Aa

Cách chế biến một số món chay đơn giản cúng rằm tháng Giêng Đinh Dậu 2017

Thứ Sáu, 10/02/2017 - 00:22

Các gia chủ có thể cúng rằm tháng Giêng bằng cỗ mặn hoặc cỗ chay nhưng nên đảm bảo màu sắc tượng trưng ngũ hành. Dưới đây là một số món chay nấu đơn giản để cúng rằm tháng Giêng Đinh Dậu.

Mâm cỗ cúng Phật Rằm tháng giêng đủ ngũ hành

Nhiều gia đình vẫn quan niệm rằm tháng Giêng là ngày tránh sát sinh, nên ăn chay để cầu mong may mắn, giải hạn cho cả năm.

Lễ vật dâng cúng thường là hoa quả, chè xôi, các món đậu, canh xào không thêm nhiều hương liệu. Ngày nay, nhiều người dân cúng rằm tháng Giêng có thêm món bánh trôi nước với ý nghĩa cầu mong cả năm mọi việc đều hanh thông, trôi chảy, hạnh phúc tròn đầy.

Cỗ chay tùy loại có từ 10, 12 tới 25 món. Điểm đặc biệt trên mâm cỗ chay là sự hiện diện của những màu sắc tượng trưng cho ngũ hành. Màu đỏ tượng trưng cho hành hỏa, xanh của hành mộc, đen của hành thổ, màu trắng của hành thủy, màu vàng hành kim. Ăn cơm chay là một cách hướng tới sự cân bằng, thanh thản trong tâm hồn.

Dưới đây là hướng dẫn cách nấu một số món chay đơn giản để cúng rằm tháng Giêng:

1. Canh Nấm

Nguyên liệu:

- 50g nấm hương, 50g nấm tuyết

- 1 củ su hào, 1 củ cà rốt, vài nhánh rau mùi

- hạt nêm chay, muối trắng, tiêu xay

Canh nấm dễ chế biến lại đẹp mắt

Canh nấm dễ chế biến lại đẹp mắt

Cách làm:

- Nấm hương, nấm tuyết ngâm nước ấm cho nở rồi cắt gốc, rửa lại bằng nước lạnh.

- Su hào, cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, thái quân cờ hoặc tỉa hoa tuỳ thích.

- Cho nấm hương, cà rốt, su hào vào nấu cùng lúc, nêm muối và hạt nêm chay. Khi rau củ gần chín thì cho nấm tuyết vào đun thêm 3-5 phút, nấm tuyết chín tới thì tắt bếp, cho mì chính vào khuấy đều. Múc canh ra bát, rắc rau mùi và hạt tiêu.

2. Miến trộn

Nguyên liệu:

- 250g miến

- 5 tai nấm mèo

- 50g đậu phụ trắng

- 1 củ cà rốt

- 1 thìa canh lạc rang giã nhỏ

 

Miến trộn là món giúp mâm cỗ thêm phong phú.

Miến trộn là món giúp mâm cỗ thêm phong phú.

Cách làm:

- Nấm mèo ngâm nước ấm cho nở rồi cắt gốc, rửa lại bằng nước lạnh sau đó thái chỉ.

- Vo sạch miến trong nước lạnh. Bắc nồi nước lên bếp đun sôi rồi tắt lửa, cho miến vào ngâm khoảng 3-5 phút. Tuỳ từng loại miến mà thời gian ngâm khác nhau, khi miến nở vừa tới (chín nhưng không quá mềm) thì đổ miến ra rổ, rửa qua nước lọc rồi dùng đũa xóc đến khi ráo nước miến sẽ tơi ngon. Dùng kéo cắt miến thành đoạn 10cm.

- Cà rốt gọt vỏ, rửa sạch, bào sợi. 

- Đậu phụ cắt lát mỏng, rán vàng rồi dùng kéo cắt chỉ.

- Bắc chảo lên bếp, cho cà rốt, nấm mèo vào xào, thêm tí nước lạnh để không cháy chảo, nêm muối, đường vừa ăn. Nấm và cà rốt vừa chín tới thì tắt bếp, cho mì chính vào đảo đều rồi cho miến vào dùng đũa xóc đều. 

- Gắp miến trộn ra đĩa, rải đậu phụ bên trên, sau cùng là lạc rang và rau thơm.

