Các công trình tự thân xanh vẫn được... nhưng khó

Các công trình tự thân xanh vẫn được... nhưng khó

Thứ Năm, 06/02/2020 - 06:00

Ở các sự kiện về công trình xanh của Việt Nam, người ta đã quen thuộc với: “bà Đỗ Ngọc Diệp – chuyên gia công trình xanh thuộc Tổ chức Tài chính Quốc tế”. Có lẽ, sẽ chẳng quá khi nói rằng, người phụ nữ mang tên “Đỗ Ngọc Diệp” đã trở thành người đồng hành với sự phát triển công trình xanh (CTX) ở Việt Nam. 

Một buổi chiều tại văn phòng của IFC (Tổ chức Tài chính Quốc tế), tôi có cơ duyên được gặp chị. Không còn vẻ nghiêm nghị trên khuôn mặt trong những bài phát biểu hay chia sẻ về thực trạng phát triển CTX ở Việt Nam, vị chuyên gia CTX của IFC khiến tôi ấn tượng bởi sự cởi mở, hài hước. Dường như, đây mới đúng là tinh thần “xanh”, năng lượng “xanh” của một người phụ nữ trẻ đang mang sứ mệnh: Lan tỏa sắc xanh đến mọi công trình. Cuộc nói chuyện của chúng tôi đều xoay quanh một chữ “xanh”.

PV: Ở các sự kiện liên quan đến CTX, người ta đã dần quen với cái tên “Đỗ Ngọc Diệp – chuyên gia CTX của IFC”. Có thể hiểu công việc chuyên gia CTX hiện tại của chị như thế nào?

Chuyên gia Đỗ Ngọc Diệp: Có nhiều người đang nhầm tưởng tôi là Sales (nhân viên bán hàng) nhưng kỳ thực không phải, dù đúng là tôi phải thuyết phục các chủ đầu tư tham gia xây dựng CTX.

IFC là một tổ chức tài chính quốc tế nằm trong nhóm Ngân hàng thế giới (World Bank Group). Tiền thân của Ngân hàng thế giới là Ngân hàng phát triển. Đối tượng của nó là trợ giúp cho các Chính phủ và không đặt yếu tố lợi nhuận lên trên. Mục tiêu của nhóm Ngân hàng thế giới là xóa đói giảm nghèo, phát triển vì sự thịnh vượng chung.

Nếu như World Bank hỗ trợ các chính phủ thì đối tượng của IFC hẹp hơn, là các doanh nghiệp. Trong lĩnh vực CTX, IFC không phải đầu tư cho vay mà hướng tới mở rộng thị trường. Có thể hiểu đơn giản, IFC cần phải "dọn đường" pháp lý, kỹ thuật, đào tạo, lực lượng lao động, tạo nền móng cho thị trường. Khi thị trường có cung cầu ổn định, tự vận hành thì IFC sẽ có những bên đầu tư bỏ vốn vào. Nhiệm vụ của IFC là tiếp tục tạo ra thị trường, tạo ra công nghệ mới. Và nhiệm vụ của tôi là một mắt xích trong công việc đó.

PV: Từ 10 năm trước, chị đã bén duyên với CTX, thời điểm khái niệm CTX vẫn còn chưa nhiều người biết tới. Chắc chắn phải có vô vàn khó khăn? 

Chuyên gia Đỗ Ngọc Diệp: Thời điểm đó, CTX ở Việt Nam còn rất mới. Tôi vừa đi học, vừa đi làm. Phải học từ những người đi trước. Tôi phải học kiến thức về công trình, về kiến trúc, vật liệu. Nhưng tôi nghĩ mình may mắn! Tôi được làm việc trong một môi trường nhỏ nhưng thân thiện, có cơ hội học hỏi từ các tình nguyện viên đã có rất nhiều kinh nghiệm ở nước ngoài. Tôi có gần 2 năm làm việc mà không biết tới ngày thứ 7 và Chủ nhật. Thời gian làm việc từ 10 – 12 tiếng mỗi ngày.

