Aa

Cái chết của một dòng sông: Sự tự sát của chúng ta

Thứ Ba, 22/05/2018 - 06:00

Chúng ta ngày đêm nói quá nhiều những điều vô bổ, trong khi đó để bảo vệ một hồ nước, một con sông thì chúng ta chẳng mấy khi lên tiếng. Phải mất hàng tỉ năm mới làm lên một chi tiết của thiên nhiên kỳ diệu như chúng ta từng biết, nhưng chỉ vài chục năm là chúng ta đã sát hại xong chi tiết thiên nhiên ấy.

Tối hôm vừa rồi, trong chương trình thời sự của VTV, tôi loáng thoáng nghe tới việc nạo vét sông Đáy. Tiếc là lúc đó bận việc không nghe được kỹ. Nhưng chuyện nạo vét sông Đáy, tôi đã nghe từ hồi Hà Tây chưa bị ghép vào Hà Nội. Hồi đó nghe việc đó ai cũng mừng kể cả những người không sống bên con sông này. Nhưng cho đến tận bây giờ, vẫn không thấy tiến triển gì.

Sông Đáy đã chết từ lâu, cũng như sông Nhuệ chảy qua thị xã Hà Đông và như bao con sông trên xứ sở này, đã và đang chết.

Sông Đáy đang chết dần!

Sông Đáy đang chết dần!

Sông Đáy có cách đây hàng vạn, thậm chí cả triệu năm. Trong suốt khoảng thời gian dài dằng dặc ấy cho đến thời gian cách đây nửa thế kỷ, sông Đáy là một con sông đẹp với sự sống vô cùng phong phú về mọi mặt. Thế mà chỉ nửa thế kỷ, chúng ta đã giết chết dòng sông này. Hồi tôi còn nhỏ, sông Đáy đầy những loại cá mà bây giờ trở thành đặc sản không dễ mua được, như cá măng, cá chày, chạch chấu, cá bò, cá bống, thờn bơn, thè bè... Lớn lên, tôi hiểu thêm một điều quan trọng, là sông Đáy đã nuôi người làng tôi trong những năm nghèo đói. Thứ đặc sản của sông Đáy đã nuôi người làng tôi là hến.

Sau này, mẹ tôi vẫn thường nói nếu không có hến sông Đáy thì có không biết bao nhiều người làng đã chết đói. Không phải tôi mà những người thiên hạ đã biết sông Đáy đều khẳng định sông Đáy là con sông nhiều hến nhất ở phía Bắc. Lời nhận xét ấy có lẽ là đúng. Hồi còn sống ở quê, những trưa mùa hạ, tôi thường theo người làng đi bắt hến. Hến nhiều và dày như sỏi dưới đáy sông. Chỉ cần đưa tay xuống mặt cát vốc hến lên. Chỗ nào sâu hơn thì người ta cào hến. Người ta đặt chiếc dậm ở đáy sông rồi lấy chân gạt hến vào. Chỉ cần mấy mẻ cào hến là đã đầy một rổ hến. Con sông nào cũng có bên lở, bên bồi. Làng tôi ở phía bên bồi nên sông cạn hơn và nhiều cát. Cùng họ với hến còn có mẹ ghẻ, chìa vôi, trùng trục và trai sông. Thường những con mẹ ghẻ, trùng trục, chìa vôi hay sống ở phần đất pha nhiều bùn nằm ở phía bên lở. Người làng tôi nấu hến với bầu, bí non, với rau cải, rau cần, nấu với khoai lang, nấu với mẻ, với khế chua...

Bây giờ nhiều lúc về quê, thèm canh hến, nhưng chú em khuyên đừng ăn hến vì hến sông Đáy đã bị ô nhiễm nặng, ăn vào khác nào nuốt thuốc độc. Vậy, nhưng dù hến có bị ô nhiễm, thì cũng không dễ dàng bắt được ở sông Đáy như xưa nữa.

Còn một vài đoạn sông Đáy sống thoi thóp, liệu có ai kịp cứu sông không?

Còn một vài đoạn sông Đáy sống thoi thóp, liệu có ai kịp cứu sông không?

Bây giờ nhìn sông Đáy mà thấy tang thương. Dòng sông cạn nước, trôi lờ đờ và đục đen. Quá nhiều loài thủy sản trước kia sống trong dòng sông đã không còn và cả những sinh vật sống trên bờ dọc con sông cũng chết như chim chìa vôi, dẽ giun, sáo đá, chồn hương, châu chấu voi...

Thiên nhiên đã và đang tàn lụi. Và tỉ lệ thuận với cái chết của thiên nhiên là bệnh tật. Một bác sỹ nói với tôi, bây giờ mỗi ngày có khoảng 200 người chết vì ung thư. Chúng ta uống nguồn nước bẩn từ mọi con sông, mọi hồ nước, ăn thức ăn bẩn từ nhiều nguồn cung cấp như chúng ta từng biết thì con đường dẫn chúng ta tới nghĩa địa sẽ nhanh biết nhường nào.

Chúng ta ngày đêm nói quá nhiều những điều vô bổ, trong khi đó để bảo vệ một hồ nước, một con sông thì chúng ta chẳng mấy khi lên tiếng. Phải mất hàng tỉ năm mới làm lên một chi tiết của thiên nhiên kỳ diệu như chúng ta từng biết, nhưng chỉ vài chục năm là chúng ta đã sát hại xong chi tiết thiên nhiên ấy.

Quả thực, chúng ta vừa tham lam, ích kỷ, vừa ngu dốt và độc ác. Chúng ta đang tự sát mà lại cứ tưởng mình đang giàu có lên. Than ôi!...

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top