Aa

Cần kỷ luật người đứng đầu tại BSR, PVEP, VSP dưới góc nhìn xây dựng Đảng

Thứ Ba, 01/05/2018 - 11:46

Đại án Hà Văn Thắm ở phiên tòa xét xử phúc thẩm tưởng như không có tình tiết mới thì ngay trước kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, bất ngờ C46 khởi tố, bắt tạm giam Phó TGĐ Công ty Lọc Hóa dầu Bình Sơn (BSR) Vũ Mạnh Tùng. Tình tiết này đặt ra nhiều câu hỏi mới khi mà việc khởi tố 3 vụ án hình sự liên quan nghi án nhận hàng trăm tỷ đồng tiền lãi suất ngoài tưởng như “chìm xuồng” sau gần 8 tháng điều tra.

Tuy nhiên, dưới góc nhìn xây dựng Đảng, dư luận cho rằng có thể phải xử lý trách nhiệm người đứng đầu mà không cần đợi kết quả điều tra.
 
Các ông Nguyễn Hoài Giang và Vũ Mạnh Tùng

Các ông Nguyễn Hoài Giang và Vũ Mạnh Tùng

Người đứng đầu 3 doanh nghiệp trong 3 vụ án bị khởi tố là ai?

Trước khi Vũ Mạnh Tùng bị khởi tố, tạm giam và khám xét, diễn biến vụ án khá phức tạp. Ngày 13/9/2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) đã ra quyết định khởi tố 3 vụ án hình sự lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro (VSP), Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), Tổng công ty Thăm dò khai thác Dầu khí (PVEP). Cơ quan Cảnh sát điều tra điều tra xác định: Thực hiện chủ trương, chỉ đạo của Hà Văn Thắm - Chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank về việc chi trả lãi ngoài huy động vốn cho khách hàng gửi tiền trên toàn hệ thống OceanBank; trong thời gian từ năm 2010 đến ngày 31/11/2014, tổng số tiền OceanBank đã chi trả lãi ngoài cho các khách hàng gửi tiền là 1.576 tỷ đồng, trong đó chi cho Vietsovpetro số tiền 24,27 tỷ đồng, Lọc dầu Bình Sơn (19,36 tỷ đồng) và PVEP (76,78 tỷ đồng).

Theo C46, việc nhận, sử dụng các khoản tiền ngoài lãi suất tại Vietsovpetro, Lọc dầu Bình Sơn, PVEP là hành vi vi phạm pháp luật, có dấu hiệu thỏa thuận, móc ngoặc giữa lãnh đạo Vietsovpetro, Lọc dầu Bình Sơn, PVEP với lãnh đạo OceanBank trong việc đưa, nhận tiền và để ngoài sổ sách kế toán nhằm chiếm đoạt, phạm vào tội “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” theo Điều 280 - Bộ luật Hình sự.

Thế nhưng, chỉ trước khi cơ quan CSĐT khởi tố ít ngày, tại phiên tòa sơ thẩm vụ án Hà Văn Thắm, bất chấp các bị cáo Nguyễn Xuân Sơn và Nguyễn Minh Thu có lời khai giống nhau về việc hàng loạt lãnh đạo 3 công ty trên nhận tiền lãi suất ngoài, những người bị cáo buộc đều quyết liệt phản bác, thậm chí đòi xử lý hai bị cáo trên tội vu khống.

