Aa

“Cấm cửa” căn hộ dưới 45m2 có giải quyết được những lo ngại của TP.HCM?

Thứ Tư, 17/01/2018 - 06:01

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, việc không cho phép xây dựng căn hộ nhỏ dưới 45m2 không phải là giải pháp hiệu quả để giải quyết những lo ngại về tăng quy mô dân số, tăng áp lực hạ tầng, phá vỡ quy hoạch được duyệt...

Nhu cầu căn hộ dưới 45m2 là rất lớn

Theo ông Lê Hoàng Châu, tiêu chuẩn thiết kế nhà ở thương mại có diện tích tối thiểu không thấp hơn 45m2 đã được quy định "cứng" trong Luật Nhà ở 2005 nên khi áp dụng Luật vào thực tiễn thì chưa đáp ứng được nhu cầu căn hộ nhỏ, có giá vừa túi tiền của cán bộ công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang, công nhân lao động và người nhập cư của các địa phương. Nhất là tại 2 đô thị đặc biệt Hà Nội, TP.HCM và 7 đô thị loại 1, nơi mà quỹ đất phát triển nhà ở có giá trị rất cao, cần được sử dụng tiết kiệm và hiệu quả.

Do vậy, Bộ Xây dựng, UBND TP trong các năm qua cũng đã chấp thuận cho thí điểm xây dựng căn hộ chung cư thương mại có diện tích khoảng 38m2 với một tỷ lệ nhất định tại một số dự án.

Bên cạnh đó, đánh giá về nhu cầu căn hộ thương mại dưới 45m2, Chủ tịch HoREA cho rằng, hiện nay, thành phố có gần 13 triệu dân, trong đó, có khoảng 3 triệu người nhập cư, tương đương 23% dân số, mỗi năm tăng khoảng 200.000 người tương đương dân số một phường, (cao hơn tăng dân số tự nhiên, năm 2017 chỉ có hơn 63.000 cháu mới sinh) cần nhà ở giá rẻ, phần lớn trong số 500.000 sinh viên, và  khoảng 50.000 cặp kết hôn mới hàng năm cần nhà ở giá rẻ.

Qua khảo sát của Sở Xây dựng, Viện nghiên cứu phát triển thì hiện, TP có khoảng 500.000 hộ chưa có nhà, khoảng 81.000 hộ cần nhà ở xã hội trong giai đoạn 2016 - 2020.

Hàng nghìn người lao động thu nhập thấp đang phải sống trong những xóm trọ không đảm bảo về an ninh, lẫn cơ sở vật chất.

Hàng nghìn người lao động thu nhập thấp đang phải sống trong những xóm trọ không đảm bảo về an ninh, tiện ích.

Trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước tại thành phố, thì đã có khoảng 139.000 người chưa có nhà ở, trước mắt cần khoảng 80.000 căn hộ giá rẻ. Trong tổng số hơn 402.000 công nhân, lao động đang làm việc trong các khu chế xuất, khu công nghiệp của thành phố thì có đến 284.000 người (chiếm 70,6%) cần nhà giá rẻ.

Chỉ riêng khu vực nhà máy của Công ty Pou Yuen, quận Bình Tân đã có đến 100.000 công nhân lao động, hầu hết các đối tượng nêu trên đều đang phải thuê phòng trọ, nhà trọ. Các khu nhà trọ, phòng trọ được phát triển chủ yếu ở các quận vùng ven và huyện ngoại thành, tập trung nhất là tại các quận Bình Tân, Thủ Đức, Gò Vấp, Tân Bình, quận 9, quận 8, quận 12, huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi.

Ngoài các dự án ký túc xá sinh viên, nhà lưu trú công nhân chính quy, có các tiện ích và dịch vụ, đa số các khu nhà trọ, phòng trọ đều tạm bợ, thiếu tiện ích, dịch vụ, không đảm bảo an ninh, an toàn phòng cháy chữa cháy...

“Dù muốn hay không, thì dòng người nhập cư vẫn còn tiếp tục đến và ở lại TP.HCM trong nhiều năm nữa, vẫn sử dụng hệ thống hạ tầng kỹ thuật - giao thông, hạ tầng xã hội của thành phố, vẫn cần nhà ở cho đến khi các địa phương khác tạo được lực hút mới hút dòng người nhập cư, hoặc tạo được công ăn việc làm tại chỗ để giữ chân người lao động”, ông Lê Hoàng Châu nhận định.

Trên thực tế, người nhập cư sẽ thuê hoặc mua loại căn hộ nhỏ nếu Nhà nước cho phép xây dựng, hoặc phải ở trong các khu nhà trọ lụp xụp, hoặc mua nhà trong các khu phân lô bán nền tự phát của thị trường phi chính thức.

