Aa

Cần tận dụng thời cơ để đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới

Thứ Năm, 14/02/2019 - 06:01

Đây là chia sẻ của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng tại hội nghị tổng kết tháng 1/2019 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Bộ trưởng mong muốn các đơn vị trong ngành tham gia nhiều hơn vào vai trò dẫn dắt thị trường để khẳng định vị thế và tiếng nói Việt Nam.

Sáng 13/2, tại trụ sở Bộ TT&TT đã diễn ra Hội nghị giao ban quản lý nhà nước (QLNN) tháng 1/2019. Tại hội nghị, nhiều thông điệp đã được lãnh đạo Bộ TT&TT phát đi nhằm thể hiện rõ mục tiêu được Bộ hướng đến trong năm 2019. Trong đó, có việc giải quyết các vấn đề còn tồn đọng và thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam.

Đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới từ hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều

Bộ trưởng TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho hay, ngay những ngày đầu tiên của Tết Kỷ Hợi, chúng ta nhận tin vui là hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên có thể được tổ chức ở Việt Nam, ngành TT&TT được giao nhiệm vụ quan trọng khi sẽ có hàng nghìn phóng viên nước ngoài đến Việt Nam.

Bộ trưởng lưu ý đây cơ hội để chúng ta quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam ra thế giới và đề nghị cần thực hiện tốt việc này.

Hội nghị giao ban quản lý nhà nước (QLNN) tháng 1/2019 Bộ TT&TT. Ảnh: Trọng Đạt

Hội nghị giao ban quản lý nhà nước (QLNN) tháng 1/2019 Bộ TT&TT. Ảnh: Trọng Đạt

Nhắc đến hoạt động của báo chí, Bộ trưởng nhấn mạnh việc báo chí cần tránh làm xói mòn sức mạnh của đất nước, niềm tin của người dân, đừng làm suy yếu đất nước.

Theo Bộ trưởng, dù viết gì nhưng cũng phải vì mục đích làm đất nước mạnh lên. vì một trong những sức mạnh lớn nhất đó là sức mạnh tinh thần.

“Hiện người Việt Nam đọc tin nhiều hơn, báo chí ảnh hưởng đến người Việt Nam rất nhiều, sứ mạng của chúng ta rất lớn là làm cho đất nước mạnh lên”, Bộ trưởng cho biết, trong giai đoạn trước phải là thông tin giật gân mới có người đọc. Nhưng thời gian gần đây người dân đã bắt đầu tìm đến những nguồn tin chính xác hơn, có tính kiểm định hơn.

Đề cập đến công tác quy hoạch báo chí, Bộ trưởng lưu ý các cơ quan, đơn vị khi chuyển đổi liên quan đến người lao động cần có cơ chế phù hợp.

Giải bài toán khó của thị trường viễn thông

Do đã ở tình trạng bão hoà, thị trường viễn thông được đánh giá là ít có tiềm năng tăng trưởng nhất trong các lĩnh vực quản lý của Bộ TT&TT. Tuy nhiên, trong tháng 1/2019 các doanh nghiệp viễn thông đều tăng trưởng tốt.

Về lĩnh vực viễn thông, trong năm 2019, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu phải thúc đẩy hạ tầng viễn thông phát triển bằng việc cấp phép tần số cho 4G và thử nghiệm dịch vụ 5G. Bộ trưởng cũng giao nhiệm vụ cho các nhà mạng phải giải quyết xong vấn nạn SIM rác trong 6 tháng đầu năm 2019.

Bộ TT&TT vừa cấp phép thử nghiệm dịch vụ 5G tại Hà Nội và TP.HCM cho nhà mạng Viettel.

Bộ TT&TT vừa cấp phép thử nghiệm dịch vụ 5G tại Hà Nội và TP.HCM cho nhà mạng Viettel.

Về dịch vụ chuyển mạng giữ số, trước nhiều kiến nghị và bức xúc của người dân, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nghiêm khắc phê bình việc một số doanh nghiệp cố tình không cho người dân chuyển mạng. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng chỉ thị cho các nhà mạng nâng tỷ lệ thuê bao chuyển đổi thành công trong tháng 3 phải đạt tối thiểu 90%.

Chia sẻ về lĩnh vực viễn thông, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định việc dùng chung hạ tầng 5G là điều bắt buộc phải làm nhằm giảm bớt chi phí, nếu không thực hiện điều này, các doanh nghiệp viễn thông sẽ không phát triển được. Bộ TT&TT đã có hướng giải quyết là thành lập công ty cổ phần, sau đó bán giải pháp cung cấp dịch vụ trạm cho các doanh nghiệp. Để có thể tìm được tiếng nói chung giữa các doanh nghiệp, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đề nghị về việc thành lập một hiệp hội chung cho các doanh nghiệp ngành viễn thông.

Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phải biết dẫn dắt thị trường

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, nếu đề án Chuyển đổi số có thể ra đời sớm trong 6 tháng đầu năm thì trong nửa cuối năm nay, sẽ có rất nhiều điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của các doanh nghiệp CNTT.

Mục tiêu trong thời gian tới của Bộ là tích cực thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ, dùng công nghệ để giải quyết các bài toán của Việt Nam, dùng thị trường trong nước làm cái nôi để hình thành sản phẩm và từ đó đi ra nước ngoài.

Để làm được điều này, Bộ TT&TT sẽ đóng vai trò tích cực trong việc tìm đầu ra cho các sản phẩm công nghệ Việt. Điều này sẽ được thực hiện bằng cách tăng cường mua sắm Chính phủ nhiều hơn về công nghệ và thúc đẩy việc sử dụng sản phẩm lẫn nhau giữa các doanh nghiệp trong nước.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng trải nghiệm giải pháp nhận dạng và trích xuất thông tin tự động tại triển lãm công nghệ số Việt Nam được tổ chức bởi Bộ TT&TT. Ảnh: Trọng Đạt

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Trưởng Ban tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng trải nghiệm giải pháp nhận dạng và trích xuất thông tin tự động tại triển lãm công nghệ số Việt Nam được tổ chức bởi Bộ TT&TT. Ảnh: Trọng Đạt

Trong vòng 5 năm tới, mục tiêu của Bộ TT&TT là tăng số lượng các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam từ 50.000 lên thành 100.000 doanh nghiệp.

Tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cũng nhắc nhở các đơn vị và các doanh nghiệp trong ngành cần phải tham gia nhiều hơn vào vai trò dẫn dắt thị trường, từ đó góp phần khẳng định vị thế và tiếng nói của Việt Nam.

Trong khu vực ASEAN, Việt Nam là quốc gia đầu tiên tổ chức các buổi hội thảo về công nghệ 5G. Bộ TT&TT cũng đã khởi xướng sáng kiến cung cấp dịch vụ roaming một giá cước trong khu vực ASEAN. Hiện đã có Lào, Campuchia và Myanmar tham gia vào sáng kiến này của Việt Nam, Brunei và Thái Lan sẽ là những quốc gia sắp tới.

Không chỉ vậy, Bộ TT&TT đang tích cực triển khai các công việc nhằm mục tiêu biến Việt Nam thành trung tâm an ninh mạng (Hub Security) của khu vực ASEAN. Bộ cũng đang thúc đẩy việc đưa sinh viên các quốc gia Đông Nam Á tới Việt Nam để đào tạo về ICT.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top