Bị cáo, cựu Phó TGĐ Ocean Bank là Nguyễn Minh Thu cũng khai tương tự nhiều lần. Riêng tại BSR, có tới 4 lãnh đạo từng bị cơ quan pháp luật triệu tập gồm Nguyễn Hoài Giang - Chủ tịch HĐTV BSR; Phạm Xuân Quang - Kế toán trưởng BSR; Vũ Mạnh Tùng - Phó TGĐ BSR; Đinh Văn Ngọc - Nguyên TGĐ BSR giai đoạn 2012 - 2015. Nguyễn Minh Thu khai đã từng trực tiếp hoặc gián tiếp chi tiền lãi ngoài cho 4 cá nhân trên với tổng số tiền lên đến 19 tỷ đồng. Trong đó, “nhiều lần đưa tiền choVũ Mạnh Tùng - Phó TGĐ BSR - mỗi lần đưa từ 300 - 500 triệu đồng”. Tuy nhiên, Vũ Mạnh Tùng và những người còn lại đều bác bỏ lời khai của bị cáo Thu. Riêng Vũ Mạnh Tùng từng khẳng định dứt khoát: “Đó chỉ là lời khai một chiều và không có chứng cứ”. Lãnh đạo đứng đầu đơn vị này chính là ông Nguyễn Hoài Giang.

Với vụ án tại VSP, bị cáo Nguyễn Minh Thu khai đưa tiền theo tỷ lệ, kế toán trưởng 70%, còn Tổng giám đốc là 30%. Bị cáo Thu khai đưa tiền lãi ngoài cho Võ Quang Huy và Nguyễn Hữu Tuyến. Sau khi ông Tuyến nghỉ hưu thì bị cáo đưa cho ông Từ Thành Nghĩa - Tổng giám đốc Vietsovpetro. Mặc dù ông Võ Quang Huy - Kế toán trưởng Vietsovpetro - nói thời điểm cao nhất Liên doanh Dầu khí Việt - Nga gửi 100 triệu USD vào Oceanbank, còn tiền Việt Nam khoảng 1.000 tỷ đồng nhưng ông Huy cũng bác bỏ lời khai nhận tiền. Ông Từ Thành Nghĩa cũng khẳng định không nhận tiền và nói: “Tôi chỉ gặp chị Thu chào hỏi xã giao vài ba phút rồi đi về. Tôi không nhận quà, khoản vật chất nào từ chỗ chị Thu". Lãnh đạo thời kỳ xảy ra sự việc là ông Nguyễn Hữu Tuyến và ông Từ Thành Nghĩa.

Các ông Từ Thành Nghĩa và Võ Quang Huy

Các ông Từ Thành Nghĩa và Võ Quang Huy

Tại vụ án VPEP, tuy không có diễn biến về việc các đối tượng bị triệu tập hay đối chất trước tòa nhưng được biết ông Nguyễn Vũ Trường Sơn, Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí hiện nay chính là Tổng giám đốc PVEP thời kỳ 2009 - 2012, cũng là thời kỳ xảy ra việc nhận lãi suất ngoài. Đây là thời kỳ PVEP gửi rất nhiều tiền vào OceanBank nên số tiền lãi suất ngoài theo cơ quan điều tra cũng là cao nhất trong 3 đơn vị bị khởi tố, 76 tỷ đồng. Vì thế, câu hỏi trách nhiệm người đứng đầu không thể không đặt ra.

Không thể để chìm xuồng

Trở lại với việc ông Vũ Mạnh Tùng bị khởi tố, tạm giam đã cho thấy, như vậy khởi tố của C46 là có cơ sở và vụ án hình sự lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản tại Công ty BSR là có thật. Thực tế này đã bác bỏ những ý kiến phản bác khá hùng hồn của chính Vũ Mạnh Tùng trước đó, thậm chí bác bỏ cả việc đại diện PVN từng tỏ thái độ gay gắt trước tòa cho rằng lời khai chi tiền "chăm sóc" của các bị cáo chỉ là một chiều, ảnh hưởng đến uy tín của PVN. Luật sư của PVN đề nghị cơ quan pháp luật cần xem xét loại bỏ các thuật ngữ có hàm ý để cho rằng PVN có nhận lãi ngoài, có tiếp nhận khoản "chăm sóc" lãi ngoài từ OceanBank.

