Aa

Cải cách hành chính ngân hàng hướng về số hóa

Chủ Nhật, 19/05/2019 - 06:01

Công nghệ 4.0 đang mang đến những thuận lợi cho sự phát triển dịch vụ, sản phẩm tài chính - ngân hàng; đồng thời cũng mang đến những rủi ro đặc biệt cho sự bảo mật, giao dịch an toàn.

Đây là nhận định của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Đào Minh Tú tại hội thảo quốc gia “Cải cách hành chính ngành ngân hàng: Doanh nghiệp và người dân thuận lợi trong giao dịch ngân hàng” vừa diễn ra tại TP.HCM.

Minh bạch hóa thông tin dịch vụ

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, những năm vừa qua, các ngân hàng đã cải cách hành chính theo hình thức một cửa quy trình gửi tiết kiệm, dịch vụ chuyển tiền, kiều hối, dịch vụ thẻ, dịch vụ tiền mặt và các dịch vụ thanh toán khác… để giảm chi phí, rút ngắn thời gian cung cấp dịch vụ, cung cấp thông tin đầy đủ tới các khách hàng, phối hợp trong nội bộ để xử lý kịp thời phản ánh, khiếu nại của khách hàng về chất lượng và giá cả dịch vụ…

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, công nghệ 4.0 là một cơ hội lớn cho các tổ chức trong cải cách thủ tục hành chính ngành, nhưng cũng tạo ra thách thức.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, công nghệ 4.0 là một cơ hội lớn cho các tổ chức trong cải cách thủ tục hành chính ngành, nhưng cũng tạo ra thách thức.

"Thời gian tới, các ngân hàng vẫn phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính hơn nữa, phát huy sáng tạo, chủ động ứng dụng công nghệ hiện đại đưa ra các sản phẩm tiện ích đa dạng và đề xuất, tham mưu cho NHNN nhằm tạo môi trường kinh doanh tích cực trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ngày càng tốt hơn. Về phía NHNN sẽ tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn nữa các cơ chế thể lệ, tạo điều kiện mở rộng quyền hạn và trách nhiệm cho các tổ chức tín dụng trong việc tạo thuận lợi hơn nữa cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận tín dụng và các dịch vụ ngân hàng, đồng thời vẫn phải đảm bảo an toàn vốn, hạn chế rủi ro trong hoạt động", ông Đào Minh Tú nhấn mạnh.

Cũng theo thông tin từ NHNN, trong 4 năm qua, NHNN luôn dẫn đầu 19 bộ ngành trong chỉ số cải cách hành chính. Thêm vào đó, chỉ số “Tiếp cận tín dụng” năm 2018 của Việt Nam đã được Ngân hàng Thế giới xếp hạng 29/190, tăng 3 bậc và đứng thứ 4 trong ASEAN. Ngân hàng đã cắt 100 thủ tục hành chính, cắt giảm 80/238 điều kiện kinh doanh. Các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp tạo điều kiện mang nguồn vốn tín dụng và các sản phẩm tài chính- dịch vụ của hệ thống ngân hàng đến gần với doanh nghiệp, người dân và hiệu quả hơn.

Cơ quan quản lý đặt mục tiêu cải cách hành chính của ngành là luôn lấy người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm, do đó việc cải cách phải tạo được điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn và dịch vụ ngân hàng. Trong đó, bao gồm minh bạch hoá các thông tin liên quan đến các dịch vụ ngân hàng (như tiết kiệm, vay vốn, thanh toán…) nhằm tránh tiêu cực, ứng dụng các công nghệ tiên tiến trong các dịch vụ ngân hàng để giảm thiểu chi phí, thời gian cho người dân và doanh nghiệp. Đa dạng hoá sản phẩm dịch vụ đảm bảo nguyên tắc thị trường để người dân và doanh nghiệp có lợi nhất trong việc tiếp cận sản phẩm và dịch vụ ngân hàng.

