Aa

Cần lắm những mảng xanh

Chủ Nhật, 06/05/2018 - 07:02

“Hà Nội những năm 2000. Trời xanh Thăng Long bay lên. Nhà cao vươn trong mây xanh. Phố vẫn nhỏ con đường cũng nhỏ. Để em bước trong phố vàng…” - đó là những ca từ của Ca khúc “Hà Nội những năm 2000” của nhạc sĩ Trần Tiến.

Những ngày cuối tuần, tôi hay tranh thủ để đưa cậu con nhỏ đi chơi loanh quanh trong thành phố, điểm đến ưu tiên đương nhiên là các công viên, phố đi bộ… Chiều trước, khi đang bí điểm đến, hai bố con cứ chạy xe lòng vòng thì tôi chợt phát hiện cách chỗ mình ở không xa, một công viên khá đẹp đang dần hoàn thiện. Đó là công viên trên con phố Hoàng Minh Giám.

Lâu nay, người ta hay nói về sự quá tải của nội đô, của những con đường oằn mình gánh cao ốc. Cũng như nhiều thị dân khác, tôi cảm khá rõ điều này. Có đận, khi dừng xe ngay ngã tư đèn đỏ, hai cậu thanh niên bên cạnh hồn nhiên chế: “Hà Nội, chỗ nào cũng chật, chỉ có sướng nhất, ngoại thành thôi”.

Ờ, nghe ngộ ngộ mà cũng đúng. Lời nhạc bài hát Ngẫu hứng phố của nhạc sĩ Trần Tiến dẫu bị xiên xẹo đi nhiều, nhưng kẻ hát lên nó cũng cho thấy góc nhìn khá thú vị về phố thị. Tôi ngước mặt lên trời, quả thật, đến thứ mênh mang vô tận như vậy dường như giờ cũng bị bó hẹp lại, một khoảng xanh có giới hạn và chòm mây trắng bay vào ngày đầu hạ như báo hiệu một mùa Hè rực lửa sắp tới, nhất là với bê tông, cao ốc và chi chít người và phương tiện.

Cách đây đúng chục năm, tôi có dịp qua Thượng Hải (Trung Quốc), trong trí nhớ mơ hồ của cái tuổi đã toan về già, tôi nhớ mơ màng, ngày đó, cô hướng dẫn viên có khoe, Thượng Hải là châu Âu trong lòng châu Á, với Trung tâm Tài chính Thượng Hải cao thứ 4 thế giới (ở thời điểm đó), với hàng chục nghìn nhà cao tầng. Tôi và nhiều du khách Việt Nam có vẻ bị ngợp. Anh bạn cùng đoàn mơ ước: “Chẳng biết bao giờ mình mới được như họ nhỉ”.

Ngày đó, đem theo tâm lý lạc hậu cố hữu của kẻ quen với lũy tre làng, tôi cũng nghĩ vậy và thầm nhẩm tính, có khi phải vài chục, hay lâu năm hơn nữa, Hà Nội mới “hiện đại” như vậy.

Nhưng chiều hôm trước, khi phải lang thang tìm một chỗ chơi cho con trẻ, tôi lại thấy mình thật ngớ ngẩn. Hà Nội bây giờ vẫn chưa thực là một mega city nếu so với các thành phố lớn trong khu vực, nhưng đã chật chội lắm rồi. Vì vậy, giờ đây tôi lại ước, Thủ đô thật cây, nhiều bóng mát, thật lắm công viên, nơi để cả cu nhóc và tôi được dịp hít thở cái bầu không khí mát lành, êm dịu.

Nhiều khi, tôi thấy dân ta thực khổ. Ngay cả đi công viên cũng vẫn hấp tấp, vội vàng. Thi thoảng vẫn có những cảnh lãng mạn như trong thơ, trong nhạc, nhưng chẳng nhiều.

Cách đây ít lâu, tôi có dịp về quê anh bạn. Một vùng quê cách Hà Nội ngót 60 km. Tại nhiều bờ ao, hồ, mướt mắt một màu xanh. Phần lớn đều là các loại cây, hoa như xanh táo, hoa đầu rồng, tỷ muội, loa kèn, hoa bướm, hoa Mãn Đình Hồng…. Được biết, để có được không gian nên thơ này, đi đầu và gương mẫu không ai khác là các cụ cao niên. Người góp công, góp sức, người cấp giống hoa, hạt hoa. Mọi người cùng chung tay kiến thiết nên những con đường hoa thật đẹp, tạo cảnh quan cho cả khu dân cư.