Tình tiết mới của vụ án cho thấy, việc để xảy ra tội phạm tham nhũng tại BSR là có thật. Và với trách nhiệm của người đứng đầu, ông Nguyễn Hoài Giang – Chủ tịch BSR - mặc dù chưa bị xem xét xử lý hình sự, nhưng dưới góc độ quản lý Nhà nước và công tác xây dựng Đảng, không thể không xem xét trách nhiệm lãnh đạo của ông Giang, cũng như trách nhiệm lãnh đạo của VSP, PVEP trong giai đoạn để xảy ra sai phạm nhận lãi suất tiền gửi bên ngoài.

Phát biểu tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ngày 27/4/2018 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng ban chỉ đạo, Tổng Bí thư đã nhấn mạnh, cần sớm kết thúc điều tra, xử lý giai đoạn II các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, trong đó có vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm. Tổng Bí thư cho rằng, tiến độ điều tra một số vụ vẫn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu, về mặt chủ quan, cũng cần xem đã hết lòng hết sức chưa, còn chỗ nào vương vấn nữa không? Yêu cầu chung là cần phải làm nghiêm minh, cố gắng đúng tiến độ, trừ trường hợp bất khả kháng... Như vậy, đây sẽ là thách thức rất lớn đối với C46 và các cơ quan tố tụng. Dư luận hi vọng, với việc khởi tố bị can Vũ Mạnh Tùng, một mắt xích quan trọng của vụ án có thể được hé mở.

Xử lý trách nhiệm thế nào khi chưa có kết luận điều tra?

Lâu nay, trong nhiều vụ án, các cấp ủy Đảng thường lúng túng khi xử lý cán bộ, đảng viên liên quan tới những vụ hình sự, án kinh tế. Khi chưa có kết luận điều tra hoặc khi vụ án chưa được khởi tố thì việc xử lý, truy cứu trách nhiệm thường khó khăn. Các đơn vị thường có tâm lý chờ đợi các cơ quan tố tụng kết luận, có bản án hoặc có quyết định điều tra, khởi tố mới xử lý.

Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn

Ông Nguyễn Vũ Trường Sơn

Tuy nhiên, với các trường hợp vi phạm trên, chưa bàn đến xử lý theo pháp luật, cấp ủy Đảng các cấp có thể xử lý đảng viên vi phạm theo Quy định số 47-QĐ/TW, ngày 01/11/2011 của Ban Chấp hành Trung ương về những điều đảng viên không được làm. Trong đó, điều 8 của quy định này về việc quan liêu, thiếu trách nhiệm, bao che, báo cáo sai sự thật, lạm quyền, nhũng nhiễu khi thực hiện nhiệm vụ qui định rõ vi phạm: Thiếu trách nhiệm để cơ quan, đơn vị, địa phương do mình trực tiếp phụ trách xảy ra tình trạng mất đoàn kết, tham nhũng, buôn lậu, lãng phí, thất thoát tài sản và các tiêu cực khác. Có thể thấy, cả 4 cán bộ là người đứng đầu gồm các ông Nguyễn Hoài Giang, Nguyễn Vũ Trường Sơn, Nguyễn Hữu Tuyến, Từ Thành Nghĩa đều đã “thiếu trách nhiệm để cơ quan, đơn vị, địa phương do mình trực tiếp phụ trách xảy ra tình trạng mất đoàn kết, tham nhũng, buôn lậu, lãng phí, thất thoát tài sản và các tiêu cực khác” và cần phải được kiểm điểm.

Đặc biệt, mới đây, ngày 15/11/2017, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 102-QĐ/TW về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạmvà có hiệu lực cùng ngày. Theo quy định này thì thời hiệu xử lý kỷ luật là 5 năm đối với những hành vi vi phạm đến mức phải kỷ luật bằng hình thức khiển trách. 10 năm đối với những hành vi vi phạm đến mức phải thi hành bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức. Thời hiệu xử lý kỷ luật được tính từ thời điểm có hành vi vi phạm.

