Aa

"Cần cân nhắc lộ trình và phân nhóm doanh nghiệp phát hành trái phiếu khi thực hiện xếp hạng tín nhiệm"

Thứ Ba, 05/12/2023 - 06:08

Theo TS. Cấn Văn Lực, sắp tới khi Nghị định 08/2023 hết hiệu lực và trở lại áp dụng Nghị định 65/2022, chính sách đối với TPDN nên có lộ trình phù hợp và cần cân đối để tiếp tục kiến tạo cho thị trường phát triển.

Tập trung nhiều hơn vào cải thiện việc thực thi, giám sát chính sách thay vì sửa đổi chính sách

Thời gian qua, trên thị trường đã xuất hiện một số doanh nghiệp phát hành trái phiếu làm ăn phi pháp, thậm chí bị xử lý hình sự, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới niềm tin của nhà đầu tư với thị trường và các doanh nghiệp phát hành trái phiếu làm ăn chân chính.

Phát biểu tại Tọa đàm: "Thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiệu quả, an toàn, bền vững" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 4/12, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, nhìn từ góc độ người tham mưu và làm chính sách, các trường hợp vi phạm pháp luật trong phát hành trái phiếu thời gian qua là điều rất đáng tiếc, có ảnh hưởng, thậm chí có những giai đoạn ảnh hưởng rất lớn tới niềm tin thị trường, đến việc phát hành, thanh khoản. Không những vậy, còn ảnh hưởng tới cả hoạt động sản xuất kinh doanh và nền kinh tế. 

Ông Phan Đức Hiếu, Đại biểu Quốc hội, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (bên trái). Ảnh: VGP/Nhật Bắc

“Vi phạm thì phải xử lý nghiêm và xử lý nhanh, kịp thời, đó là điều quan trọng nhất. Nhưng nhìn ở chiều tích cực, theo tôi, chính một số trường hợp vi phạm như vừa qua cộng với một số hạn chế đã cho chúng ta rất nhiều bài học quý giá, cả cho người làm chính sách và người đầu tư mua trái phiếu”, ông Phan Đức Hiếu nhìn nhận. 

Theo chuyên gia, đối với người làm chính sách, từ những vi phạm vừa qua, có một số vấn đề cần lưu ý.

Thứ nhất, về vi phạm pháp luật, đầu tiên phải hiểu nguyên nhân trước hết là do thực thi pháp luật. Nếu do khâu thực thi thì phải tập trung nhiều hơn vào cải thiện việc thực thi, giám sát chính sách, chứ không phải sửa đổi chính sách. 

“Theo tôi, những chỉ đạo vừa qua rất hợp lý, như tăng cường giám sát, kịp thời đưa ra các kênh, minh bạch hóa xây dựng thị trường giao dịch trái phiếu. Đây là điều rất tốt”, ông Phan Đức Hiếu đánh giá. 

Thứ hai, trong thời gian tới, từ những sự kiện vừa qua, xuất hiện nhu cầu hoàn thiện pháp luật. Ví dụ, cần rõ ràng hơn về quyền, trách nhiệm của nhà đầu tư, của người phát hành trong trường hợp phát hành trái phiếu bị vi phạm. Như vậy, nhà đầu tư biết khi xảy ra trường hợp này, họ có quyền và lợi ích gì và khi không thanh khoản được trái phiếu do rủi ro của thị trường thì quyền và lợi ích của nhà đầu tư như thế nào. Nhờ đó, nhà đầu tư có thêm kênh để đưa ra quyết định. 

“Đặc biệt, sau câu chuyện này, không phải chỉ thị trường trái phiếu mà khung pháp luật và thể chế sắp tới cần nâng cao chất lượng về hoạt động của doanh nghiệp”, ông Hiếu cho hay.  

Thứ ba, rõ ràng bản thân nhà đầu tư cần tự rút ra bài học, thậm chí phải ra quyết định đầu tư nâng cao tính chuyên nghiệp, chuyên môn của mình.

Trong những sự cố vừa qua, có những mặt hạn chế, có những tác động không mong muốn nhưng nhiều bài học cũng đã được rút ra và hiện nay, nhiều chính sách đã đi vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy hoạt động thị trường trái phiếu. 

Còn theo bà Nguyễn Ngọc Anh, Tổng Giám đốc Công ty Quản lý Quỹ SSI, với thị trường trái phiếu hay bất kỳ thị trường nào, đều phải trải qua giai đoạn phát triển và những vấp váp để chỉnh sửa lại những quy định, chính sách và chuẩn chỉnh hóa quá trình phát triển của mình. Có thể nói đây cũng là những cú vấp mang tính chất tương đối tất yếu.

Các khách mời tham dự Tọa đàm. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nếu nhìn ở khía cạnh trái phiếu là sản phẩm đi vay và cho vay, nếu ngân hàng có tỷ lệ nợ xấu nhất định thì thị trường trái phiếu cũng vận động theo nguyên tắc chung như vậy. Chỉ với khía cạnh nhà đầu tư là những người thực hiện mua trái phiếu cần kiến thức đầy đủ và được tiếp cận nguồn thông tin đầy đủ trên cơ sở khuôn khổ pháp lý hoàn chỉnh.

