Aa

Bóng người còn gửi lại

Thứ Sáu, 05/06/2020 - 13:36

Có thật trong cuộc đời này ai đó bảo tàng một mối tình si, có không? Thi sỹ hay đặt giả thiết bạn ạ. Chính tôi cũng nghi ngờ, tình yêu cũng không vĩnh cửu, ở đời không gì là mãi mãi? Nhưng lòng tốt và sự tốt đẹp con người dành cho nhau thì mãi còn. Thường thì người cho không hay nhớ, người nhận mới nhớ!

Biển Đồ Sơn (Hải Phòng) nằm gần chân núi chùa Dơi. Biển nơi này khác hẳn các bãi biển Việt Nam, không có nước biển trong xanh như ở đảo Quan Lạn hay đảo Cô Tô (Quảng Ninh), biển Thiên Cầm (Hà Tĩnh), vệt biển Cửa Đại (Hội An) hay hòn Móng Tay (Kiên Giang). Tôi không ngạc nhiên bởi biển Đồ Sơn nằm ở ngã ba cửa biển Nam Triệu, Lạch Tray, Lạch Cát. Đây là vùng nửa hở của chế độ thủy thạch, động lực rất phức tạp, khi triều cường vỗ trực tiếp vào thân đê kè sẽ khiến nước biển luôn luôn đục và đỏ (Theo Trung tâm Khoa học Tự nhiên và Công nghệ Quốc gia). 

Gần biển nơi bờ nước đục ấy thật gắn bó với nhà văn, nhà biên kịch Đoàn Lê. Chị không chỉ có tài văn chương, hội họa, mà còn cả việc thời sắm vai diễn viên, biên kịch, đạo diễn. Đứng tuổi, chị viết về biển, về cái xóm chùa ở gần chân núi Dơi, gần đền Mẫu Vừng, gần chùa Bà Đế. 

Nhà văn, họa sỹ, diễn viên, nhà biên kịch, đạo diễn Đoàn Lê.

Không rõ người đàn bà ấy khi lui về ở ẩn nơi xóm chùa, lúc ly hôn với hai bàn tay trắng, chị cô đơn ra sao. Mới đầu đi ở nhờ nhà chị bạn, rồi dùng hai mươi năm gây dựng nhà vườn ngay bên bãi biển Đồ Sơn bằng tiền làm phim, viết văn và vẽ. Đoạn kết, chị có hai ngôi nhà, một ngôi nhà để ở, một ngôi nhà xây thêm để vẽ sơn dầu. Đoàn Lê học biên kịch đạo diễn, sau này cũng học vẽ thêm từ họa sỹ Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái, Trần Duy và chuyên vẽ sơn dầu. 

Những bức tranh sơn dầu khổ lớn của hoạ sỹ Đoàn Lê.

Người đàn bà ấy luôn nhỏ nhẹ. Tuổi này khi đã 70, chị kể: "Cuộc đời tớ cũng được nhiều chàng mê và tớ cũng quý mến họ. Không hiểu sao bây giờ, tuổi này rồi tớ vẫn "bị yêu". Khổ... Cuộc tình đơn phương, cuối cùng có một chàng đòi yêu tớ, mà tớ thì không. Vẽ tốn sức lắm. Viết văn xuôi cũng vậy. Đến ngày tuổi già sập xuống lúc nào không hay. Chán... Lúc sáng ra, tớ có một việc quan trọng lắm. Tớ phải lo đánh thức cháu nội dậy đi học. Hạnh phúc lúc đó là kêu và lay tới 4 lần nó mới chịu mở mắt ra cho". 

Đó là câu chuyện tuổi già 10 năm trước chị Đoàn Lê khoe với tôi khi tôi có dịp xuống xóm chùa thăm chị. Cơ ngơi ngôi nhà tựa lưng chân núi, cửa hướng ra phía biển, nhìn theo phong thủy không thể chê vào đâu được. Thế thì chị phải "sướng" chứ? Chị Đoàn Lê cười nhỏ nhẹ. Ngôi nhà khang trang, có vườn, có hoa, có cả tiếng ếch kêu ở cái bể nước rộng chiều chiều. Hình như cái bóng đổ của tuổi xế chiều, tiêu thời gian cho hội họa, cho văn chương, cho trồng cây như Đoàn Lê là thiết thực và tĩnh tại.

