Aa

Bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 của tỉnh Thanh Hóa

Viết Huy
Viết Huy hoanghuy1089@gmail.com
Thứ Ba, 11/07/2023 - 15:25

6 tháng đầu năm 2023 nhiều chỉ tiêu kinh tế quan trọng của tỉnh Thanh Hóa giảm mạnh... nhưng vẫn có nhiều điểm sáng đáng ghi nhận.

Nhiều chỉ tiêu kinh tế giảm

Theo báo cáo của UBND tỉnh Thanh Hóa, trong 6 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước đạt 7,0% (quý I tăng 6,7%; quý II tăng 7,29%), đứng thứ 18 cả nước; trong đó: Nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 3,87%; Công nghiệp - xây dựng tăng 8,55%; Dịch vụ tăng 8,1%.

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 6 tháng ước đạt 20.577 tỷ đồng, bằng 58% dự toán và giảm 25% so với cùng kỳ. Trong đó thu nội địa ước đạt 11.800 tỷ đồng, bằng 54% dự toán, giảm 33% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất, nhập khẩu ước đạt 8.777 tỷ đồng, bằng 65% dự toán và giảm 12% so với cùng kỳ. Một số lĩnh vực giảm mạnh so với cùng kỳ, như: Thu tiền sử dụng đất giảm 60%, thuế bảo vệ môi trường giảm 48%, thuế thu nhập cá nhân (giảm 31%)…

Nguyên nhân chính việc sụt giảm nguồn thu nội địa do tác động tiêu cực từ thị trường vốn, tài chính, bất động sản trong năm 2023; ảnh hưởng từ việc áp dụng chính sách miễn, giảm, giãn, hoãn, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, tiền sử dụng đất, giảm thuế giá trị gia tăng áp dụng cho năm 2023 được Chính phủ, Quốc hội thông qua…

Bên cạnh đó, nguồn thu từ xuất nhập khẩu giảm do biến động của diễn biến giá dầu thế giới dẫn đến nguồn thu từ nhập khẩu dầu thô của Liên hiệp Lọc hóa dầu Nghi Sơn giảm sâu so với cùng kỳ.

Bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 tỉnh Thanh Hóa
Nguyên nhân chính dẫn tới sụt giảm nguồn thu nội địa tỉnh Thanh Hóa là do tác động tiêu cực từ thị trường vốn, tài chính, bất động sản trong năm 2023. (Ảnh: viết Huy)

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Thanh Hóa đã thu hút được 33 dự án đầu tư trực tiếp trong đó có 9 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 9.000 tỷ đồng và hơn 131 triệu USD. Trong đó, Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp có 12 dự án (5 dự án FDI), tổng vốn gần 7.636 tỷ đồng và hơn 48 triệu USD, chiếm 73,1% tổng vốn đăng ký; các khu vực khác có 21 dự án (4 dự án FDI), tổng vốn 1.313 tỷ đồng và 83,02 triệu USD, chiếm 26,9%.

Trong lĩnh vực công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp 6 tháng qua, Thanh Hóa có 19 dự án (9 dự án FDI), tổng vốn đầu tư hơn 8.122 tỷ đồng và hơn 131 triệu USD, chiếm 93,1% tổng vốn đăng ký. Lĩnh vực thương mại dịch vụ có 11 dự án, tổng vốn đầu tư 366,7 tỷ đồng, chiếm 3,1%; nông nghiệp 03 dự án, tổng vốn 459,5 tỷ đồng, chiếm 3,8%.

Một số dự án có quy mô, tổng vốn đăng ký lớn đó là: Nhà máy luyện cán thép DST Nghi Sơn tại Khu công nghiệp số 4, xã Tân Trường, thị xã Nghi Sơn (5.500 tỷ đồng); Nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông cốt thép công nghệ cao Đại Dương (gần 1.100 tỷ đồng); Nhà máy Nghi Sơn Global (860 tỷ đồng); Trang trại chăn nuôi lợn Điền Thượng, Bá Thước (hơn 322 tỷ đồng).

Tuy số lượng dự án giảm 23,3% so với cùng kỳ, nhưng tổng vốn đầu tư đăng ký của các dự án là 8.949 tỷ đồng và 131,4 triệu USD, lần lượt gấp 2,2 lần và 3,2 lần so với cùng kỳ. Có 03 dự án điều chỉnh tăng vốn 43,4 triệu USD; đã tiếp nhận 06 chương trình, dự án, phi dự án viện trợ không hoàn lại với tổng vốn khoảng 5,1 triệu USD.

Nông nghiệp - Du Lịch - Thương mại tăng trưởng ổn định

Hoạt động du lịch duy trì đà phục hồi mạnh mẽ; nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch gắn với khai mạc Lễ hội du lịch biển Sầm Sơn, Hải Hòa, Hải Tiến năm 2023 được tổ chức, thu hút du khách đến với tỉnh; tổ chức Hội nghị liên kết, hợp tác phát triển du lịch, kết nối tour, tuyến giữa tỉnh Thanh Hóa với các tỉnh, thành phố năm 2023. Tổng lượng khách du lịch 6 tháng ước đạt 8.354 nghìn lượt, bằng 69,6% kế hoạch, tăng 13% so với cùng kỳ (trong đó khách quốc tế ước đạt 214,6 nghìn lượt, đạt 34,9% kế hoạch); tổng thu du lịch ước đạt 15.072 tỷ đồng, bằng 62,3% kế hoạch, tăng 16,7%.