Số hóa và vai trò của cơ quan giám sát

TS. Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia Kinh tế cho rằng Việt Nam hiện nay đang có điều kiện thuận lợi để thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính ngành ngân hàng với công nghệ 4.0. Tuy nhiên, cho dù đây là nền tảng để thay đổi cách tiếp cận dịch vụ tài chính, thì vấn đề mấu chốt vẫn là con người. "Vấn đề con người, hình như trong ngành ngân hàng chưa được đặt lên vị trí tối cao nhất, cả ở góc độ tầm nhìn lẫn trên thực tế dịch vụ", ông Hiếu nói.

Trong số các giải pháp đưa ra để khuyến nghị áp dụng nhằm tăng cải cách thủ tục hành chính, tăng hiệu quả sản phẩm dịch vụ tài chính theo hướng tối ưu hóa hiệu quả và trải nghiệm cho khách hàng, theo ông Hiếu, trước hết phải giảm "đòi hỏi" từ phía ngân hàng với doanh nghiệp, cần tăng cường Quỹ bảo lãnh tín dụng và trải rộng ở các địa phương.

Ngoài ra, TS. Nguyễn Trí Hiếu đánh giá vai trò của cơ quan giám sát - cơ quan quản lý là vô cùng quan trọng, đảm bảo rằng trong quá trình cải cách, rút ngắn khoảng cách ngân hàng đến doanh nghiệp và người dân, yếu tố giao dịch an toàn, bảo mật của khách hàng được thực hiện triệt để; đồng thời đảm bảo giảm thiểu mức độ rủi ro tối đa khi "chạy đua" phát triển sản phẩm dịch vụ hướng số hóa của các tổ chức tín dụng.

Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách Tài chính - Tiền tệ quốc gia cũng chia sẻ quan điểm cần nêu cao trò giám sát của cơ quan quản lý Nhà nước, và đặc biệt là trọng trách nặng nề của các nhà quản lý trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đang được dự báo có thể đứng trước một cuộc khủng hoảng tài chính ở quy mô sâu, rộng.

Theo ông Nghĩa, đứng trước bối cảnh và các chuyển động khó dự báo trước, khi Việt Nam có mối quan hệ thương mại hai chiều lớn với các thị trường xuất khẩu quốc tế, một phương châm ứng xử cơ bản của các nhà điều hành chính sách tiền tệ trong giai đoạn tới là bình tĩnh, lấy nhất biến - ổn định, để ứng phó với vạn biến. Theo đó, không chỉ cải cách thủ tục hành chính mà chính sách tiền tệ và sự linh hoạt ở các biến số cần trúng thời gian, thời điểm, sẽ là thử thách với cơ quan điều hành.

Ở phía các tổ chức tín dụng, cải cách hành chính và ứng dụng số hóa, rút ngắn thời gian, thủ tục, giảm chi phí, được các chuyên gia đánh giá là xu hướng cơ bản để phát triển ngân hàng bán lẻ. Nhiều sản phẩm dịch vụ tài chính có "sắc vóc" số hóa trên thực tế đã và đang được nhiều tổ chức tín dụng triển khai. 

Trong thời gian tới, các tổ chức tín dụng được dự báo vẫn tiếp tục đẩy mạnh nâng cao chất lượng dịch vụ, phát triển đa dạng hóa các sản phẩm phi tín dụng có khả năng giao dịch bằng các phương tiện điện tử trên môi trường mạng với tính năng an toàn, bảo mật cao, nâng cao khả năng phục vụ. Nhiều ngân hàng đã tập trung đầu tư công nghệ phát triển sản phẩm online, mạnh dạn đưa ra nhiều gói sản phẩm, dịch vụ mới hiện đại, tiện dụng cho khách hàng. Điều này cũng đồng thời đặt các tổ chức tín dụng vào một cuộc cạnh tranh mới về chuyển đổi số và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong "nhiệm vụ" giảm rủi ro bảo mật, rủi ro tài chính từ hoạt động kinh doanh truyền thống và phi tín dụng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top