Aa

Các bộ, ngành, bệnh viện di dời đều chưa bàn giao lại quỹ đất cho Hà Nội

Thứ Hai, 03/07/2017 - 08:01

Theo UBND TP. Hà Nội, đến nay các cơ sở đã được bố trí quỹ đất mới, gồm bộ, ngành (9 cơ sở), bệnh viện tuyến Trung ương (8 bệnh viện), giáo dục (1 cơ sở) đều chưa bàn giao lại quỹ đất cũ.

UBND TP. Hà Nội vừa trả lời các kiến nghị của cử tri trước kỳ họp HĐND TP thứ 4, khóa XV sẽ diễn ra vào ngày 3-5/7/2017.

Cấm chuyển quỹ đất trường học sang chức năng dân dụng

Theo đó, về việc hiện tại Thành phố cho đầu tư xây dựng các trung tâm thương mại, chung cư cao tầng, dẫn tới mật độ dân cư quá dày, tăng thêm áp lực về hạ tầng đô thị, tạo gánh nặng giải quyết ách tắc giao thông và các vấn đề dân sinh khác..., lãnh đạo UBND TP. Hà Nội cho biết, trong thời gian vừa qua, trên địa bàn một số quận nội thành bên ngoài khu vực nội đô lịch sử, như Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì, Bắc Từ Liêm..., đã triển khai đầu tư xây dựng một số dự án khu đô thị nhằm giải quyết các nhu cầu phát triển đời sống kinh tế - xã hội và đô thị của địa phương và Thành phố.

Việc lập, thẩm định và phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng các dự án, các khu đô thị đã đảm bảo tuân thủ theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Quy hoạch phân khu; đảm bảo các yêu cầu về quy chuẩn, tiêu chuẩn về hạ tầng xã hội, hạ tầng đô thị để phục vụ nhu cầu của khu đô thị và khu vực xung quanh theo quy định.

Trong quá trình triển khai quy hoạch, phê duyệt dự án, Thành phố yêu cầu xác định rõ trách nhiệm đầu tư các công trình hạ tầng xã hội, trường học công lập do nhà nước đầu tư, quản lý sẽ được giao chính quyền địa phương làm chủ đầu tư thực hiện.

Trường hợp không có nhu cầu xây dựng trường công lập sẽ thực hiện xã hội hóa do chủ đầu tư thực hiện và xác định rõ nội dung, tiến độ thực hiện trong quá trình phê duyệt chủ trương đầu tư của dự án. Công tác kiểm tra được thực hiện theo kế hoạch hoặc đột xuất theo dự án và được các cơ quan chuyên môn liên quan của Thành phố thực hiện.

Một góc Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh minh họa

Một góc Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh minh họa - Trần Kháng.

Theo lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, việc các chủ đầu tư xây dựng không đúng mục đích, chậm triển khai đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội là vi phạm các quy định về quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng, quản lý đầu tư xây dựng.

“Để xử lý kịp thời và nghiêm minh các sai phạm theo đúng quy định của pháp luật, UBND Thành phố đã và đang tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành có liên quan tiến hành thanh tra, kiểm tra và đề xuất các giải pháp xử lý, tăng cường việc quản lý quỹ đất, không cho phép chuyển đổi quỹ đất dành cho xây dựng nhà trẻ, trường học sang chức năng dân dụng khác”, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội cho biết.

Mỗi năm dân số Hà Nội tăng thêm 200.000 người

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội cho biết, theo số liệu điều tra gần đây mỗi năm dân số Hà Nội tăng thêm khoảng 200.000 người, do sức hút của quá trình đô thị hóa (người dân các huyện thuộc Hà Nội và tỉnh thành khác đổ về tìm kiếm việc làm, học tập, khám chữa bệnh ở các tuyến Trung ương...), đây chính là áp lực lớn lên tổng thể hạ tầng đô thị của Thủ đô.

Hơn nữa, việc hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị chưa theo kịp với tốc độ phát triển, đô thị hóa là vấn đề gặp phải không chỉ riêng đối với TP. Hà Nội mà là vấn đề chung của nhiều đô thị đang phát triển.

Theo đơn vị này, việc mở mới hoặc mở rộng các tuyến đường cùng với hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác, các loại hình giao thông công cộng, các công trình hạ tầng xã hội, thiết chế văn hóa chưa được đầu tư đồng bộ có tác động ảnh hưởng lớn đến môi trường đô thị.

“Để giải quyết các vấn đề nói trên, UBND Thành phố đã và đang tập trung và quyết liệt trong việc huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng, đẩy nhanh tiến độ các dự án hạ tầng kỹ thuật đô thị, trong đó bao gồm các tuyến đường xuyên tâm, vành đai mới, các tuyến đường sắt đô thị; Các dự án cấp thoát nước, xử lý rác, nghĩa trang... đầu tư xây dựng các trường học, bệnh viện....”, UBND TP. Hà Nội cho biết.

Theo lãnh đạo UBND TP. Hà Nội, việc rà soát hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật các khu đô thị mới đã được UBND Thành phố giao cho các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Xây dựng thực hiện làm cơ sở xem xét, quyết định đầu tư bổ sung đồng bộ trên toàn Thành phố.

UBND Thành phố đã chỉ đạo Sở Xây dựng và Sở Quy hoạch - Kiến trúc khẩn trương xây dựng chương trình phát triển đô thị nhằm kiểm soát đầu tư xây dựng có kế hoạch theo quy hoạch.

Cùng với đó, UBND Thành phố giao Sở Quy hoạch- Kiến trúc chủ động phối hợp với các Sở ngành, quận, huyện tiến hành rà soát, bổ sung, quỹ đất xây dựng hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, các công trình dân sinh bức xúc được quan tâm.

Cụ thể: Bổ sung 184 điểm trường học (mầm non, tiểu học, THCS, THPT); Bổ sung các điểm sân chơi, vườn hoa, công cộng Thành phố với tổng quy mô đất khoảng 63,5ha. Hiện nay, cơ bản các đề xuất của các đơn vị liên quan đến các quỹ đất trên đều được giải quyết dứt điểm.

Thành phố cũng đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành khẩn trương thực hiện công tác di dời các bộ, ngành, các cơ sở giáo dục, đào tạo, y tế tại các quận nội đô theo định hướng quy hoạch chung nhằm tạo động lực phát triển các khu vực ngoài đô thị trung tâm (đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái...), giảm sức hút đối với lao động, dân cư ngoại thành, ngoại tỉnh đồng thời tạo quỹ đất phục vụ đầu tư bổ sung các công trình xã hội của Thành phố còn thiếu. Tuy nhiên, đến nay kết quả di dời còn rất hạn chế, các cơ sở đã được bố trí quỹ đất mới gồm bộ, ngành (9 cơ sở), bệnh viện tuyến Trung ương (8 bệnh viện), giáo dục (1 cơ sở) đều chưa bàn giao lại quỹ đất cũ cho Thành phố.

“Thành phố cũng đã có kiến nghị về chính sách nhằm tăng cường phát triển kinh tế xã hội đồng đều hơn trong và ngoài khu vực Vùng Thủ đô, nhằm giải quyết hạn chế quá trình dịch cư từ các tỉnh về Thủ đô Hà Nội”, lãnh đạo UBND TP. Hà Nội cho biết./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top