Aa

Cán bộ “ăn chặn” tiền đền bù của dân lại còn xin biếu không đất cho doanh nghiệp

Thứ Bảy, 18/04/2020 - 13:15

Sau khi xin biếu không hàng chục nghìn mét vuông đất cho doanh nghiệp, cán bộ xã Quảng Hợp (giai đoạn 2010 - 2015) còn "ăn chặn" tiền bồi thường của dân để chi tiêu vào việc mua sắm...

Không ít vụ việc vi phạm liên quan tới vấn đề quản lý đất đai tại nhiều tỉnh, thành phố thời gian qua được cơ quan chức năng, báo chí, dư luận phanh phui. Trong số đó, nhiều cán bộ quản lý lợi dụng chức vụ để tư lợi đã bị xử lý thích đáng theo quy định pháp luật. Song song đó, dư luận còn đặt câu hỏi về "lợi ích nhóm" xung quanh vấn đề quản lý Nhà nước về lĩnh vực được cho là hết sức nhạy cảm này.

Câu chuyện về quản lý đất đai tại xã Quảng Hợp, Huyện Quảng Xương, Thanh Hóa (có lẽ) một phần nào đó giúp dư luận giải đáp những băn khoăn nêu trên. 

Xã xin “biếu không” cho doanh nghiệp hàng chục nghìn m2 đất

Dự án đầu tư khu sản xuất may tại xã Quảng Hợp, Quảng Xương, Thanh Hóa được Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận địa điểm đầu tư cho Công ty TNHH 888 năm 2012. Tiếp đó, UBND Huyện Quảng Xương đã có quyết định về việc thu hồi đất để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng xây dựng công trình này. Theo đó, thu hồi 69.612,5m2 đất công ích trong tổng số 77.222m2 đất để thực hiện việc bồi thường giải phóng mặt bằng xây dựng khu sản xuất máy – Công ty TNHH 888.

Ngày 10/12/2012, UBND xã Quảng Hợp có công văn số 05/UBND-VP gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa về việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp được hoàn thiện các thủ tục giao đất, cho thuê đất với nội dung: “Toàn bộ diện tích giao cho Công ty TNHH 888 là 77.222m2, diện tích này doanh nghiệp không phải bồi thường, giải phóng mặt bằng”. Theo UBND xã Quảng Hợp, đây là việc thực hiện chủ trương của xã về tạo điều kiện kêu gọi doanh nghiệp vào đầu tư dự án, tạo công ăn việc làm, hỗ trợ phát triển kinh tế địa phương.

Tuy nhiên, theo Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa, việc UBND xã Quảng Hợp báo cáo toàn bộ khu đất thực hiện dự án may của Công ty TNHH 888 không phải bồi thường, giải phóng mặt bằng là chưa đúng quy định tại Khoản 7, Điều 2, Quyết định số 3788/2009/QĐ-UBND ngày 23/10/2009 của UBND tỉnh Thanh Hóa về việc quy định chính sách hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. 

"Theo quy định này, trường hợp đất thu hồi thuộc quỹ đất công ích của xã, phường, thị trấn, thì được hỗ trợ bằng 70% mức bồi thường theo loại đất bị thu hồi; tiền hỗ trợ được nộp vào ngân sách Nhà nước và cân đối so với dự toán ngân sách hằng năm của xã, thị trấn…".
Công ty TNHH 888. 

Mặt khác, theo cơ quan cảnh sát điều tra, Công an tỉnh Thanh Hóa, qua kiểm tra, trong hồ sơ cho thuê đất của Sở Tài nguyên và Môi trường, và hệ thống văn bản lưu của UBND xã Quảng Hợp, thì HĐND và UBND xã Quảng Hợp không có chủ trương nào về việc miễn tiền hỗ trợ đất công ích đối với Công ty TNHH 888. Ngân sách UBND xã Quảng Hợp cũng không thể hiện khoản thu nào liên quan đến tiền hỗ trợ đất công ích sau khi thu hồi đất để giao cho Công ty TNHH 888.

Hội đồng Nhân dân huyện Quảng Xương cũng không có nghị quyết nào về việc miễn tiền hỗ trợ đất công ích đối với Công ty TNHH 888. Điều này đồng nghĩa với việc, ngân sách có thể mất nguồn thu khi xã Quảng Hợp xin "biếu không"  hàng chục nghìn m2 đất công ích cho doanh nghiệp tại thời điểm nêu trên?

Về việc UBND Huyện Quảng Xương đã có quyết định về việc thu hồi đất để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng xây dựng dự án, Sở Tài nguyên và môi trường Thanh Hóa cho rằng, đây là việc làm không đúng quy định của pháp luật đất đai (theo quy định của pháp luật đất đai, thẩm quyền thu hồi các loại đất này của UBND tỉnh).

Mặt khác, việc Công ty TNHH 888 tự đầu tư xây dựng công trình khi chưa được UBND tỉnh Thanh Hóa cho thuê đất là không đúng quy định của pháp luật đất đai.

