Aa

“Cân lực” của các ngân hàng với sự biến động từ giá chào sàn

Việt Khoa
Việt Khoa tranvietkhoa1987@gmail.com
Thứ Hai, 02/04/2018 - 07:02

Kể từ năm 2006 khi ngân hàng đầu tiên là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (STB) niêm yết trên sàn chứng khoán, thì tính đến thời điểm hiện tại, đã có 16 ngân hàng gia nhập vào thị trường chứng khoán, theo thống kê của Công ty CP Chứng khoán TP.HCM (HSC).

Hơn 13 năm qua, giá cổ phiếu của các ngân hàng đã có sự phân hóa rõ rệt với nhiều mã khởi điểm trung bình nhưng vươn lên dẫn đầu dòng bank như VCB, VPB. Ngược lại, thị trường chứng khoán ghi nhận nhiều mã cổ phiếu ngân hàng trở nên “đuối sức” trong cuộc canh tranh khốc liệt về giá và quá trình vốn hóa.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín (STB) được biết đến là ngân hàng đầu tiên niêm yết trên HoSE vào ngày 12/7/2006. Giá đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên của STB là 78.000 đồng/cp.

Bảng biến động giá của STB.

Bảng biến động giá của STB.

Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB) là ngân hàng thứ 2 tham gia niêm yết trên sàn chứng khoán vào tháng 11/2006 với mức giá đóng cửa phiên giao dịch đầu tiên là 130.200 đồng/cp. Kể từ năm đầu tiên, ACB tiếp tục trở thành ngân hàng “sáng giá” trong nhóm ngân hàng khi thường xuyên dẫn đầu về mức giá. Song đến thời điểm hiện tại, mức giá của cổ phiếu ACB chỉ dao động ở mức 46.700 đồng/cp (giá đóng cửa ngày 30/3).

Tiếp đến, tháng 6/2009, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB) là ngân hàng cổ phần Nhà nước đầu tiên chính thức niêm yết trên sàn HoSE với mức giá tham chiếu 50.000 đồng/cp. Ngay trong ngày đầu tiên, VCB đã cán mốc kịch trần 60.000 đồng/cp. Hiện tại, VCB tiếp tục là ngân hàng dẫn đầu về giá và là ngân hàng duy nhất có giá trị vốn hóa trên 10 tỷ USD, bằng cả CTG và BID cộng lại.

Ngay sau VCB là CTG chào sàn với mức giá 40.100 đồng/cp trong phiên giao dịch đầu tiên song mức giá của CTG hiện giảm ở mức 34.600 đồng/cp (giá đóng cửa ngày 30/03).

Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BID) thuộc nhóm Big 4 cán mốc 18.800 đồng/cp trong phiên giao dịch đầu tiên vào tháng 1/2014. Đến ngày 30/3 vừa qua, giá cổ phiếu của ngân hàng này đã đạt 43.400 đồng/cp (tăng 130,8% so với thời điểm tham gia niêm yết).

Năm 2017 chứng kiến làn sóng các ngân hàng lên sàn chứng khoán khiến số lượng cổ phiếu giao dịch trên các sàn HOSE, HNX và UpCom tăng lên gấp đôi. VIB, Kienlongbank, VPBank và LienVietPostBank là những ngân hàng đã đưa cổ phiếu giao dịch trên sàn trong năm 2017. Trong đó, chỉ VPBank lên sàn chính thức HoSE, 3 ngân hàng còn lại có mặt tại UPCoM.

VIB là ngân hàng đầu tiên lên sàn năm 2017 với giá khởi điểm 17.000 đồng/cp. Giá đóng cửa trong phiên giao dịch đầu tiên đạt 18.500 đồng/cp. Sau hơn 1 năm tham gia vào sàn UpCom, giá cổ phiếu của VIB liên tục tăng và hiện tại giao dịch ở cự điểm 40.500 đồng/cp (giá niêm yết ngày 30/03).

Tiếp đến là KLB của Kienlongbank chào sàn với giá đúng bằng mệnh giá là 10.000 đồng/cp. Tuy nhiên, KLB vẫn chưa có sự bứt phá khi có thời điểm mức giá “khá đuối” chỉ đạt 8.000 đồng/cp. Hiện tại KLB đang có dấu hiệu phục hồi trở lại nhưng dao động quanh mức chào sàn ban đầu.