Nói thật, khi đó, tôi còn trẻ và “ngựa non háu đá”, "máu chiến”. Và tôi cũng nghĩ, công việc nào cũng thế, khởi đầu có bao giờ là dễ dàng, khó khăn vượt qua thì thành quả nhận được càng lớn.

PV: Đó có phải là nguyên nhân khiến chị gắn bó sự nghiệp với công trình xanh, mà không phải một lĩnh vực khác? Bởi thông thường, người ta dễ mặc định rằng, làm CTX thường sẽ phù hợp với phái mạnh hơn là một người phụ nữ như chị?

Chuyên gia Đỗ Ngọc Diệp: Tôi nghĩ đó là hoàn cảnh. Tôi thích về ngành khoa học tự nhiên và biết mình có khiếu về lĩnh vực này hơn. Thực ra, trước đó tôi thích ngành sinh học với công nghệ gen. Tôi theo học ở Anh, và ở đất nước này thời điểm đó, công nghệ gen rất phát triển. Nhưng khi về Việt Nam lúc đang học năm 2, tôi nhận thấy muốn sống bằng nghề này là rất khó. Trở lại Anh, tôi đã chuyển sang ngành khoa học môi trường.

Chuyên gia CTX là một nghề mới. Đúng là như vậy! Nhưng đấy cũng gần như là chuyên ngành của tôi. Tôi được đào tạo để trở thành kỹ sư môi trường.

Khi trở về nước, năm 2009, tôi có tìm hiểu công việc, khởi đầu là một tổ chức NGO (tổ chức phi chính phủ) có tên VGBC. Năm 2009, tôi vẫn nhớ, VGBC không tuyển bất kỳ vị trí gì liên quan đến công trình xanh. Lúc đọc mô tả công việc, tôi chỉ hiểu có mảng xanh trong xây dựng. Tôi đã hỏi giám đốc: “Ông có cần người làm việc không? Tôi sẽ làm tất cả”. Ông giám đốc bảo “Ok, cô có thể giúp tôi”.

Thời gian trước, công trình xanh mới chỉ ở giai đoạn nghiên cứu. Thông tin về ngành này không nhiều, đào tạo cũng không hề có. Tuy nhiên, tôi lại có một lợi thế. Đó là quãng thời gian học tại Anh, ngoài việc tìm hiểu ngành học của chính mình, học viên phải tìm hiểu thực tế và được đào tạo xen kẽ các môn đại cương.

Thế nên, ngoài kỹ thuật, tôi còn được học về kiến trúc, rồi kinh doanh. Thực tế, chính giờ đây, bản thân CTX cũng không đơn thuần chỉ là kiến trúc.

Sau này, tôi chuyển sang IFC (Tổ chức Tài chính quốc tế). Và gắn bó với công việc liên quan đến CTX đến bây giờ.

PV: Muốn thị phần CTX mở rộng thì các chủ đầu tư phải hiểu và triển khai cho các dự án của mình. Chị đã làm thế nào để thuyết phục các doanh nghiệp địa ốc xây dựng CTX?

Chuyên gia Đỗ Ngọc Diệp: Thời điểm tôi mới bắt tay vào làm việc, 10 chủ đầu tư thì có lẽ có tới 9 người không hiểu về CTX. Nhưng, thực sự họ đều lắng nghe mình, cho phép mình trình bày. Đa phần các chủ đầu tư quan tâm và muốn làm, bất kể khó khăn về thông tin hay chi phí. Bài toán của mình là luôn buộc bản thân sẵn sàng cho một câu trả lời: “Công trình xanh là gì?”, cũng có nhiều chủ đầu tư, họ đã sẵn định kiến trong đầu về CTX. Việc của mình là phá bỏ hàng rào định kiến đó.

Nhưng, đôi lúc thuyết phục người cao nhất chưa hẳn đã thành công mà còn phải làm thế nào để người quản lý cấp dưới cũng hào hứng. Bởi, người lãnh đạo cao nhất đồng ý nhưng có khi cấp dưới lại nghĩ là mua việc vào người, khi đó công việc sẽ không thể suôn sẻ.

Kết quả của việc thuyết phục được một người hiểu và làm về CTX cũng đủ khiến tôi cảm thấy rất vui: "À, cuối cùng, mình đã tạo ra được một sự ảnh hưởng trong CTX". 

