Aa

Cần nhớ “môi hở” thì… “răng lạnh”

Khởi Minh
Khởi Minh lienlien.media@gmail.com
Thứ Tư, 21/08/2019 - 06:25

Biến đổi khí hậu toàn cầu là điều không thể tránh khỏi nhưng vấn đề đặt ra là phát triển đô thị du lịch, nghỉ dưỡng phải thích ứng như thế nào để hướng tới sự phát triển bền vững?

Với những đường bờ biển dài, đẹp cùng những vùng đồi núi trù phú, Việt Nam là mảnh đất đầy tiềm năng cho việc phát triển bất động sản du lịch nghỉ dưỡng. Và thực tế, phân khúc này nhiều năm trở lại đây đã và đang phát triển mạnh mẽ, được nhiều doanh nghiệp chọn mặt gửi vàng.

Tuy nhiên, sự phát triển quá nóng tại nhiều mảnh đất tiềm năng về du lịch thời gian qua đã kéo theo nhiều hệ lụy. Minh chứng rõ ràng nhất là câu chuyện thiên đường nghỉ dưỡng Phú Quốc và Đà Lạt đã vừa phải trải qua đợt ngập lịch sử với hậu quả nặng nề. Điều này trái ngược với đặc thù địa lý là đảo và cao nguyên của các địa phương này.

Đảo Ngọc Phú Quốc thành "đảo ngập"
Từ 5/8 đến 9/8, nhiều nơi ở Phú Quốc bị ngập cục bộ và ngập sâu gây thiệt hại lớn về công trình giao thông và tài sản người dân. Hơn 60km đường trên toàn huyện bị ngập với độ sâu trung bình 0,7m, nơi sâu nhất lên đến 2m. Tổng giá trị thiệt hại do ngập gây ra ước tính hơn 107 tỷ đồng. Trong đó, 8.424 căn nhà ngập trong nước, 23 căn nhà khác bị tốc mái, sập hoặc sụt nứt. Nhiều vật dụng, tài sản khác cùng hoa màu, gia cầm, thủy sản của người dân bị hư hỏng, mất mát.
Cao nguyên Đà Lạt: Lũ sâu, hàng trăm căn nhà ngập trong nước, hơn 1000ha cây trồng bị hư hại.

Cao nguyên Đà Lạt ngập sâu. Ảnh: Tuoitre.vn

Khi hạ tầng kỹ thuật bị “bỏ quên”

Phố núi hay phố đảo đều ngập sâu trong biển nước, đó là hệ lụy của câu chuyện phát triển thiếu đồng bộ, khi mải miết xây dựng hạ tầng du lịch mà “bỏ quên” hoặc chậm phát triển các yếu tố hạ tầng kỹ thuật thiết yếu của đô thị như hệ thống cấp thoát nước. Các chuyên gia nhận định, trận ngập lịch sử vừa qua đã bộc lộ rõ những bất cập trong việc phát triển du lịch ở hai thiên đường nghỉ dưỡng này.

Theo số liệu của Ban quản lý Khu kinh tế Phú Quốc, tính đến tháng 7/2019, toàn bộ hòn đảo đang có gần 300 dự án với tổng vốn đầu tư 370.000 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn các dự án là bất động sản nghỉ dưỡng. Các bãi biển lớn và đẹp nhất của Phú Quốc như bãi Khem, bãi Dài, bãi Trường, bãi Gành Dầu… hiện đều đã được phân lô, định rõ ranh giới các dự án. Dọc 20km thuộc bãi Trường đang có gần 100 dự án bất động sản nằm san sát nhau. Tại bãi Dài và bãi Gành Dầu, đang có khoảng trên dưới 10 dự án đã và đang xây dựng. Theo thời gian, dọc các bãi biển nhanh chóng biến thành “rừng bê tông”, chắn kín bờ biển và “bít” luôn đường thoát lũ.

“Một hòn đảo bốn bề là nước thì rất khó để úng ngập, nguyên nhân chính là do quy hoạch thiếu đồng bộ. Nhà ở, các dự án xây chen kín, dồn vào chỗ trũng, nơi có địa hình thấp, chắn hết đường thoát nước tự nhiên, trong khi hệ thống hạ tầng kỹ thuật thoát nước chưa được hoàn thiện, gây nên tình trạng ngập ở khu vực đó và dần dần ngập tới các khu vực cao hơn”, GS.TS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam nhận định.

GS.TS Vũ Trọng Hồng.

Còn tại Đà Lạt, theo ông Hồng, Thành phố này ngập do quy hoạch sản xuất, làm nhiều nhà kính, ni lông, nhà nọ chen nhà kia. Khi mưa xuống, nước không có chỗ thấm mà tập trung dồn vào một chỗ, dẫn đến bị úng ngập. Đà Lạt đã có quy hoạch từ thời Pháp, nhưng sự phát triển quá nhanh, quá ồ ạt đã phá vỡ quy hoạch cũ.

“Chung quy lại, hạ tầng đô thị ở những địa phương du lịch này đang không theo kịp tốc độ phát triển. Nguyên tắc của quy hoạch xây dựng là hạ tầng kỹ thuật (đường sá, điện, ống cấp thoát nước…) phải được làm trước, sau đó mới xây nhà, tuy nhiên, tại đa số khu du lịch của Việt Nam, bao giờ cũng ồ ạt xây dựng nhà ở, khu nghỉ dưỡng trước, còn đường sá, điện nước thì “chen cấy” vào sau”. Tầm nhìn quy hoạch ngắn hạn, không tính đến sự gia tăng dân số và khách du lịch trong tương lai cũng là nguyên nhân dẫn đến các thiên đường du lịch phải trả giá”, ông Hồng nhấn mạnh.

