi nhiều nơi trong thiên hạ tôi cũng chưa bao giờ nhìn thấy cây thị thứ hai. Trong làng tôi ngày ấy cũng có vài ba nhà trồng thị. Nhưng chỉ có cây thị nhà bà Dạng mùa nào cũng sai quả một cách lạ lùng. Hồi còn sống, cứ đến mùa thị là bà Dạng bứt được cả chục rổ thị đi bán. Đến mùa thị chín, cả cái cây là một vòm quả khổng lồ với một màu vàng rất lạ và hương thơm của cây thị đó lan tới tận làng bên cạnh cho dù hai làng cách nhau cả một cánh đồng rộng.

Vào một đêm sáng trăng gần ngày rằm tháng Tám, những đứa trẻ trong xóm gần đó ngửi thấy mùi thị chín bèn rủ nhau tìm xuống khu vườn để hái thị. Đấy cũng là mùa thị ra quả đầu tiên kể từ ngày ngôi nhà bà Dạng không còn ai ở nữa. Lũ trẻ rón rén bước qua những đám cỏ um tùm cao đến ngang người trong vườn đi về phía cây thị cổ thụ. Khi đến trước cây thị, chúng ngước lên và giật mình kinh hãi. Trên cành thị mọc ngang và đầu cành là xuống thấp sát mặt đất, có một bóng đen đang ngồi trên đó. Dù trong nỗi kinh hãi, chúng vẫn nhận ra một đôi mắt hoang dại nhìn chúng. Tất cả lũ trẻ đứng chết lặng như trời trồng, tim chúng đập tưởng vỡ tan thành từng mảnh.

Trong hương thơm của thị, chúng ngửi thấy một mùi tanh khủng khiếp. Sau một hồi chết lặng, bỗng tất cả những đứa trẻ đều chợt kêu lên “Ma, ma!” và vùng bỏ chạy. Sau tiếng kêu của chúng là những tiếng rít lên chin chít nghe thật kinh khủng và tiếng rào rào như có một cơn mưa đổ xuống. Lũ trẻ vừa chạy vừa kêu và có đứa khóc ầm lên gọi bố mẹ. Sau đêm đó, có một đứa bị ốm kéo dài hàng tháng. Cha mẹ chúng nghĩ ma cây thị đã bắt hồn con mình nên tìm mọi thầy về cũng lễ mãi mới khỏi.

Những đứa trẻ nhìn thấy con ma ngồi trên cây thị trong đêm trăng cùng với mùi tanh và tiếng kêu rợn tóc gáy đã kể cho bố mẹ chúng. Nhưng người lớn không mấy người tin và cấm lũ trẻ đêm hôm không được mò mẫm ăn trộm hoa quả của các gia đình trong làng. Nhưng lũ trẻ vẫn khẳng định chính mắt chúng nhìn thấy con ma ngồi trên cây thị. Một thời gian sau thì lời kể của lũ trẻ mới được một số người lớn trong làng khẳng định. Chính họ cũng đã nhìn thấy con ma ngồi trên cây thị còng cổ thụ trong góc vườn nhà bà Dạng.

Vào những đêm khuya, ai đi qua khu vườn đó đều ngửi thấy mùi tanh lẫn trong hương thị chín làm nên một mùi rất ma quái. Họ cũng nghe thấy tiếng xào xạc trên cây thị và những tiếng kêu lạ. Một người làng nhìn thấy con ma ngồi trên cây thị thì khẳng định đó chính là hồn bà Dạng hiện về giữ cây thị không cho ai hái quả. Chính vậy mà cả trẻ con lẫn người lớn thấy cây thị chín vàng và chi chít quả cho đến tận đầu cành cũng chẳng ai dám lấy. Họ còn nhìn thấy vỏ thị và hạt thị rơi đầy quanh gốc thị.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet

Một vài người làng đề nghị chặt cây thị cổ thụ ấy đi để ma không còn chỗ mà về. Nói vậy nhưng khi phân công mấy người đàn ông khỏe mạnh đến chặt cây thị cổ thụ ấy thì chẳng ai dám chặt. Người này đun đẩy cho người khác. Ai cũng sợ nếu chặt cây thị thì hồn ma của những người trong gia đình bà Dạng đã chết sẽ hiện về bắt họ. Thế là chẳng ai dám bàn đến việc chặt cây thị nữa và cũng chẳng ai dám bước chân vào khu vườn hoang nhà bà Dạng. Vì thế mà cỏ dại càng mọc kín khu vườn nhà bà Dạng và ngôi nhà đất lợp rạ càng trở nên kỳ bí và cũ nát dần.

