Aa

Cá chết hàng loạt rồi, khi nào đến ta đây?

Thứ Năm, 06/10/2016 - 10:20

Bạn có khủng hoảng tinh thần không nếu biết được thông tin rằng, lá phổi của mình không có ô xy? Vâng, Hồ Tây vốn được mệnh danh là “lá phổi xanh” của Thủ đô yêu dấu vừa “bị” các nhà khoa học xác định là không hề có ô xy ở nước bề mặt.

Nếu theo hiểu biết thông thường, ô xy được gọi là dưỡng khí; nghĩa là thiếu ô xy, sự sống không tồn tại. Trong hoàn cảnh không có ô xy, cá chết hàng loạt là lẽ đương nhiên.

Hàng trăm tấn cá chết nổi trắng Hồ Tây.

Hàng trăm tấn cá chết nổi trắng Hồ Tây.

Vừa đấy xong, lại nghe tin cá chết nổi trắng ở kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè trong TP. Hồ Chí Minh. Ôi, một dự án đã tiêu tốn cả chục nghìn tỷ đồng để nhen nhóm một tia hy vọng về môi trường sống trong lành ở thành phố mang tên Bác, thì nay lại như bị dội một gáo nước lạnh.

Cá đã chết hàng loạt, rồi điều gì sẽ đến nữa đây?

Câu hỏi này không nên coi để tìm câu trả lời cho một giải pháp tình thế, mà quan trọng là vấn đề “thiếu dưỡng khí”, là môi trường đang bị đầu độc, là chính con người đang tự thu hẹp không gian tồn tại của chính mình.

Cho dù Hồ Tây mãi mãi rộng hơn 500ha, cho dù con đường bao quanh Hồ Tây mãi mãi dài ngót 20km, cho dù mặt sương mờ trên Hồ Tây luôn tím đẹp trong tâm hồn biết bao người..., nhưng tất cả đều có thể biến mất nếu có những kẻ thù đã và đang chiếm đoạt nguồn cung cấp dưỡng khí!

Kẻ nào đây? Cá chăng? Sen chăng? Chim sâm cầm chăng?...

Hằng ngày, hãy nhìn dòng xe, dòng người cứ tấp nập hướng về trung tâm Hà Nội. Chen chúc, len lỏi, giẫm đạp. Ai ai cũng muốn giành giật, ai ai cũng muốn hơn người.

Ở nơi trung tâm kia có cái gì nhỉ? Dưỡng khí chăng? Chắc chắn là không ai nghĩ tới rồi!

Vậy họ vì lẽ gì? Cơ hội kiếm sống chăng? Cơ hội hưởng thụ chăng? Cơ hội thăng tiến chăng?... Hình như là thế!

Và thế là hàng triệu, hàng triệu con người cứ hằng ngày hằng giờ nỗ lực tiến về vùng lõi của Hà Nội, trong đó có hồ Hoàn Kiếm, có sông Tô Lịch, sông Kim Ngưu, có Hồ Tây, hồ Trúc Bạch...

Họ không định tranh chấp dưỡng khí với cá, tôm ở những nơi này, bởi đấy không phải đối tượng mà họ tranh chấp. Họ cũng không muốn hủy hoại môi trường sống của họ, vì đấy là bản năng sinh tồn. Nhưng theo lẽ trời, mỗi ngày họ vẫn cần phải đưa vào cơ thể những cái cần thiết cho sự sống, và họ vẫn phải thải ra những cái cần thải.

Hàng triệu, hàng triệu những chất phế thải ấy hằng ngày hằng giờ chui xuống cống, chảy xuống sông, xuống hồ, tranh chấp dưỡng khí với những sinh linh khác...

Và cái gì tất xảy ra sẽ phải xảy ra.

Cá đã chết hàng loạt, rồi liệu sẽ đến kẻ nào đây?

Vì thế, một câu hỏi luôn ám ảnh, tại sao cơ hội kiếm sống, cơ hội hưởng thụ, cơ hội thăng tiến... của con người cứ phải tập trung ở một chỗ, để rồi số phận  liệu sẽ như những con tôm, con cá kia?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top