Có hôm chị Đoàn Lê đi dạo bên bờ biển với cô em gái Đoàn Thị Tảo, hôm thì ngồi chơi tú lơ khơ với những bạn láng giềng không dính dáng đến văn chương, hội họa. Có lần tôi đi họp báo nên tiện xuống thăm, thấy chị Lê đang hò hét để thắng ván tú lơ khơ, vẫy tay bảo: “Chờ chị thắng ván này cái đã”, rồi hân hân hoan ra mặt với tôi: "Giải trí mà, nhiều lúc ở cái tuổi sập tối, thời gian sống rất buồn cậu ạ". (chị hay gọi tôi là cậu và xưng ở ngôi tớ). 

Rồi ai cũng trượt đến cái dốc này, chỉ có tuổi trẻ thì chưa nghĩ tới mà thôi. Đúng là chị không sống giống như người khác, không giống “hoa cuối mùa sặc sỡ đến âu lo” (Onga Bergon), không giống như “mốt” bây giờ - các bà các chị đứng tuổi sống nơi thành phố, có điều kiện đi du lịch, lên chức bà là viên mãn, có người mỗi ngày vài lần thay váy áo, chụp ảnh đủ kiểu áo dài, váy hoa rồi khoe lên “phây” mỗi ngày không chán. 

Chị Đoàn Lê thì không chọn cách sống đó. Mặc dù chị có đủ điều kiện, am hiểu văn hóa, am hiểu màu sắc hội họa, đủ trưng diện hợp thời trang, nhưng chị chọn cách giản dị sống, giản dị để lao động cho tác phẩm hội họa, cho mỹ cảm về cái đẹp. Rồi còn đắm đuối nỗi niềm gửi vào văn xuôi, tiểu thuyết, truyện ngắn; rồi cũng thi thoảng viết một bài thơ tình cho... "sướng mình". Tội gì mà không "tự sướng" với thơ kia chứ.

Các tác phẩm nghệ thuật của Đoàn Lê.

Cuối cùng chị bảo: "Tớ cũng hân hoan thoáng chốc là hai bàn tay làm được nhiều thứ". Rồi chị lại thở dài: "Nhưng cuối cùng cũng chẳng là gì cả". Nhớ ngày chị lên Hà Nội để vào viện cấp cứu, khi trở về Đồ Sơn, lần gặp cuối chị nói với tôi: "Đến lúc phủi tay ra đi. Chẳng hiểu sao lúc còn sức, mình lại xây nhà hoành tráng đến thế, vườn rộng đến thế? Để làm gì nhỉ, bỏ lại thôi, phủi tay thôi!”. 

Tôi nhìn chị Đoàn Lê rất lâu, mãi mới hiểu cái giá của lối sống tối giản. Thật khó! Cũng đã đến lúc tuổi sập chiều phải loại bỏ vật chất để sống co lại rồi, mà chị vừa kịp nhận ra mình xây nhà to thật vô lý quá. Khi đó mình phải chứng tỏ đàn bà không sống vô tích sự. Nghe chị nói, tôi chợt hình dung ra những ngôi nhà ở thị trấn Nhồi (Thanh Hóa), những biệt thự sang trọng to cao lại rất ít người ở. Rồi những biệt thự ở Bắc Giang, Bắc Ninh, gia đình có con cái đi làm thuê ở xứ người, xây nhà to rộng chỉ có ông bà và đứa cháu. Lạnh lẽo, hoang vu. Tôi không rõ hạnh phúc nên định nghĩa ra sao, thế nào là ấm áp, là xum vầy, là hạnh phúc đây?

Đàn bà vẽ, đàn bà văn chương. Năm 2010, chị Đoàn Lê ra tiểu thuyết “Tiền định” với bìa sách do chị tự vẽ, rồi tập truyện ngắn “...Và Sex”. Với tình yêu quê hương, chị viết “Nghĩa địa xóm chùa”, “Trinh tiết xóm chùa” và “Người đẹp xóm chùa”. 