Khi cây thị không còn quả nào trên cành nữa thì người ta không nhìn thấy bóng ma ngồi trên cây thị nữa. Họ cũng không nghe thấy tiếng xào xạc trên cây thị và mùi tanh bay ra. Thay vào đó, một mùi hôi thối khủng khiếp từ khu vườn. Những lời đồn đại và trí tưởng tượng của người làng về ma cây thị càng được thêu dệt, kỳ quái. Gần hai năm sau, thấy cây hoang mọc quá dày đặc khu vườn nhà bà Dạng và ngôi nhà đất lợp rạ đã sụp đổ, ban chủ nhiệm hợp tác xã của làng quyết định dọn dẹp. Chi đoàn thành niên của làng được động viên tham gia chiến dịch làm sạch làng xóm. Thanh niên nam nữ là đoàn viên đã trống giong cờ mở phát quang cây cỏ trong khu vườn. Khi dọn dẹp khu vườn, họ đã phát hiện ra một bộ hài cốt ở ngay dưới gốc cây thị cổ thụ. Những người có mặt ở đó kêu rú lên vì sợ hãi. Nam nữ thanh niên bỏ chạy khỏi khu vườn. Ban chủ nhiệp hợp tác xã phải mời thầy về cúng lễ. Họ thu gom bộ hài cốt và mai táng ở gò đất hoang bên sông giáp với làng Sóc. Không ai biết được bộ hài cốt đó từ đâu mà có.

Tất cả những người trong gia đình bà Dạng chết đều được họ hàng, làng xóm chôn cất tử tế, đều mồ yên mả đẹp. Sau khi lớn lên, đi học cấp ba ở huyện Mỹ Đức bên kia sông, vào buổi tối, tôi thi thoảng lại kể chuyện ma cây thị và bộ hài cốt cho mấy anh bạn trọ học cùng nghe. Đến lúc đó, trong đầu tôi mới bắt đầu hiện lên những câu hỏi về con ma ngồi trên cây thị và bộ hài cốt lạ. Người làng tôi cho rằng ai đó chết mà không được chôn cất nên hóa thành ma cây thị. Trước kia, những khu đất ven ao đầm làng tôi như một khu rừng. Nhiều nơi chỉ có dấu chân chồn, dái cá, rắn, chuột... mà không hề có dấu chân người qua lại. Vì thế nếu có người thiên hạ chết ở đó có khi cũng chẳng ai biết mà chôn cất. Hồi còn nhỏ, tôi chỉ nghe câu chuyện về ma cây thị như thế nhưng chẳng biết hư thực ra sao.  

Năm 1989, tôi học xong và đi làm ở Hà Nội. Thi thoảng tôi vẫn về quê thăm cha mẹ. Mỗi lần về, tôi thường gom được một, hai cuốn tạp chí Văn Nghệ Quân Đội hay Tạp chí Sáng tác Hà Sơn Bình để mang cho ông anh họ. Tôi gọi ông là anh theo vai vế trong họ chứ ông là một người cao tuổi trong làng. Ông anh họ tôi là người mê văn chương nên những cuốn tạp chí đó đối với ông anh họ tôi còn quí hơn cả vàng. Ông anh họ tôi là người thuộc thiên kinh vạn sử nên người làng gọi ông là trạng. Có gì không hiểu cũng đến hỏi ông.

Một lần trong lúc trò chuyện văn chương, tôi hỏi ông về chuyện ma cây thị và bộ hài cốt lạ trong vườn nhà bà Dạng. Nghe tôi hỏi, ông chỉ tủm tỉm và nói: “Chuyện ấy là thật mà không phải thật”. Nghe vậy, tôi hiểu ông biết sự thật câu chuyện đó. Nhưng tôi cũng không hỏi lại ông lần nào nữa cho dù tôi luôn luôn muốn biết sự thật. Bây giờ ông anh họ tôi đã thành người thiên cổ. Và câu chuyện về ma cây thị cũng trôi vào dĩ vãng.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top