Mỗi lần tiếp xúc một doanh nhân nào đó, tôi lại cảm thấy tư duy mình thay đổi nhiều. Họ là người giàu kinh nghiệm, giỏi kinh doanh, ở một tầm khác so với mình. Cảm giác rất thích mà không hề thấy khó khăn hay thách thức.

PV: Đến bây giờ, khi nhìn lại chặng đường đã qua, chị đánh giá như thế nào về mức độ phủ lấp của các CTX trên thị trường?

Chuyên gia Đỗ Ngọc Diệp: Theo khảo sát của IFC, với bộ LOTUS, LEED, EDGE,… Việt Nam có khoảng 2,5 triệu m2 sàn được công nhận là CTX. Con số đó so với thị trường như thế nào? Năm 2018, Việt Nam có 14 triệu m2 sàn được xây mới. Đó là tính các sản phẩm bất động sản bán ra.

Trong khi đó, thị trường CTX đã có từ năm 2007, khởi điểm là các nhà máy sản xuất tham gia. Nhưng đến nay mới có 2,5 triệu m2 sàn. Như vậy, con số này vẫn còn rất nhỏ dù đã có sự cải thiện nhiều. Năm vừa qua, chỉ riêng chứng chỉ EDGE đã ghi nhận khoảng 1 triệu m2 sàn.

Nhưng, nhìn chung, sân chơi còn lại cho CTX vẫn chật hẹp. Con số đạt được chứng chỉ CTX vẫn chưa đủ tạo ra một sự đột phá. Và còn cần nhiều sự hỗ trợ của các chủ đầu tư, các tổ chức trong và ngoài nước.

PV: Vậy đâu là nguyên nhân khiến cho thị trường của CTX vẫn chưa tạo ra sự bứt phá, trong khi rõ ràng, ai cũng hiểu làm CTX sẽ mang lại cuộc sống tốt hơn cho người dân?

Chuyên gia Đỗ Ngọc Diệp: Sự phát triển của CTX ở nước ngoài đều phải có sự tham gia của Chính phủ. Nhưng ở Việt Nam, mặc dù sự ủng hộ của các bộ, ngành là rất lớn, nhưng đáng tiếc khi IFC đi làm việc với các đơn vị khác như chính quyền tỉnh để xây dựng các ưu đãi cho CTX thì hành lang pháp lý chưa có nên khó triển khai.

Cũng cần phải hiểu, ưu đãi cho CTX không nhất thiết phải là thuế. Bởi thuế có thể tạo ra áp lực về ngân sách cho Nhà nước, nhưng ưu đãi có thể là cho phép xây dựng tại khu đất vàng, thêm tầng, thêm mật độ,... Quy định này nếu không phù hợp với Hà Nội, TP.HCM nhưng có thể phù hợp với các tỉnh thành khác.

Hiện tại, IFC đã tiếp cận nguồn vốn nước ngoài cho vay ưu đãi thông qua ngân hàng thương mại, cho các sản phẩm CTX, cho chủ đầu tư, người mua nhà vay, với mức lãi suất tốt.

PV: Chị dự đoán như thế nào về sự phát triển của CTX trong tương lai, đặc biệt trong trường hợp Chính phủ Việt Nam tích cực hơn trong việc ban hành hệ thống hành lang pháp lý?

Chuyên gia Đỗ Ngọc Diệp: Nếu có hệ thống hành lang pháp lý cho CTX thì đó là điều kiện rất thuận lợi. Nhưng hiện tại, phía các bộ cũng vẫn ủng hộ CTX và có nhiều hướng dẫn, tham gia tích cực.

Tôi nghĩ, sự phát triển của CTX sẽ phụ thuộc rất nhiều vào sự phát triển của thị trường bất động sản. Có thể thấy, năm 2018, bất động sản có tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ. Đến năm 2019, thị trường có sự sụt giảm. Nếu thị trường bất động sản đóng băng thì đây chính là điểm cản trở cho sự phát triển của CTX, còn thị trường bất động sản vận động tốt thì CTX có thể phát triển.

- Cảm ơn những chia sẻ của chị!


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top