Aa

Cái giá của phát triển

Thứ Năm, 21/06/2018 - 06:00

Cái mất đi không chỉ là những căn nhà. Mất đi hơi thở của lịch sử, khí sắc của cuộc sống xưa. Có người sẽ hỏi: "Thì có sao đâu?". Mỗi thời mỗi khác. Đúng thôi. Nhưng chẳng có sách vở nào, chẳng có viện bảo tàng nào giúp cho ta thu nhận được trải nghiệm lịch sử như những đô thị nguyên vẹn cũ. Mà vốn sống, vốn cảm xúc về lịch sử đã qua rất cần để hình thành đời sống tâm hồn của con người những thế hệ sau.

Năm 1990 mấy đứa làm báo đi Móng Cái. Qua Tiên Yên, lọt vào khu phố cổ còn nguyên vẹn. Cứ ngỡ mình rơi vào không gian sống đầu thế kỷ 20.

Những dãy phố nhà xây gạch, nhà một tầng, nhà hai tầng, mái lợp ngói, các dầm gỗ cái đen bóng, cái thì bạc phếch. Nếu phố cổ Đồng Văn, đối diện chợ cũ nổi tiếng, thực ra chỉ là độ chục cái nhà cũ, thì phố cũ Tiên Yên là cả một khu vực nguyên vẹn, dài, cong hun hút. Nhà cửa có lẽ giống như phố cổ Hàng Nâu của Nam Định xưa, nhưng có vẻ đồ sộ và phóng túng, dữ dằn hơn. Cũng đúng thôi. Phố Hàng Nâu của Tú Xương là nơi "thật lắm quan" và lắm các "chú Hàn, cô Bố". Nó lại ở Nam Định nên có vẻ lặng lẽ, khiêm nhường. Còn phố cổ Tiên Yên xưa vốn là nơi tụ tập của những bè đảng anh chị. Tiên Yên nằm ở ngã tư. Đi ra biển. Đi lên Móng Cái. Đi sang Lạng Sơn. Và đi về Hòn Gai. Đường xá ngày xưa, thì từ Móng Cái về Hòn Gai có lẽ đi nhiều ngày mới đến. Tiên Yên giữa núi rừng nhưng là nơi hội tụ của buôn bán, chủ yếu là buôn lậu. Giang hồ hảo hán tụ tập, chia chác, đánh nhau, kết bạn. Phố cổ Tiên Yên có những nhà trước kia là quán. Bước vào trong tưởng như còn nghe được tiếng ầm ĩ ăn nhậu, tiếng bài bạc, nhịp sống hừng hực bất cần của dân tứ chiếng. Những trần gỗ trát xi măng có những cái móc sắt thòng xuống. Trước đây là treo thịt, có khi cả con bò con lợn nướng phục vụ sòng bài. Cũng gợi cả cảm giác nhà phố đâu đó ở nước ngoài những thế kỷ trước.

Lúc đó tất cả đều xuýt xoa: Chẳng cần thêm thắt đạo cụ gì, cần làm phim truyện về thời cách đây 5-7 chục năm cứ lên đây là quay. Thật hiếm khi có nơi phố cũ giữ nguyên vẹn thế này.

Phố cũ đã xa.

Phố cũ đã xa.

Hồi đó dân Tiên Yên, cũng như dân mọi nơi, nghèo lắm. Cái nhà do các cụ để lại, hay mua được, thì cứ ở. Ai có tiền mà xây lại, sửa sang? Cho nên phố cũ nguyên vẹn. Thật oái ăm, nhiều khi người ta giữ được vốn cũ vô giá là vì người ta nghèo, chứ thoát nghèo thì mọi cái có khi lại mất hết.

Ấn tượng về phố xưa Tiên Yên mạnh đến nỗi sau nhiều năm, bước sang thế kỷ mới, thế kỷ 21, tôi lại đi Móng Cái và nhất định rủ mọi người dành cả buổi rẽ vào chơi Tiên Yên. Dọc đường đi, tôi không ngớt miêu tả về những dãy phố cũ đó của phố huyện, nơi biển và núi gặp nhau. Rồi chúng tôi cũng vào Tiên Yên, háo hức đi tìm khoảng không gian xưa cũ đậm màu ngang tàng phóng khoáng, rất Á mà cũng rất Tây ấy. Thật không tưởng tượng nổi sau hơn chục năm, phố cũ Tiên Yên tan tành hết cả. Tìm được mấy ngôi nhà cũ liền nhau là khó. Bắt đầu có tiền, người ta phá đi xây lại, lổn nhổn, chẳng còn màu sắc gì.

Mấy đứa ngồi ở hàng nước, trên cái phố chẳng khác gì bất cứ cái phố huyện mới nào trên đất Bắc, than thở với nhau: "Thế là mất phố Tiên Yên cũ rồi".

Tôi đi chẳng nhiều, cũng không quan sát chiêm nghiệm nhiều. Nhưng có lẽ ai trong thế hệ tôi cũng cảm nhận sự biến mất của những đô thị xưa. Hay là cái chết của những không gian xưa. Thời gian trước nghèo và chiến tranh, mọi thứ tồn tại lâu hơn. Còn sau này thì dần dần không gian kiến trúc thay đổi theo hướng phá cũ đi để làm mới. Giữ được chắc chỉ có phố cổ Hội An, một phần phố cổ Hà Nội thôi. Còn nhìn chung là mất.

Phố mới ngày nay.

Phố mới ngày nay.

Cái mất đi không chỉ là những căn nhà. Mất đi hơi thở của lịch sử, khí sắc của cuộc sống xưa. Có người sẽ hỏi: "Thì có sao đâu?". Mỗi thời mỗi khác. Đúng thôi. Nhưng chẳng có sách vở nào, chẳng có viện bảo tàng nào giúp cho ta thu nhận được trải nghiệm lịch sử như những đô thị nguyên vẹn cũ. Mà vốn sống, vốn cảm xúc về lịch sử đã qua rất cần để hình thành đời sống tâm hồn của con người những thế hệ sau.

Mà cái mất cũng không chỉ là những giá trị tinh thần.

Nhiều năm trước, tôi cùng một anh bạn làm đạo diễn phim đã lang thang trong thành Rome cổ kính. Chúng tôi nói đùa với nhau ở đây tựa mông vào cái chỗ nào nghỉ chân cũng là ngồi lên một di sản ngàn năm. Cả Rome từ sáng đến chiều ngập các xe bus du lịch kềnh càng đầy ắp người từ cả thế giới đổ về. Hàng triệu người thành Rome giờ đây rủng rỉnh tiền là vẫn do ăn nhờ cái tài sản những thế hệ trước để lại. Anh bạn Ý nói với chúng tôi: "Dưới lòng đất còn khối di tích". Họ chẳng ngốc mà phá đi cái gì. Họ để lại, giữ gìn, để họ có tiền "ngồi rỗi mà ăn". Đấy, cha ông nằm dưới đất vẫn nuôi được con cháu chút chít, là do vậy.

Cái mất - vì thế -  không chỉ là cơ hội cảm nhận ngày xưa cũ. Mà là mất tiền ấy. Thứ mà chúng ta có bao giờ chê đâu.

Nhưng khi có ít tiền, chúng ta lại chê ngôi nhà cũ…

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top