Aa

Các ngân hàng niêm yết tăng 25% lợi nhuận

Chủ Nhật, 10/11/2019 - 06:06

Hầu hết ngân hàng đã thực hiện hơn 3/4 kế hoạch lợi nhuận. Dự kiến, mùa cao điểm kinh doanh thường rơi vào quý IV nên dự kiến các ngân hàng sẽ vượt chỉ tiêu năm 2019.

Hầu hết ngân hàng đều có tốc độ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do năm 2018 có thu nhập bất thường. Tuy vậy, đa phần các ngân hàng đã thực hiện hơn 3/4 kế hoạch cho cả năm 2019. Mùa cao điểm kinh doanh thường rơi vào quý IV nên khả năng cao, các đơn vị sẽ vượt kế hoạch kinh doanh cả năm.

Theo tính toán của CTCK Rồng Việt (VDSC), tổng thu nhập hoạt động (TOI) và lãi sau thuế của ngân hàng niêm yết tăng 22% và 43% trong quý III. Và lần lượt 17,2% và 25% trong 9 tháng so với cùng kỳ 2018. Không chỉ hoạt động cốt lõi (cho vay khách hàng và dịch vụ) khả quan, chi phí hoạt động và dự phòng thấp cũng góp phần giúp thu nhập ròng tăng trưởng mạnh.

Cùng quan điểm, Công ty chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), quý IV/2019, thu nhập ngoài lãi (mảnh đất tiềm năng của các ngân hàng) dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng từ 20 - 30% trong 2019.

Có thể thấy, trong nửa đầu năm, thu nhập ngoài lãi của toàn hệ thống đã tăng trưởng mạnh, nguồn thu chủ yếu đến từ: Phí dịch vụ (tăng 46% so với cùng kỳ 2018 nhờ việc tăng trưởng khách hàng và tăng phí dịch vụ), tích cực thu hồi nợ xấu ngoại bảng và thu từ bán chéo sản phẩm bảo hiểm (bancassurance).

Trong năm 2019, BSC kỳ vọng thu nhập ngoài lãi của toàn ngành sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh từ 20 - 30% đối với toàn hệ thống nhờ việc tiếp tục tăng phí dịch vụ, tăng trưởng khách hàng cá nhân và khai phá các mảnh đất mới nhiều tiềm năng (bancassurance, trái phiếu...).

Còn về nguồn vốn, VDSC cho rằng, các ngân hàng có cơ sở vốn mạnh, biểu hiện qua hệ số đòn bẩy thấp và CAR Basel II cao sẽ đảm bảo tốc độ tăng trưởng cho vay cao đối với nhóm ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân (NHTMCP). Đây là khía cạnh tích cực khi hoạt động cho vay khách hàng vẫn là nguồn thu nhập chính và mở rộng tín dụng sẽ cho phép các ngân hàng bán chéo sản phẩm (thẻ, thanh toán giao dịch, bảo hiểm...), sau đó nâng cao thu nhập dịch vụ.

Bên cạnh đó, với mức định giá tương đối thấp, P/B kỳ vọng năm 2020 ở mức khoảng 1,0x - 1,4x và ROE cao (18 - 20%) cũng là một lợi thế khác của nhóm này. Điều cần lưu ý là hầu hết ngân hàng thương mại tư nhân niêm yết đều không còn dư địa cho sở hữu nước ngoài.

Tính đến hết tháng 9, tăng trưởng tín dụng ước đạt 9% so với đầu năm, thấp hơn 10,3% cùng kỳ năm trước. So với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 2019, dư địa có thể tăng lên tới 5%. Dựa theo tình hình tăng trưởng tín dụng tại các NHTM niêm yết, ước tính với tốc độ tăng trưởng hiện tại và trần tín dụng cho từng ngân hàng, tăng trưởng tín dụng cả năm 2019 có thể chỉ đạt 13,2% so với đầu năm.

Nếu điều này xảy ra, đây sẽ là mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất trong thập kỷ qua tại Việt Nam. Kết quả tăng trưởng tín dụng thấp hiện tại chủ yếu đến từ khối NHTM quốc doanh gồm BIDV, VietinBank và Agribank trong khi thành tích tại các NHTMCP tư nhân khác vẫn rất ấn tượng.

Theo quan sát, các NHTMCP như VIB, TPBank, VPBank hay MB đều ghi nhận tăng trưởng tín dụng khá tốt trong 9 tháng và đang dần cạn dư địa khi tiến sát mức trần tín dụng cho phép của NHNN. Trong khi đó, tăng trưởng tín dụng của BIDV và VietinBank chỉ đạt 8,6% và 3,2% so với đầu năm, cách xa mục tiêu đầu năm, lần lượt 12% và 7%. Theo định hướng của NHNN từ đầu năm, các nhà băng có chất lượng tài sản tốt hoàn toàn có thể được nới room tín dụng. Điều này đã từng xảy ra vào giữa năm 2019 khi các nhà băng kể trên lần lượt đáp ứng tiêu chuẩn Basel II.

Mặt khác, xét về cân đối vĩ mô, VDSC nhấn mạnh vào chênh lệch tăng trưởng tín dụng và GDP danh nghĩa. Khoảng cách chênh lệch quá cao hàm ý sự dư thừa tiền trong nền kinh tế và ngược lại. Hiện nay, khoảng chênh lệch ở mức 5%, thấp hơn nhiều so với giai đoạn 2015 - 2017, 7 - 11%.

Còn nhớ năm 2018, tới cuối năm, khoảng chênh lệch giảm về 3% từ mức 6% do biến động từ vĩ mô thế giới khiến tăng trưởng tín dụng và cung tiền bị siết chặt đột ngột kể từ quý 3/2018. Trong bối cảnh hiện nay, diễn biến kinh tế trong và ngoài nước đều khá tích cực đi kèm với mặt bằng lãi suất liên ngân hàng quay trở về giai đoạn 2017 - 2018, VDSC đánh giá NHNN có đủ điều kiện để cân nhắc điều chỉnh trần tín dụng cho các nhà băng. Hiện tại, ghi nhận một số ngân hàng đang tiến hành xin thêm room từ phía NHNN./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top