Hoạt động thương mại nội địa tăng trưởng mạnh, nguồn cung hàng hóa dồi dào; giá các hàng hóa trên địa bàn tỉnh ổn định, không có hiện tượng găm hàng, sốt giá. Doanh bán lẻ hàng hóa và một số ngành dịch vụ 6 tháng đầu năm ước đạt 82.952 tỷ đồng, bằng 47,4% kế hoạch, tăng 14,1% so với cùng kỳ; giá trị xuất khẩu ước đạt 2.431 triệu USD, bằng 44,2% kế hoạch, giảm 9,7% so với cùng kỳ; toàn tỉnh hiện có 212 doanh nghiệp tham gia xuất khẩu với 55 chủng loại hàng hóa, sang 68 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, tăng 27 doanh nghiệp và 6 thị trường so với cùng kỳ. Giá trị nhập khẩu 6 tháng đầu năm ước đạt 4.590 triệu USD, tăng 5,3% so với cùng kỳ.

Bức tranh kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 tỉnh Thanh Hóa
Tổng lượng khách du lịch đến Thanh Hóa 6 tháng qua ước đạt 8.354 nghìn lượt, bằng 69,6% kế hoạch, tăng 13% so với cùng kỳ. (Ảnh: XD)

Hoạt động vận tải, nhất là vận tải hành khách tăng cao, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa phục vụ sản xuất và tiêu dùng của Nhân dân. Vận chuyển hành khách ước đạt 20,2 triệu lượt, bằng 65,4%kế hoạch, tăng 53% so với cùng kỳ. Vận tải hàng hóa ước đạt 36 triệu tấn, bằng 54% kế hoạch, tăng 20,6%. Xếp dỡ hàng hóa qua cảng ước đạt 23,6 triệu tấn, bằng 49,2% kế hoạch, tăng 12%. Doanh thu vận tải ước đạt 10.353 tỷ đồng, bằng 58,1% kế hoạch, tăng 34,5% so với cùng kỳ. Trong 6 tháng đầu năm, các hãng hàng không đã tổ chức 4.094 lượt cất hạ cánh tại Cảng hàng không Thọ Xuân, vận chuyển 620.592 lượt khách, giảm 12,1% so với cùng kỳ.

Hoạt động sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tiếp tục duy trì phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2023 ước đạt 3,87%, cao hơn gấp 2 lần so với cùng kỳ (1,93%). Vụ Đông Xuân năm 2023, toàn tỉnh gieo trồng được 238,1 nghìn ha, sản lượng lương thực ước đạt 888,5 nghìn tấn, bằng 58,1% kế hoạch, tăng 1,8% so với cùng kỳ; trong đó năng suất lúa đạt 67 tạ/ha, vượt 3 tạ/ha so với kế hoạch và đạt cao nhất từ trước đến nay. Đã thực hiện chuyển đổi 1.169,4 ha đất trồng lúa hiệu quả kinh tế thấp sang trồng các loại cây có hiệu quả cao hơn.

Các nhà máy đã thu mua và chế biến gần 838,5 nghìn tấn mía nguyên liệu và 199,3 nghìn tấn tinh bột sắn. Lô vải không hạt (Vải Ngọc) đầu tiên trồng tại huyện Ngọc Lặc của Công ty TNHH Nông nghiệp Công nghệ cao Hồ Gươm - Sông Âm đã xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Vương quốc Anh, đánh dấu cột mốc mới trong phát triển nông nghiệp của tỉnh.

Chăn nuôi tiếp tục phát triển ổn định, sản lượng thịt hơi xuất chuồng ước đạt 140,7 nghìn tấn, bằng 48,5% kế hoạch, tăng 4,0% so với cùng kỳ; sản lượng trứng gia cầm ước đạt 129,8 triệu quả, bằng 41,9% kế hoạch, tăng 12,8%; sản lượng sữa tươi ước đạt 19.380 tấn, tăng 6,2%. Công tác phòng, chống dịch được chỉ đạo quyết liệt, không xảy ra dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm; đã hoàn thành công tác tiêm phòng đợt 1 năm 2023 cho gia súc, gia cầm, đạt 100,6% kế hoạch.

Tổng sản lượng khai thác và nuôi trồng thủy sản ước đạt 104.521 tấn, bằng 49,5% kế hoạch và tăng 4,6% so với cùng kỳ; trong đó sản lượng khai thác ước đạt 68.355 tấn, bằng 49,7% kế hoạch, tăng 5,8%. Toàn tỉnh hiện có 6.259 tàu cá các loại, trong đó có 1.144 chiếc có chiều dài 15 m trở lên. Các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục được phát triển; đến nay, toàn tỉnh có 1.237 doanh nghiệp, 802 hợp tác xã, 891 trang trại, 1.162 tổ hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp. Trong 6 tháng đầu năm, đã đưa vào hoạt động một số dự án quy mô lớn trong lĩnh vực nông nghiệp như: Khu liên hợp sản xuất, chăn nuôi công nghệ cao Xuân Thiện Thanh Hóa 1; Dự án Chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp tại tỉnh Thanh Hóa; Khu chăn nuôi lợn giống và thương phẩm ứng dụng công nghệ cao DABACO Thanh Hóa./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top