Tuy nhiên, theo Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa, dự án này phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nên đã được duyệt. Tiếp đó, cơ quan này đã có tờ trình số gửi UBND tỉnh Thanh Hóa về việc thu hồi đất do UBND xã Quảng Hợp quản lý cho Công ty TNHH 888 thuê đất tại xã Quảng Hợp, Quảng Xương để sử dụng vào mục đích xây dựng khu sản xuất may. Theo đề nghị này, năm 2013, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có quyết định về việc thu hồi đất do UBND xã Quảng Hợp quản lý và cho Công ty TNHH 888 thuê đất tại xã Quảng Hợp, Huyện Quảng Xương để sử dụng vào mục đích xây dựng khu sản xuất may.

“Ăn chặn” tiền bồi thường của dân để chi tiêu

Xác minh hồ sơ quản lý đất đai tại xã Quảng Hợp cho thấy, trong tổng diện tích 77.222m2 đất thu hồi cho Công ty TNHH 888 thuê trong đó có 16.544m2 đất nông nghiệp của 19 hộ dân đã được Nhà nước giao cơ bản theo Nghị định 64/CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ. Như vậy, việc lập hồ sơ đề nghị thu hồi 77.222m2 đất do UBND xã Quảng Hợp quản lý bao gồm cả 16.544m2 đất nông nghiệp đã được giao cơ bản của người dân để cho Công ty TNHH 888 thuê là không chính xác.

Điều khó hiểu là, dự án này không thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất, thế nhưng UBND xã Quảng Hợp lại tự ý đứng ra tự thỏa thuận với Công ty TNHH 888 và các hộ dân về mức bồi thường. Tại kết luận nội dung tố cáo ông Đỗ Ngọc Toàn, UBND Huyện Quảng Xương nêu rõ, đối với diện tích 16.544m2 đất nông nghiệp giao cơ bản cho 19 hộ dân, Công ty TNHH 888 được nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất, không thuộc trường hợp nhà nước thu hồi đất. Việc UBND xã Quảng Hợp đứng ra thỏa thuận với công ty trên và các hộ dân về mức bồi thường là hành vi trái quy định tại Khoản 2, Điều 40, Luật Đất đai năm 2003; Khoản 2, Điều 28, Nghị định 69/NĐ-CP ngày 13/8/2009 của Chính phủ quy định về việc giao đất cho thuê đất đối với dự án đầu tư. 

Sau khi “thay mặt” dân thỏa thuận và nhận khoản tiền đền bù 857.625.000 đồng từ Công ty TNHH 888, UBND xã Quảng Hợp lại tổ chức thỏa thuận với dân có đất bị thu hồi, chi trả bồi thường cho các hộ số tiền 609.798.000 đồng. Số tiền cán bộ xã "ăn chênh" 247.978.000 đồng còn lại không được theo dõi trên sổ sách. Số tiền này được dùng vào việc mua xe tải 500kg nhãn hiệu Vinaxuki phục vụ cho hoạt động của đội quy tắc xã với số tiền 124.000.000 đồng; chi xây dựng hòn non bộ trong khuôn viên Công sở xã Quảng Hợp với số tiền 123.790.000 đồng. UBND huyện Quảng Xương cho rằng, đây là hành vi trái với quy định khoản 3, Điều 14, Luật Kế toán năm 2003.

Sau khi công dân có đơn khiếu kiện về số tiền bồi thường còn thiếu (247.978.000 đồng), ông Đỗ Ngọc Toàn - Chủ tịch UBND xã Quảng Hợp giai đoạn 2010 - 2015 đã vay tiền của một số cá nhân để chi trả số tiền còn thiếu cho 19 hộ nhưng lại nói dối dân rằng: “Công ty TNHH 888 đồng ý hỗ trợ thêm số tiền 247.978.000 đồng cho các hộ”.

Đến năm 2018, các hộ dân lại tiếp tục có thắc mắc về mức chi trả bồi thường, Chủ tịch UBND Huyện Quảng Xương đã đối thoại với các hộ dân và chỉ đạo các ngành rà soát lại, thực hiện bồi thường cho các hộ đúng theo quy định. Sau khi cho kiểm tra, rà soát, phòng Tài chính và Kế hoạch đã tính toán lại mức bồi thường đơn giá theo quyết định 3162/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thanh Hóa. Căn cứ vào quy định này, Công ty TNHH 888 đã chuyển tiếp số tiền còn thiếu cho dân là 1.150.995.000 đồng.

Những vi phạm trong công tác quản lý đất đai của cán bộ xã Quảng Hợp, huyện Quảng Xương (giai đoạn 2010 - 2015), tính pháp lý và dấu hiệu vi phạm trong việc cho Công ty TNHH 888 thuê đất tại dự án này sẽ được chúng tôi thông tin chi tiết ở bài viết sau. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top