Nhìn những đường hoa đầy màu sắc, đẹp chẳng kém gì các resort cao cấp, tôi chợt nhận ra, nhu cầu, ham muốn về cái đẹp ở đâu cũng vậy, người nào cũng có, chẳng kể dân nông thôn hay người thành phố. Và có lẽ, với người quê còn chân lấm, tay bùn, dù đã sở hữu rất nhiều không gian xanh, thì việc bảo ban nhau để tạo nên các mảng xanh thật đẹp lại càng đáng trân trọng hơn nhiều.

Quay lại câu chuyện của Hà Nội. Mỗi khi có thêm một công viên được đưa vào sử dụng, đều nhận được sự chào đón nhiệt tình của người dân. Tuy nhiên, nói một cách khách quan, khả năng tiếp cận các không gian xanh nơi công cộng, đặc biệt đối với phụ nữ, trẻ em, người già và người khuyết tật còn nhiều hạn chế.Cách đây ít lâu, trong hội nghị cấp thành phố về việc Tạo lập không gian sống chuẩn mực, một vị nguyên lãnh đạo Bộ Xây dựng từng đề xuất: “Theo tôi, các công viên ở Hà Nội phải bỏ hết hàng rào để tăng khả năng tiếp cận cho mọi người. Hàng rào là sản phẩm cũ và không còn thích hợp khi nó vừa mất mỹ quan, vừa hạn chế người dân ra vào công viên”.

Thiết nghĩ, đây cũng là một ý kiến đáng để suy ngẫm.

Một báo cáo gần đây của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã tổng kết các biện pháp làm tăng không gian xanh, từ những hàng cây trên đường phố, các vườn nhỏ, đến những khoảng không lớn hơn như công viên và các vành đai xanh.

Báo cáo chỉ rõ, các nhà quy hoạch đô thị cần có tầm nhìn vượt ra ngoài các công viên truyền thống, nhằm đáp ứng nhu cầu về không gian xanh tại các đô thị đang phát triển và việc mở rộng không gian xanh đô thị sẽ có hiệu quả nhất khi hoạt động cải tạo môi trường có sự tham gia của cộng đồng dân cư.

Theo các chuyên gia, lợi ích của không gian xanh không chỉ đo lường thông qua các giá trị tiền tệ được định giá cụ thể trên thị trường, mà còn được đánh giá thông qua các giá trị phi thị trường mà không gian xanh đem lại. Nói cách khác, giá trị và vai trò của không gian xanh có thể chưa đo được bằng tiền, bằng các hạch toán về kinh tế, nhất là ở Việt Nam, vì chúng ta chưa có nghiên cứu tổng thể về vấn đề này.

Hà Nội đang thiếu công viên và hạn chế khả năng tiếp cận của người dân.

Hà Nội đang thiếu công viên và hạn chế khả năng tiếp cận của người dân.

Tuy nhiên, giá trị của không gian xanh dù không được thể hiện trực tiếp trong các hoạt động mua bán, nhưng lại đóng góp không nhỏ vào phúc lợi của người dân.

Tốc độ đô thị hóa nhanh, gia tăng dân số cơ học lớn khiến các đô thị của Việt Nam đang chịu áp lực nặng nề về chất lượng không gian sống. Không gian xanh được coi là giải pháp quan trọng để tăng chất lượng bầu không khí, góp phần tạo lập không gian sống văn minh, chuẩn mực. Xu hướng sống xanh là sống sang cũng đang trở thành xu thế được cả chủ đầu tư và các khách hàng quan tâm.

Nhu cầu về không gian xanh đang ngày càng lớn và nhận được sự quan tâm của nhiều người. Có lẽ, đã đến lúc, không gian xanh từ nhà ra phố cần được quan tâm và khuyến khích nhiều hơn. Sự ủng hộ của người dân hầu như là sẵn có, điều cần thiết là có các hình thức thực hiện, phương án truyền thông để mọi người hứng khởi và hưởng ứng mà thôi.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top