Chị yêu cái xóm chùa quê chị có bờ biển nước đục, với một tình yêu đắm đuối. Chẳng thế mà nhiều năm trước, sau khi ly hôn, chị bỏ làng Lủ, ra đi với bàn tay trắng, một mình xây nhà, một mình một triển lãm sơn dầu, một mình với tiểu thuyết “Thành hoàng làng sổ số” và “Cuốn gia phả để lại” (giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam 1990), một mình với những kịch bản “Tiếng bìm bịp” rồi “Làng Vũ Đại ngày ấy”.

Có tác phẩm chị vừa đóng vai trò là biên kịch, vừa là đạo diễn. Đó là phim “Con Vá” với Giải "Bông sen bạc" Liên hoan Phim Toàn quốc. Chị làm phim, thời trẻ là diễn viên, học biên kịch, đạo diễn, viết tiểu thuyết, truyện ngắn, rồi vẽ… Người tiêu thời gian sống thật có ý nghĩa cho chính mình rồi cuối cùng chị cũng nghi ngờ và phủ định thơ chị viết: “Biết đâu phủi tay nhân thế/ Để đời một mối tình si?”. (Canh bạc cuối - Đoàn Lê)

Có thật trong cuộc đời này, ai đó bảo tàng một mối tình si, có không? Thi sỹ hay đặt giả thiết bạn ạ. Chính tôi cũng nghi ngờ, tình yêu cũng không vĩnh cửu, ở đời không gì là mãi mãi? Nhưng lòng tốt và sự tốt đẹp con người dành cho nhau thì mãi còn. Thường thì người cho không hay nhớ, người nhận mới nhớ! 

 Những tác phẩm hội họa hay cũng là đam mê của chị Đoàn Lê. 

Lúc chị Đoàn Lê nói với tôi, 10 năm về trước, chị Lê hồ nghi chính mình, chẳng hiểu sao mình cứ “ lăn” ra xây nhà thật rộng rồi xây thêm nhà nữa để vẽ, để làm gì nhỉ? Sau lần cấp cứu, chị đã nhận ra mọi giá trị vật chất trong đời sống, thực ra con người đâu có cần gì nhiều, chỉ có đam mê là thứ bùa ngải làm người ta đánh đổi nhiều nhất. Chị đã viết, đã vẽ, đã lao động như một người thợ xây siêng năng và để lại nhiều tác phẩm đúng nghĩa cho cuộc đời này. Nhưng rồi cũng tự vấn và nghi hoặc, biết đâu. 

Đọc lại bài thơ “Bói hoa” Đoàn Lê viết khi còn rất trẻ, hay thơ đã vận vào mình rồi: “Đoán tình yêu sau này/ Vẹn tròn hay dang dở?”. Đời chị đã dang dở, những hai lần, vậy mà chị đã đứng vững và làm được điều mình thích. Ở đời làm được điều mình thích, nhất là phụ nữ như nhà văn Đoàn Lê, khó sao, ấy vậy mà trong giá trị sống của con người, chị đã làm được nhiều việc có ích. Cho dù có phủi tay thì tác phẩm văn chương hội họa của chị vẫn còn đây. Dù ba năm, chị bỏ lại làng chùa nơi chân núi Dơi, "người đẹp làng chùa" đã về cõi khác, để cô em gái nhà thơ Đoàn Thị Tảo lủi thủi một mình, nàng Tảo vẫn làm thơ? 

"Uớc gì cũng có một người

Cũng cô đơn cũng ngậm ngùi như tôi?".

Nhưng đời sống chưa phải lo cơm ăn áo mặc thì nàng thơ Đoàn Thị Tảo còn sướng hơn nhiều đồng bào ta ở chân trời góc bể. Chỉ cần có đam mê, đam mê một thứ gì chứ nhỉ, thơ ca, hội họa hay âm nhạc, đâu phải chỉ có mối tình si, đâu phải trả giá cho sự sống này? Dù là người trồng địa lan hay ra khơi đánh cá, biết đâu bóng người còn gửi lại chân núi, làn mây một câu thơ hay, dù vẫn biết: “Câu thơ hay chắc gì ai đọc lại?” (Lưu Quang Vũ). Nhưng tôi đã lần giở và đọc lại...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top