Năm 2017 gây ấn tượng với sự biến động của của VPBank khi cổ phiếu này tham gia niêm yết trên HoSE. VPB được coi là một “hiện tượng” của không chỉ ngành ngân hàng mà trong giới doanh nghiệp nói chung khi nhà đầu tư ngoại cực kỳ quan tâm đến ngân hàng trẻ tuổi này.

Bảng biến động giá cổ phiếu của VCB.

Bảng biến động giá cổ phiếu của VPB.

Bảng biến động giá cổ phiếu của VPB.

Bảng biến động giá cổ phiếu của VPB.

Giá chào sàn của VPB là 39.000 đồng/cp, vượt mặt Vietcombank và trở thành cổ phiếu ngân hàng “đắt” nhất trên cả 3 sàn vào ngày đầu tiên. Tuy nhiên, phải mất một thời gian ngắn hạn, cổ phiếu VPB mới quay lại điểm xuất phát sau nhiều phiên hạ. Đến hiện tại, VPB tiếp tục được coi là điểm sáng trong dòng bank khi có giá trị cổ phiếu đạt 64.000 đồng/cp, cao nhất trong các ngân hàng tư nhân và chỉ đứng sau ngân hàng có vốn hóa lớn nhất là VCB.

Đầu năm 2018, hàng loạt các ngân hàng tư nhân lại rục rịch lên sàn. HDBank là ngân hàng mở màn đầu tiên tham gia niêm yết trên sàn chứng khoán. Theo đó, vào ngày 5/1, 980 triệu cổ phiếu của HDBank (HDB) lên sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) với mức giá khởi điểm 33.000 đồng/cp. Giá đóng cửa phiên trong ngày giao dịch đầu tiên của mã cổ phiếu HDB là 39.600 đống/cp, tăng 20% so với giá chào sàn.

Mới đây, lãnh đạo của TPBank thông báo, dự kiến ngày 19/4, TPBank sẽ lên sàn HOSE với lượng đăng ký niêm yết là 555 triệu cổ phiếu (chiếm 95% số cổ phần đã phát hành). Mức giá chào sàn mà TPB đưa ra là 32.000 đồng/cp.

Trước đó không lâu, sau kỳ đại hội cổ đông thông báo mức lãi “khủng” đạt 8.036 tỷ đồng năm 2017, Techcombank gây “sốc” giới đầu tư khi được đại gia ngoại rót 8.400 tỷ đồng mua cổ phần.

Với thông tin chuẩn bị niêm yết trên sàn của Techcombank, Công ty Chứng khoán HSC đã đưa ra dự đoán rằng: “Một khả năng đặt ra là Techcombank bán toàn bộ hoặc phần lớn trong số 93,24 triệu cổ phiếu (tương đương 9,39% tổng số cổ phiếu đang lưu hành) trong đợt 1 bán cổ phiếu quỹ cho Warburg. Nếu giả định này là đúng, giá bán có thể là khoảng 90.000 đồng/cp”. Nếu dự đoán này trở thành sự thật thì so với mức giá ở thời điểm hiện tại, Techcombank sẽ trở thành ngân hàng đắt đỏ nhất trong dòng bank.

Biến động của giá cổ phiếu ngân hàng là khó lường khi không chỉ phụ thuộc vào diễn biến chung của thị trường mà còn tùy thuộc vào kết quả kinh doanh cũng như triển vọng của các ngân hàng này cùng nhiều yếu tố khác.

Sự biến động trong thời gian qua của nhóm ngân hàng đã khiến nhiều nhà đầu tư đặt kỳ vọng bởi đây được coi là nhóm dẫn dắt điểm cho thị trường chứng khoán Việt. Nhìn lại sự chuyển biến về giá của các ngân hàng từ thời điểm chào sàn đến hiện tại thì nhóm ngân hàng đã có sự phân hóa “đẳng cấp” rõ rệt. Những ngân hàng tiềm lực và đầy triển vọng đã được thể hiện qua mức giá mà giới đầu tư bỏ ra.

Lời khẳng định mà Chủ tịch HĐQT VIB Đặng Khắc Vỹ phát biểu trong đại hội đồng cổ đông năm 2018 rằng: “Việc niêm yết VIB lên sàn HoSE sẽ giúp cho nhà đầu tư tiếp cận được nhiều thông tin hơn về VIB; thị trường sẽ sớm nhận ra giá trị thật và tiềm năng của cổ phiếu VIB” hoàn toàn đúng khi giá trị của các ngân hàng được "cân lực" và "định giá" khi tham gia vào thị trường chứng khoán.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top