Aa

BVSC: Tỷ giá USD/VND sẽ tăng khoảng 2 - 3%

Thứ Hai, 10/07/2017 - 06:31

Dự báo dựa trên diễn biến khá bình ổn của tỷ giá trong 6 tháng đầu năm, sự cải thiện của quỹ dự trữ ngoại hối. Trong đó không có diễn biến nào quá bất thường liên quan đến các đồng tiền chủ chốt trong giỏ tiền tệ tham chiếu trong thời gian tới.

Diễn biến tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng khá bình lặng

Nửa đầu năm 2017, tình hình tỷ giá trung tâm tăng, tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng thương mại (NHTM) gần như không thay đổi. Diễn biến tỷ giá USD/VND trong 6 tháng đầu năm nay cho thấy sự biến động trái chiều giữa tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố và tỷ giá giao dịch thực tế tại các NHTM.

Tỷ giá trung tâm đã liên tục được NHNN điều chỉnh, tuy mức độ tăng qua từng phiên không quá lớn. Tính chung trong hai quý đầu năm, tỷ giá trung tâm tăng 1,2% so với thời điểm cuối năm 2016. Trong khi đó, tỷ giá bình quân liên ngân hàng lại gần như không có thay đổi nào so với thời điểm đầu năm.

Nếu dựa theo mô hình tính toán của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tỷ giá hữu hiệu danh nghĩa (NEER) của VND trong tương quan với 8 đồng tiền trong rổ tham chiếu (tính theo tỷ trọng thương mại giữa Việt Nam và các nước) có xu hướng giảm khá nhanh trong 6 tháng đầu năm, từ mức 106 điểm xuống còn 102,5 điểm.

Trong quá khứ, mỗi khi đường NEER tiệm cận mốc 106 điểm là áp lực giảm giá VND sẽ xuất hiện nhằm tránh tác động tiêu cực tới tình hình xuất khẩu.

Tuy vậy, diễn biến giảm của NEER trong hai quý vừa qua (xuống vùng an toàn hơn) đã tạm thời giúp giải tỏa áp lực giảm giá VND. Theo đó, BVSC cho rằng việc NHNN tăng tỷ giá trung tâm thêm 1,2% trong 6 tháng đầu năm chưa thật sự phản ánh sát tín hiệu thực tế từ thị trường nếu tiếp cận từ góc nhìn về NEER theo phân tích như trên mà có lẽ chỉ mang tính điều chỉnh cho hài hòa hơn những biến động của tỷ giá thực tế trong nửa cuối năm 2016.

Trên thực tế, tỷ giá giao dịch tại các ngân hàng cho thấy diễn biến khá bình lặng và hầu như không thay đổi so với thời điểm cuối năm ngoái.

Theo giới chuyên gia, nguyên nhân một phần đến từ diễn biến thuận lợi của thị trường tiền tệ thế giới (khi NEER của VND so với rổ tham chiếu đi xuống) và phần khác là do diễn biến cung cầu về ngoại tệ thực tế trên thị trường.

Mặc dù cán cân thương mại của Việt Nam (bao gồm cả thương mại hàng hóa và dịch vụ) chuyển sang trạng thái nhập siêu với tổng giá trị ước tính đạt 4,5 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm nhưng bù lại, giải ngân vốn FDI vẫn khá tốt (ước đạt 7,7 tỷ USD; tăng 6,5% so với năm trước).

Bên cạnh đó, dòng vốn FDI chảy vào Việt Nam cũng khá tích cực (riêng giá trị mua ròng của khối ngoại lên thị trường trái phiếu và cổ phiếu hai quý vừa qua ước tính đạt 1,2 tỷ USD).

Ngoài ra, nguồn kiều hối được nhận định vẫn duy trì ở mức khả quan (riêng nguồn kiều hối về TP.HCM trong 6 tháng đầu năm đạt hơn 2 tỷ USD). Tổng hợp các nguồn trên có thể thấy, cán cân cung cầu ngoại tệ trên thực tế có xu hướng nghiêng về phía cung, có tác động hỗ trợ cho giá trị VND trong 6 tháng đầu năm.

Tỷ giá USD/VND sẽ có mức tăng khoảng 2 - 3% cho cả năm 2017

Dự trữ ngoại hối Việt Nam đạt kỷ lục mới ở mức 42 tỷ USD nhờ nguồn cung ngoại tệ dồi dào như phân tích ở trên, NHNN đã có thêm nhiều thuận lợi để cải thiện quỹ dự trữ ngoại hối.

Theo thông tin đưa ra tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, giữa Chính phủ và các địa phương đầu tuần này hôm 3/7, dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện ở mức 42 tỷ USD. Đây là mức cao nhất từ trước đến nay, vượt mức kỷ lục cũ 41 tỷ đạt được giai đoạn cuối năm 2016. Như vậy là dự trữ ngoại hối Việt Nam 6 tháng đầu năm đã tăng thêm 1 tỷ USD.

Tuy nhiên, năng lực dự trữ ngoại hối mỗi quốc gia được tính theo giá trị tuần nhập khẩu của nền kinh tế năm tiếp theo. Với giá trị nhập khẩu 6 tháng đầu năm 2017 của Việt Nam đã đạt hơn 100 tỷ USD và dự kiến cả năm sẽ đạt trên 200 tỷ USD thì mức dự trữ ngoại hối trên vẫn chưa đạt mức 12 tuần nhập khẩu theo yêu cầu và vẫn cần cải thiện thêm theo tiêu chuẩn quốc tế.

Như vậy là quy mô nền kinh tế, trong tham chiếu ở đây là kim ngạch nhập khẩu, đã mở rộng rất nhanh trong hơn chục năm gần đây, qua đó yêu cầu về quy mô dự trữ ngoại hối cũng gia tăng theo từng năm.

Với diễn biến khá bình ổn của tỷ giá trong 6 tháng đầu năm, sự cải thiện của quỹ dự trữ ngoại hối và dự báo không có diễn biến nào quá bất thường liên quan đến các đồng tiền chủ chốt trong giỏ tiền tệ tham chiếu trong thời gian tới. Trong đó, BVSC dự báo tỷ giá USD/VND sẽ có mức tăng khoảng 2 - 3% cho cả năm 2017.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top