Vấn đề đặt ra là thành phố cần điều chỉnh cơ cấu nền kinh tế và có chính sách phù hợp để thu hút người nhập cư có trình độ cao và quyết liệt giảm mạnh các ngành sản xuất thâm dụng lao động để giảm nhu cầu tuyển dụng người lao động trình độ thấp. Đồng thời, cần nhìn nhận lực lượng người nhập cư là nguồn lực quan trọng góp phần vào sự phát triển và tạo nên bản sắc riêng của TP.HCM.

"Do vậy, việc giải quyết nhu cầu nhà ở với loại căn hộ nhỏ dưới 45m2, có giá vừa túi tiền cho số đông cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, cán bộ lực lượng vũ trang, sinh viên, công nhân lao động là hết sức cần thiết, cấp bách và thể hiện tính nhân văn, đùm bọc đối với người nhập cư", Chủ tịch HoREA khẳng định. 

“Cấm cửa” căn hộ dưới 45m2 cũng không giải quyết được những lo ngại của TP.HCM

Cũng theo lãnh đạo HoREA, kinh nghiệm của nhiều nước đã cho phép xây dựng căn hộ nhỏ, như Hàn quốc 14m2, Pháp 15m2, Thái Lan 15m2 trong các khu vực chung cư có đầy đủ tiện ích, dịch vụ và kết nối giao thông thuận lợi.

kinh nghiệm của nhiều nước đã cho phép xây dựng căn hộ nhỏ, như Hàn quốc 14m2, Pháp 15m2, Thái Lan 1m2

Kinh nghiệm của nhiều nước đã cho phép xây dựng căn hộ nhỏ, như Hàn quốc 14m2, Pháp 15m2, Thái Lan 15m2...

Tại TP.HCM cũng đã có những căn nhà nhỏ, căn hộ được thiết kế hợp lý chỉ với diện tích 16m2, 19m2, 36m2 trong chung cư cũng có nhiều tiện ích, dịch vụ.

Tuy nhiên, TP.HCM quan ngại việc cho phép đầu tư xây dựng nhà ở thương mại loại hình căn hộ chung cư với diện tích nhỏ sẽ thu hút người dân từ các địa phương khác đến mua căn hộ giá rẻ để ở, làm tăng quy mô dân số, phá vỡ quy hoạch được duyệt, tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đang bị quá tải.

Về vấn đề này, ông Châu cho rằng, việc không cho phép xây dựng căn hộ nhỏ dưới 45m2 không phải là giải pháp hiệu quả để giải quyết những trăn trở của TP. Vấn đề cốt lõi là cần nâng cao năng lực và hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về quy hoạch, quản lý trật tự đô thị, xác định các chỉ tiêu quy hoạch để kiểm soát dân số, mật độ xây dựng, chiều cao công trình theo pháp luật về quy hoạch xây dựng và quy hoạch chi tiết.

Hơn nữa, đến năm 2021, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên sẽ đưa vào hoạt động, hoàn thành phần còn lại của 64km đường Vành đai 2 và 89km đường Vành đai 3, kết nối đường Võ Văn Kiệt với đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương, đẩy mạnh đầu tư phát triển các khu đô thị vệ tinh… sẽ giải quyết cơ bản vấn nạn kẹt xe, ngập nước và kết nối giao thông thuận lợi.

Vì vậy, HoREA tha thiết đề nghị UBND TP.HCM cho phép xây dựng căn hộ nhỏ tại chung cư thương mại có diện tích 25 - 45m2 nhưng phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch chi tiết xây dựng, tiêu chuẩn, quy chuẩn xây dựng, kiến trúc nhà ở với tỷ lệ khoảng 25% tổng số căn hộ của chung cư tại các quận ven và huyện ngoại thành. Bởi vì đây sẽ là một trong những giải pháp cần thiết để giải quyết bài toán nhà ở hiện nay cho các tầng lớp nhân dân TP.HCM.

HoREA cũng kiến nghị Bộ Xây dựng sớm ban hành bộ tiêu chuẩn Quốc gia về nhà ở để thực hiện Luật Nhà ở, Luật Xây dựng 2014. Trong đó, HoREA đề nghị quy định về tiêu chuẩn thiết kế căn hộ chung cư thương mại có diện tích tối thiểu 25m2 tại một số khu vực phù hợp, với tỷ lệ hợp lý tùy thuộc điều kiện cụ thể của địa phương.

Trước đó, HoREA cũng đã nhiều lần gửi văn bản lên Bộ Xây dựng, UBND TP.HCM kiến nghị cho phép các doanh nghiệp xây căn hộ dưới 45m2. Tuy nhiên, UBND TP.HCM đều phản đối những đề xuất này.

Mới đây nhất, TP.HCM đã ký văn bản 5657 gửi Bộ Xây dựng, kiến nghị không cho phép xây dựng căn hộ thương mại có diện tích dưới 45m2. TP.HCM lo ngại việc đầu tư xây dựng chung cư thương mại với diện tích căn hộ dưới 45m2 sẽ tăng quy mô dân số và tăng áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phá vỡ quy hoạch được duyệt, nguy cơ xuất hiện nhà ổ chuột trên cao trong lòng đô thị.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top