* Với cách làm này đĩa miến trộn của bạn sẽ tơi ngon, không bị dính, gia vị được nêm vào rau xào sẽ ngấm qua cho miến có độ mặn vừa phải, người có khẩu vị mặn có chan thêm nước chấm chay chua ngọt hoặc xì dầu. 

3. Xôi ngũ sắc

Theo quan niệm, ăn xôi ngũ sắc vào các ngày lễ Tết sẽ đem lại sự may mắn, tốt lành cho cả năm. Hơn nữa, xôi ngũ sắc là cách thể hiện sự đảm đang, khéo léo của người phụ nữa Tây Bắc.

Nghe thì có vẻ khó làm nhưng với cách nấu xôi ngũ sắc dưới đây, chị em hoàn toàn có thể tự mình chế biến món ăn ngon, hấp dẫn cho cả gia đình.

Nguyên liệu:

- 2 kg gạo nếp mới, thơm ngon

- Các nguyên liệu nguồn gốc tự nhiên để tạo màu: Màu đỏ và màu tím: dùng lá cẩm đỏ và cẩm tím, mỗi loại 200g để riêng. Nên chọn lá cẩm già để có màu xôi được đẹp nhất. Màu xanh: dùng 500g lá nếp. Màu vàng: nghệ tươi hoặc bột nghệ

- 1 ít sữa đặc và đường trắng

- Khuôn làm xôi hình hoa Lá cẩm dùng làm xôi ngũ sắc

Xôi ngũ sắc giúp mâm cỗ đẹp, đủ màu sắc ngũ hành.

Xôi ngũ sắc giúp mâm cỗ đẹp, đủ màu sắc ngũ hành.

Cách làm:

Bước 1: Sơ chế

Trước tiên làm màu đỏ: rửa sạch lá cẩm đỏ rồi cắt khúc cho để vừa nồi (bạn có thể dùng cả lá và cây), đổ thêm 2 lít nước rồi đun sôi. Khi bếp sôi vặn nhỏ lửa để khoảng 10 rồi vớt lá ra, lấy phần nước đã được để nguội. Tiếp theo đổ nước lá cẩm đỏ ra 1 cái chậu nhỏ rồi cho lá cẩm đỏ vào nồi làm tương tự với lá cẩm tím.

Thứ 3 chúng ta sẽ làm màu xanh: Rửa sạch lá nếp, cho thêm 2lít nước rồi xay bằng máy xay sinh tố hoặc không có máy thì phải vò thật kĩ để ra màu xanh đậm, lọc để lấy nguyên phần nước. (màu xanh hơi khó lên màu nên bạn phải sử dụng nhiều lá nếp và xay, vò kĩ).

Thứ 4 là màu vàng: Giã nhỏ củ nghệ tươi hòa với nước rồi lọc bỏ cặn, chỉ lấy nguyên phần nước (giống như khi nấu cá vậy).

Sau khi đã pha chế xong các loại nước màu. Bạn đãi sạch gạo và chia đều thành 5 phần, đổ lần lượt vào các chậu màu, còn lại xôi trắng thì chỉ ngâm vào nước lọc bình thường thôi. Thời gian ngâm là 6-8 giờ. Ngâm sẵn buổi tối để sáng mình có gạo để nấu ngay. Nếu khi nấu màu đỏ với quả gấc thì bước này thay vì ngâm nước lá cẩm đỏ bạn sẽ ngâm 2 phần gạo trắng nhé

Bước 2: Đồ xôi

- Sau khi ngâm gạo được khoảng 1 tiếng thì bạn vớt gạo ra 5 bát khác nhau, mỗi bát bạn thêm thêm một chút nước cốt dừa 1 thìa đường trắng 1/2 thìa cà phê muối, sau đó trộn đều cho gạo khi nấu được đậm vị hơn.

- Cuối cùng bạn cho nước vào nồi hấp rồi cho từng phần gạo vào hấp. Hấp xôi đến khi nào xôi chín, hạt xôi mềm dẻo đạt yêu cầu là được, tắt bếp.

Bước 3: Tạo khuôn

Vì xôi ngũ sắc có nhiều màu bắt mắt nên cũng có nhiều cách để trang trí khác nhau. Làm đĩa xôi ngũ sắc thành nhiều tầng mỗi tầng 1 màu, với cách làm khuôn xôi nhiều tầng bạn nhớ cho lượng xôi đều nhau, ép chặt khuôn để các màu có độ kết dính.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top