Chính ông Mai Văn Huỳnh, Bí thư kiêm Chủ tịch UBND huyện Phú Quốc thừa nhận, hệ thống thoát nước trong nội đô thị trấn Dương Đông, Phú Quốc được đầu tư từ 2003 và đáp ứng được với lượng dân cư thưa thớt. Thế nhưng, thời gian qua, dân số Phú Quốc tăng nhanh, cộng thêm khách du lịch, cơ sở sản xuất, kinh doanh khiến hệ thống thoát nước quá tải. Bên cạnh đó, một số ao hồ tự nhiên bị san lấp, tôn nền xây dựng kè, làm hẹp dòng chảy. Riêng khu vực bãi Trường, do các dự án chưa hoàn thiện nên việc đấu nối với hệ thống thoát nước chưa đồng bộ nên một số khu vực bị ngập cục bộ.

Đảo Ngọc Phú Quốc ngập trong biển nước. Ảnh: Dương Ngân

Phát triển “nhanh” thường khó “bền vững”

Các chuyên gia cảnh báo, tình trạng ngập lụt ở những nơi được coi là thiên đường du lịch, nghỉ dưỡng của Việt Nam sẽ không dừng lại mà ngày càng nặng nề hơn, đợt ngập lịch sử ở Phú Quốc, Đà Lạt vừa qua chỉ là cảnh báo đầu tiên. Chính quyền các địa phương cần xem lại cách phát triển thiếu bền vững của mình. Nếu không xử lý từ quy hoạch, quản lý đô thị làm sao để thích ứng hiệu quả với tình hình biến đổi khí hậu thì hậu quả sẽ không dừng lại ở ngập lụt.

“Phát triển nhanh thường khó có thể bền vững. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu, tất cả các hoạt động xây dựng có tác động đến môi trường tự nhiên đều cần phải có sự cân nhắc, dựa trên quy hoạch tổng thể, bài bản và có tầm nhìn dài hạn. Bao giờ khi lập quy hoạch cũng phải định rõ đâu là đường thoát nước, đi lại, đâu là khu dân cư ở… Muốn phát triển bền vững thì trước tiên hạ tầng kỹ thuật phải được quan tâm”, GS.TS Vũ Trọng Hồng nhấn mạnh.

PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Mai, chuyên gia quy hoạch hạ tầng kỹ thuật đô thị (Đại học Xây Dựng, Hà Nội) cũng cho rằng: “Quy hoạch du lịch phải tính đến những yếu tố bất thường có thể xảy đến, tầm nhìn phải dài hạn. Để có được một quy hoạch bền vững cho khu du lịch thì không nên tiếp cận theo cách thức thông thường, tức là chỉ dựa vào số lượng và quy mô người dân cũng như khách du lịch sẽ đến tại địa phương mình mà cần có cách nhìn, đánh giá xem môi trường sinh thái, điều kiện có đến đâu để chúng ta có được kế hoạch cũng như quy hoạch du lịch thích ứng với điều kiện, hoàn cảnh của địa phương. Không thể vì muốn phát triển kinh tế nhanh, đạt được chỉ tiêu nhất định mà ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững”.

Đồng quan điểm, TS.KTS Khương Văn Mười nhận định, Việt Nam bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu nên những cơn mưa có vũ lượng lớn sẽ tiếp tục xuất hiện trong các năm tới:

“Do đó, trong tầm nhìn quy hoạch đều phải có giải pháp ứng xử với biến đổi khí hậu, phải có giải pháp cụ thể các khu dân cư mới thế nào, các khu dân cư cũ thì ra sao? 

Quy hoạch du lịch cũng phải tính đến những yếu tố bất thường có thể xảy đến, tầm nhìn phải dài hơn 20 - 30 năm. Hơn nữa, quy hoạch một khu du lịch, trước hết là đánh giá điều kiện địa hình, khí hậu, môi trường sinh thái của địa phương. 

Đó là cơ sở cho phép xây dựng bao nhiêu cơ sở lưu trú. Nhưng yếu tố nữa cũng không thể bỏ qua là phải có khảo sát xem số lượng và quy mô dân số địa phương, ước tính quy mô khách du lịch… Khi nắm chắc được cơ sở thì mới có được một quy hoạch bền vững cho khu du lịch”.

Việt Nam có rất nhiều thiên đường nghỉ dưỡng đầy tiềm năng chưa khai thác hết, nhưng nếu tiếp tục để tình trạng phát triển nóng, quy hoạch thiếu tầm nhìn, để những bờ biển dần bị bê tông hóa, bị nhấn chím bởi biến đổi khí hậu thì có lẽ không thể hướng tới sự phát triển bền vững.

Việc phát triển hạ tầng du lịch, đầu tư vào các dự án nghỉ dưỡng là cần thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu và phục vụ khách du lịch một cách tốt nhất, đồng thời đóng góp vào mức tăng trưởng kinh tế. 

Tuy nhiên, câu chuyện phát triển luôn phải có sự đồng bộ, trong đó, hạ tầng kỹ thuật nên được làm trước hoặc tiến hành song song với việc xây dựng các dự án nhà ở, nghỉ dưỡng bởi nếu “môi hở” thì chắc chắn “răng lạnh”. 

Đã có quá nhiều bài học cho sự phát triển nóng, thiếu đồng bộ mà thiết nghĩ, đã đến cần phải áp dụng các giải pháp hiệu quả để câu chuyện của Phú Quốc, Đà Lạt hay nhiều thiên đường nghỉ dưỡng khác sẽ không còn lặp lại./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top