Aa

Cẩn trọng làn sóng ngoại đổ vào địa ốc

Chủ Nhật, 13/01/2019 - 01:00

Các nhà đầu tư Trung Quốc đang thoái lui khỏi thị trường bất động sản ở châu Âu và Mỹ để tập trung đầu tư ở đại lục. Cùng với động thái này, thị trường bất động sản khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, được cho là đích ngắm của các nhà đầu tư này.

Hiện nay, dù chưa đủ sức chen chân vào nhóm đầu, nhưng dòng vốn từ Trung Quốc đại lục đang ngày càng hiện diện mạnh mẽ trong các thương vụ mua bán, chuyển nhượng (M&A) trên thị trường bất động sản Việt Nam.

Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), tính đến hết quý III/2018, cả nước có 2.458 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký cấp mới 15 tỷ USD, bằng 92,2% so với cùng kỳ năm 2017. Trong đó, hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn đầu tư 5,7 tỷ USD, chiếm 20,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Đáng chú ý, dòng vốn từ Trung Quốc đang đổ bộ mạnh mẽ vào thị trường bất động sản TP.HCM và các đô thị vệ tinh.

Đơn cử, CTCP Phát triển bất động sản Alpha King Việt Nam (công ty con của Alpha King Investment Limited, Hồng Công - Trung Quốc) đang đầu tư dự án cao ốc phức hợp Ngân Bình (Golden Hill) tại TP.HCM với diện tích 8.320m2. Dự án này đã được UBND TP.HCM cấp phép năm 2008 với 2 block cao 35 tầng và 4 tầng hầm. Alpha King cũng đổ tiền thâu tóm dự án tại số 289 Trần Hưng Đạo và 74 đường Hồ Hảo Hớn, phường Cô Giang, quận 1.

Trong khi đó, Tập đoàn P.H Group của Đài Bắc (Trung Quốc) đã mua Khu công nghiệp Bàu Bàng từ Becamex tại Bến Cát, Bình Dương. Tập đoàn này cũng đang hoàn tất thương vụ mua dự án khách sạn Future Otis tại Nha Trang. Tương tự, Hong Kong Land đã thâu tóm 64% cổ phần dự án nhà ở của Công ty Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) nằm trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm...

Theo các chuyên gia, việc nhà đầu tư ngoại, trong đó có nhà đầu tư Trung Quốc, đổ vốn vào bất động sản Việt Nam có tác dụng kích thích thị trường này. Tuy nhiên đây là con dao hai lưỡi nên Việt Nam phải có sự kiểm soát chặt chẽ.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, nhận xét chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đang diễn biến ngày càng căng thẳng và khó lường. Vì lẽ đó, một số nhà đầu tư nước ngoài đã và đang chuyển dịch cơ sở sản xuất kinh doanh, dự án đầu tư (một phần hoặc cả dự án) sang các nước khác, trong đó có Việt Nam. Mặt tích cực, là nguồn vốn ngoại đổ vào bất động sản sẽ giúp thị trường này có được nguồn vốn trung và dài hạn. Gần đây, chủ đầu tư các dự án rất cần nguồn vốn này trong khi nguồn vốn ngân hàng ngày càng bị siết chặt, đặc biệt là nguồn vốn đầu tư vào những dự án nhiều rủi ro, dự án bị đóng băng hay có rủi ro về pháp lý. Dù vậy, với nhà đầu tư Trung Quốc, phải rất cảnh giác vì việc đầu tư của họ mang tính đầu cơ, chiếm dụng đất, đặc biệt là các khu đất dọc bờ biển.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top