Như vậy, với vụ án tại 3 công ty, nếu như người đứng đầu có vi phạm, thời hiệu xử lý kỷ luật hiện nay vẫn còn. Qua nghiên cứu, có thể thấy rõ các ông Nguyễn Hoài Giang, Nguyễn Vũ Trường Sơn, Nguyễn Hữu Tuyến, Từ Thành Nghĩa đã có dấu hiệu vi phạm Điều 16 và Điều 18 của Quy định 102. Trong đó, Điều 16 về vi phạm các quy định về phòng, chống tham nhũng, lãng phí nêu rõ đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luật bằng hình thức khiển trách: a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng tiền, tài sản của tổ chức, cá nhân do mình trực tiếp quản lý trái quy định; c) Buông lỏng lãnh đạo, quản lý đểxảy ra tham nhũng, lãng phí trong cơ quan, đơn vị, tổ chức do mình trực tiếp phụ trách nhưng không chủ động phát hiện, xử lý.

Còn tại Điều 18. Vi phạm trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng quy định: Đảng viên vi phạm một trong các trường hợp sau gây hậu quả ít nghiêm trọng thì kỷ luậtbằng hình thức khiển trách:a) Làm trái một trong những quy định về quản lý, sử dụng tiền, tài sản của Nhà nước; về thu lãi, trả lãi, thu lệ phí, hoa hồng, tiền phạt; b) Thiếu trách nhiệm trong kiểm tra hoặc không tiến hành kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay theo quy định...

Việc xem xét, xử lý cán bộ, đảng viên có dấu hiệu vi phạm trên thuộc sự chủ động, trách nhiệm của cấp ủy Đảng và Ủy ban kiểm tra các cấp, gắn với công tác kiểm tra, giám sát đảng viên định kỳ hoặc bất thường, gắn với việc triển khai thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII và việc phân tích chất lượng đảng viên hàng năm. Với việc để xảy ra vụ nhận lãi suất ngoài bị khởi tố hình sự ở cả 3 công ty, mỗi vụ án số tiền tiêu cực lên tới từ hơn 19 đến hơn 76 tỷ đồng, có thể thấy hậu quả hết sức nghiêm trọng và đã đủ căn cứ để xử lý trách nhiệm về Đảng của cán bộ, nhất là cán bộ đứng đầu như các ông Nguyễn Hoài Giang, Nguyễn Vũ Trường Sơn, Nguyễn Hữu Tuyến, Từ Thành Nghĩa. Bởi lẽ, việc làm trái các quy định của Nhà nước nói trên còn tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh, làm rối loạn thị trường tài chính, là nguy cơ làm tăng lạm phát; gây tổn hại nghiêm trọng đến việc thực hiện các chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia; sự an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng; xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Ngoài ra, những cán bộ trên đều đã đến mức thi hành kỷ luật theo quy định của Nghị định số 107/2006/NĐ-CP, Nghị định 211/2013/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một điều tại Nghị định 107 về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách thìngoài việc thực hiện theo các nguyên tắc xem xét xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức còn cần phải xác định mức độ chịu trách nhiệm trực tiếp hoặc trách nhiệm liên đới.

Cụ thể, Điều 7 của Nghị định 211/2013/NĐ-CP về hình thức xử lý kỷ luật nêu rõ: “Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị, nếu để xảy ra vụ, việc tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị do mình quản lý, phụ trách thì tùy theo tính chất, mức độ của vụ, việc sẽ xử lý kỷ luật như sau: 1. Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị là cán bộ, công chức, viên chức và người quản lý doanh nghiệp nhà nước thì bị xử lý kỷ luật bằng một trong những hình thức sau: a) Khiển trách; b) Cảnh cáo; c) Cách chức”.

Vì vậy, đã đến lúc cấp ủy Đảng, Ủy ban Kiểm tra các cấp ở các đơn vị trên và cấp trên phải khẩn trương kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm, không thể đơn giản, bỏ qua, đợi chờ kết luận điều tra hoặc có bản án mới xử lý.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top