Aa

Cần xem xét lại 3 vấn đề nổi cộm trong việc cổ phần hóa VFS!

Thứ Năm, 21/09/2017 - 21:19

Trao đổi với báo chí sáng 21/9, ông Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết, sau khi nghiên cứu và nắm tình hình thực tế, Hội phát hiện ra ba vấn đề cần xem xét lại trong việc cổ phần hóa VFS và đã làm văn bản gửi đến Thủ tướng, Phó thủ tướng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Cục Điện ảnh.... Hội Điện ảnh Việt Nam sẽ theo sát để bảo vệ quyền lợi của anh em hội viên.

Xung quanh câu chuyện cổ phần hóa Hãng phim Truyện Việt Nam, sau nhiều ngày gửi đơn kêu cứu đến các cơ quan chức năng, sáng nay (21/9), Chi hội Điện ảnh VFS đã tổ chức gặp mặt báo chí để giãi bày những bức xúc sau khi hãng phim "về tay ông chủ đường sông". 

Buổi gặp mặt đã thu hút rất nhiều phóng viên, nhà báo, ngoài ra còn có sự tham gia các văn nghệ sỹ nhiều thế hệ gắn bó với VFS. 

Dẫn dắt cuộc gặp gỡ báo chí, đạo diễn Nguyễn Quốc Tuấn cho biết, năm 1959 Bác Hồ đã ký quyết định thành lập Xưởng phim Truyện Hà Nội. Đây là cái nôi của Hãng phim Truyện Việt Nam sau này. Những nghệ sỹ xuất thân từ xưởng phim đã tạo dấu ấn không chỉ trong nước mà còn quốc tế và đã đạt nhiều giải thưởng.

Đạo diễn Nguyễn Quốc Tuấn

Đạo diễn Nguyễn Quốc Tuấn (ảnh: Hồng Vũ)

“Sau khi được cổ phần hóa, hãng phim đang đứng trên bờ vực xóa sổ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình cảm, tư tưởng của cán bộ nhân viên Hãng phim Truyện Việt Nam, khiến các nghệ sỹ gạo cội đã từng gắn bó với hãng cũng không thể ngồi yên”, đạo diễn Nguyễn Quốc Tuấn nghẹn giọng.

Theo đạo diễn này, đáng lẽ cổ phần hóa là niềm vui, là động lực cho đơn vị phát triển nhưng có lẽ chẳng có cuộc cổ phần hóa nào lại đẫm nước mắt, đầy nỗi buồn như việc cổ phần hóa VFS. Một cuộc cổ phần hóa được anh cho là thiếu minh bạch và lén lút.

“2 anh phó giám đốc không được tham gia Tổ giúp việc, Cục Điện ảnh cũng không có trong Ban cổ phần hóa. Tôi không hiểu cuộc cổ phần hóa gì mà lại như vậy. Nó chứng minh cho sự mờ ám, không minh bạch”, đạo diễn Nguyễn Quốc Tuấn nói.

Nhiều nghệ sỹ gạo cội tham gia buổi gặp mặt

Nhiều nghệ sỹ gạo cội tham gia buổi gặp mặt (ảnh: Hồng Vũ)

Cùng tham gia cuộc gặp mặt báo chí, nhiều thế hệ các nghệ sỹ đã bày tỏ quan điểm, nỗi thất vọng về việc cổ phần hóa VFS. Đạo diễn gạo cội Xuân Sơn năm nay đã hơn 80 tuổi nhưng trước nỗi bức xúc của các thế hệ đàn em, sáng nay ông cũng đứng lên giọng đầy bức xúc.  

“Tôi không bi quan khi đang sống phần đời còn lại. Tôi là đạo diễn, những cái tôi có hôm nay, từ nhà ở, công việc, lương hưu, danh hiệu... đều từ VFS. Mảnh đất ấy cho tôi cuộc đời hôm nay. Ai ký quyết định cổ phần hóa thì phải chịu trách nhiệm về tình trạng của VFS hiện nay”, nghệ sỹ Xuân Sơn nói.

Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đặng Xuân Hải. Ảnh: Hồng Vũ

Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam Đặng Xuân Hải. Ảnh: Hồng Vũ 

Phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt báo chí, NSND - Đạo diễn Đặng Xuân Hải, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết, sự việc VFS đã sôi sục ở hãng từ lâu nhưng Hội mới nắm được thông tin đầy đủ khi có văn bản kiến nghị của hội viên.

Theo ông Hải, sau khi nghiên cứu và nắm tình hình thực tế, Hội phát hiện ra ba vấn đề cần xem xét và đã làm văn bản gửi đến Thủ tướng, Phó thủ tướng, Ban Tuyên giáo Trung ương, Cục Điện ảnh Việt Nam... từ ngày 19/9. 

“Có 3 vấn đề nổi lên ở hãng phim là ứng xử của nhà đầu tư với anh em nghệ sỹ. Trong Nghị định 59 đã quy định rõ việc bảo vệ quyền lợi của người lao động, kể cả cho thôi việc vẫn phải đảm bảo. Còn trách nhiệm duy trì và phát triển nghề nghiệp cũng là một trách nhiệm đã quy định trong nghị định. Đây là vấn đề cần làm ngay và Hội cần lên tiếng”, ông Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam cho biết.

Vấn đề thứ hai ở hãng phim, theo ông Hải là thương hiệu. VFS là cánh chim đầu đàn, là cơ sở gồm các nghệ sỹ tiêu biểu nhất đã tạo dựng lên thương hiệu của nền điện ảnh cách mạng. Không chỉ có thương hiệu trong nước mà còn nhiều nước khác. Do đó, nhận thức của người có trọng trách và Ban chỉ đạo cổ phần hóa đánh giá thương hiệu bằng 0 là việc cần phải xem xét lại. 

“Hơn 400 tác phẩm đó đi theo định hướng văn hóa, văn nghệ của Đảng, phục vụ tốt cho tư tưởng của Đảng. Công chúng Việt Nam nhiều người biết đến các tác phẩm đó, nhưng đánh giá thương hiệu bằng 0 thì vô hình chung mọi thứ đều bằng 0. Như thế là không chấp nhận được”, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam nhấn mạnh. 

Một việc nữa theo ông Đặng Xuân Hải cũng cần xác định lại đó là vấn đề nhà cửa, máy móc, đất đai. “Hàng nghìn mét vuông đất có vị trí đắc địa VFS đang sử dụng, ước tính giá trị đất đai tính theo giá thị trường vào khoảng 2.000 tỷ đồng; trong khi đó chỉ với 32,5 tỷ đồng Tổng công ty Vận tải thủy đã dành tới 65% giá trị doanh nghiệp và trở thành cổ đông chiến lược là khó chấp nhận. Hội Điện ảnh sẽ theo sát để bảo vệ quyền lợi của anh em hội viên”, NSND - Đạo Diễn Đặng Xuân Hải khẳng định. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top