Trong thời gian vừa qua, có một số doanh nghiệp làm ăn phi pháp, bị xử lý hình sự, ảnh hưởng tới niềm tin của nhà đầu tư đối với thị trường trái phiếu. Cũng phải nhìn nhận với những doanh nghiệp này, vi phạm về trái phiếu là một phần các vi phạm của họ trong nhiều lĩnh vực khác nhau.

Theo bà Nguyễn Ngọc Anh, phải xác định đây là số ít nếu so với toàn bộ quy mô thị trường và việc xử lý cho tới thời điểm này là quyết tâm rất lớn của Đảng và Nhà nước, xử lý đến cùng tất cả các trường hợp vi phạm. 

Và những trường hợp vi phạm này chủ yếu rơi vào tổ chức phát hành cố tình thực hiện các hoạt động phát hành không đúng mục đích, không đúng đối tượng phát hành. Bên cạnh đó, một số tổ chức tài chính trung gian có thể vô tình hoặc cố tình cũng có những sai phạm nhất định trong quá trình làm hồ sơ và phân phối trái phiếu đến tay những người chưa đủ tiêu chuẩn mua trái phiếu.

"Tất cả những điều này là cơ sở, nền tảng để các bên cùng ngồi lại và chuẩn hóa lại khuôn khổ pháp lý. Tôi cho rằng, cái sai này là một cú va vấp có thể xảy ra ở tất cả các thị trường trong quá trình phát triển của mình. Sau cú va vấp này, chúng ta đã rút ra kinh nghiệm và tránh được tối đa va vấp ở quy mô lớn hơn", bà Ngọc Anh nêu quan điểm.

Cần thúc đẩy sản phẩm mới trên thị trường trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu xanh

Để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững hơn trong thời gian tới, Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực đã đề xuất một số giải pháp trọng tâm, cụ thể: 

Thứ nhất, cần tiếp tục quan tâm hoàn thiện thể chế, chính sách.

Theo TS. Cấn Văn Lực, Nghị định 08/2023/NĐ-CP của Chính phủ chính là quyết sách chưa từng có tiền lệ và mang lại hiệu quả cao, đặc biệt là cơ chế giãn, hoãn nợ trái phiếu và cơ chế cho hoán đổi tiền - hàng (đổi trái phiếu doanh nghiệp sang bất động sản). Đồng thời, đây cũng là tháo gỡ rất quan trọng cho thị trường bất động sản. Tuy nhiên, hiện nay Nghị định số 08 chuẩn bị hết hiệu lực và sắp tới sẽ quay trở lại áp dụng Nghị định số 65/2022/NĐ-CP của Chính phủ. 

“Do đó, chính sách nên có lộ trình, có cân đối để tiếp tục kiến tạo cho thị trường phát triển. Ví dụ như quy định xếp hạng tín nhiệm đối với đơn vị phát hành tới đây nên có lộ trình áp dụng phù hợp. Vì hiện nay trên thị trường mới chỉ có ba tổ chức xếp hạng", ông Lực khuyến nghị.

Đặc biệt, TS. Cấn Văn Lực cho rằng, cần phải phân nhóm theo từng lĩnh vực ngành nghề, nhóm nào cần xếp hạng tín nhiệm và nhóm nào không cần xếp hạng tín nhiệm. Ví dụ, đối với nhóm ngân hàng thương mại, không cần xếp hạng tín nhiệm vì họ phát hành mục đích rất rõ là để tăng vốn cấp hai, đồng thời các ngân hàng cũng được quản lý chặt chẽ các hệ số an toàn bởi Nhà nước. 

TS. Cấn Văn Lực chia sẻ về các nhóm giải pháp khắc phục những rào cản cho sự phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thứ hai, đa dạng hóa sản phẩm trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. 

“Hiện nay cơ bản chỉ có mỗi trái phiếu doanh nghiệp, còn trái phiếu xanh, trái phiếu công trình, trái phiếu bền vững, trái phiếu xã hội thì sao? Tôi rất muốn chúng ta nhân cơ hội này thúc đẩy những sản phẩm mới trên thị trường trái phiếu”, ông Lực đề xuất.

Giải pháp thứ ba là đa dạng hóa cơ sở nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư chuyên nghiệp. 

Hiện nay, nhà đầu tư tổ chức chưa có nhiều, do đó, TS. Cấn Văn Lực hy vọng thị trường có thể thúc đẩy để có nhiều nhà đầu tư tổ chức hơn, đặc biệt là quỹ đầu tư. Quỹ đầu tư vô cùng quan trọng, ví dụ như: Quỹ đầu tư, quỹ hưu trí… là cách thu hút đầu tư của xã hội, của nhà đầu tư.

Giải pháp thứ tư là nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin và dữ liệu. 

“Tôi cho rằng, vấn đề này là hồn cốt vô cùng quan trọng để chúng ta phát triển thị trường trái phiếu. Đặc biệt, cần đơn giản hóa quy trình thủ tục phát hành ra công chúng. Hiện nay, rõ ràng quy trình thủ tục còn phức tạp, thời gian phê duyệt hơi lâu nên nhà phát hành còn ngại khi xin làm hồ sơ để phát hành ra công chúng”, ông Lực cho hay. 

Cuối cùng, là giải pháp về tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, đặc biệt là năng lực, công cụ cho đội ngũ này. Thời gian vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước rất cố gắng. Tuy nhiên, đội ngũ, năng lực về thanh tra, kiểm tra, giám sát vẫn tồn tại những hạn chế nhất định nên cần củng cố thêm vấn đề này./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top