Aa

Campuchia cấm xuất khẩu cát vô thời hạn

Thứ Ba, 01/08/2017 - 06:00

Đứng trước nguy cơ môi trường bị tàn phá nghiêm trọng, Campuchia đã ra lệnh cấm khai thác cát quy mô lớn và cấm xuất khẩu cát vô thời hạn.

Việc nạo vét cát dọc theo bờ biển Campuchia đã càn quét sạch các bãi biển, tàn phá rừng ngập mặn và phá hủy các ngôi làng ven sông. Không chỉ vậy, việc dầu từ sà lan hút cát và máy đào nạo vét rỏ rỉ ra nguồn nước đã tiêu diệt số lượng lớn các loài thủy sinh, ảnh hưởng đến công ăn việc làm của những người dân làng chài.

Tất cả những lý do này đã khiến Bộ Mỏ và Năng lượng Campuchia lên tiếng cấm xuất khẩu cát vô thời hạn. Phát ngôn viên của Bộ - Meng Saktheara trả lời trên Reuters: “Những lo lắng về môi trường là có thực và tiềm ẩn nhiều rủi ro, chính vì vậy Bộ Mỏ và Năng lượng đã quyết định cấm xuất khẩu cát và nạo vét quy mô lớn”.

Theo thông báo của Liên Hợp Quốc, thông báo của Campuchia sẽ ảnh hưởng đến Singapore bởi suốt hơn 10 năm qua, đảo quốc sư tử đã nhập khẩu khoảng hơn 72 triệu tấn cát từ Campuchia, với giá trị khoảng 740 triệu USD.

Tuy nhiên, chính phủ Campuchia lại báo cáo rằng trong khoảng thời gian đó, Singapore chị nhập khẩu khoảng 16 triệu tấn cát từ quốc gia này.

Sau lệnh cấm tạm thời ngừng xuất khẩu cát vào tháng 11 của Campuchia, Singapore cũng đã ngừng nhập khẩu cát từ quốc gia này.

Tuy nhiên, các nhà hoạt động môi trường tại Campuchia cho rằng lệnh cấm gần như không có tác dụng với các nhà thầu.”Cát vẫn đang được nạo vét, chúng ta có chắc rằng số lượng cát đó sẽ không được xuất khẩu?”, Lim Kimsor - thành viên tổ chức phi lợi nhuận Mother Nature Cambodia đặt câu hỏi.

Tuy vậy, theo một chiều hướng tích cực, ông Alejandro Gonzalez-Davidson - giám đốc của nhóm này cho rằng lệnh cấm xuất khẩu cát của chính phủ sẽ tạo nên sự khác biệt và ngăn cản các công ty khai thác tiếp tục xuất khẩu. Việc này dù có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường vật liệu xây dựng của các các nước “khách hàng” nhưng lại giúp phần nào giải quyết được câu chuyện môi trường của quốc gia.

Đối với Việt Nam, những năm gần đây nhu cầu sử dụng cát đang có chiều hướng gia tăng mạnh mẽ, nếu trong năm 2015, nhu cầu sử dụng cát chỉ vào khoảng 92 triệu m3, thì đến năm 2020 nhu cầu này sẽ tăng lên đến 130 triệu m3. Trong khi đó, tổng tài nguyên cát của Việt Nam ước khoảng 2,3 tỷ m3, đáp ứng 60 - 65% nhu cầu của các thành phố lớn.

Chính vì vậy, thời gian gần đây nhiều công ty đã có công văn gửi về Bộ Xây dựng đề nghị được hướng dẫn nhập khẩu cát xây dựng từ Campuchia về Việt Nam. Bộ Xây dựng sau đó cũng đã công văn đề xuất Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho ý kiến về đề xuất nhập khẩu cát xây dựng nhằm giảm bớt áp lực cân đối cung cầu hiện nay. Việc này cũng gặp phải nhiều ý kiến trái chiều, trong đó phần lớn chuyên gia đều phản đối dựa trên xem xét về các ảnh hưởng đến môi trường của việc hút cát đặc biệt là hút cát ở Campuchia có thể ảnh hưởng đến khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top