Aa

Cảnh giác “những con ma” trong ngân hàng lớn

Thứ Hai, 27/11/2017 - 15:01

Những vụ việc liên quan đến tài khoản tiền gửi của khách hàng cá nhân tại Vietinbank, BIDV gần đây cho thấy, có lẽ các ngân hàng lớn cần có trách nhiệm hơn với hệ thống vận hành và với khách hàng của mình. Tránh để những thành phần cực đoan gây mất uy tín.

BIDV: Trách nhiệm từ Giám đốc Sở Giao dịch I

Gần đây, báo chí đưa tin việc anh Vũ Anh Đức (SN 1990, Hải Dương) chưa hề lập tài khoản ngân hàng tại BIDV nhưng lại có tài khoản mang tên anh với lượng giao dịch hàng chục tỷ đồng. Sự việc thu hút nhiều sự chú ý của dư luận và không ít câu hỏi liên quan. 

Cụ thể, vào tháng 9/2017, khi có nhu cầu mở một tài khoản tại Ngân hàng BIDV, anh Đức đến phòng giao dịch của ngân hàng này tại Hà Nội để làm thủ tục đăng ký. Tuy nhiên tại đây, giao dịch viên thông báo anh đã có sẵn một tài khoản.

Đáng nói là tài khoản này đã được mở gần 1 năm tại Chi nhánh Sở Giao dịch I vào ngày 29/12/2016. Từ ngày được mở đến ngày 26/9/2017, tài khoản đã thực hiện 19 giao dịch với tổng số tiền là 27.501.763.200 đồng.

Trong khi thực tế, anh Đức chưa từng cầm chứng minh nhân dân tới bất kỳ một chi nhánh nào của Ngân hàng BIDV để làm thủ tục mở tài khoản. Chính vì thế, những giao dịch bất thường bằng tài khoản có tên tuổi, số chứng minh của mình khiến anh vô cùng lo lắng, hoang mang và bức xúc.

Trả lời báo chí về trách nhiệm của Sở Giao dịch I, ông Đoàn Việt Nam - Giám đốc Sở Giao dịch I, Ngân hàng BIDV - xác nhận, đơn vị đã nhận được phản ánh và đang trong quá trình giải quyết sự việc. Ông Nam nói, mới được tiếp nhận ngày 8/11 và đã có chỉ đạo xử lý. Theo ông Đoàn Việt Nam, về nguyên tắc, phải thụ lý hồ sơ và giải quyết theo quy định của pháp luật. Đây là sự việc chưa từng có tiền lệ và nếu có thật là rất nghiêm trọng và vượt quá tầm kiểm soát của đơn vị. Về quan điểm xử lý, ông Nam cho hay, đơn vị sẽ không dung túng cho bất kỳ một hành động nào vi phạm pháp luật cũng như vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

Về phía khách hàng, anh Đức sau một thời gian đã rút lại đơn khiếu nại BIDV. Nhiều khả năng anh Đức bị người thân “trộm” giấy tờ cá nhân để mở tài khoản tại BIDV và thực hiện giao dịch ngầm với số tiền lớn. Tuy nhiên, dù lý do gì đi nữa, vẫn khó có thể phủ nhận kẽ hở trong hệ thống quản lý giám sát của BIDV, nhất là Sở Giao dịch I.

Vietinbank “dại” nhiều lần với nhân viên và khách hàng

Hồi tháng 8, dư luận cũng đã xôn xao trước thông tin bà Nguyễn Thị H. (trú phường Trường Thịnh, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ) cho rằng 790 triệu đồng trong cuốn sổ tiết kiệm 800 triệu đồng của bà tại ngân hàng Vietinbank đã không cánh mà bay.

Theo đó, bà H. có một sổ tiết kiệm số PK 550 1228, kỳ hạn 6 tháng với số tiền gốc là 800 triệu đồng, được mở tại Phòng Giao dịch Vietinbank Thanh Ba chi nhánh Đền Hùng, Phú Thọ. Cuốn sổ tiết kiệm của bà H. có đầy đủ thông tin xác nhận số tài khoản tiết kiệm trên hệ thống, dấu đỏ, chữ ký của trưởng phòng giao dịch là bà Mai Thị Tân Dân.

Được biết, sổ này được mở theo yêu cầu thu tiền tại nhà do khách hàng đã gần 60 tuổi, sức khỏe yếu, đi lại khó khăn. Tuy nhiên, hết kỳ hạn 6 tháng, khách hàng đến phòng giao dịch thì được ngân hàng thông báo chỉ còn 10 triệu đồng trong tài khoản. Số tiền 790 triệu đồng đã được rút 2 lần từ năm ngoái. Lần thứ nhất vào ngày 2/12/2016 với số tiền là 400 triệu đồng. Lần thứ 2 vào ngày 5/12/2016 với số tiền 390 triệu đồng. Đáng nói, sổ tiết kiệm gốc của bà H. đang giữ lại không hề có bất cứ xác nhận nào từ phía ngân hàng về 2 lần rút tiền trên. Khi nhận được thông báo 790 triệu đồng đã mất, gia đình khách hàng đã yêu cầu ngân hàng cho xem lại camera trong hai ngày phát sinh giao dịch trên để xem ai đã rút tiền nhưng phía ngân hàng từ chối.

Sự việc tại Phú Thọ không khỏi khiến dư luận e dè nhớ lại đại án siêu lừa, tham ô tài sản của Huyền Như và một số cán bộ ngân hàng Vietinbank trước đây.

Trong thời gian từ tháng 5/2011 đến tháng 9/2011, Huỳnh Thị Huyền Như nguyên là kiểm soát viên, quyền trưởng phòng giao dịch Điện Biên Phủ Vietinbank chi nhánh TP.HCM, lấy danh nghĩa đi huy động tiền gửi cho Vietinbank chi nhánh Nhà Bè, Vietinbank chi nhánh TP.HCM, đã trực tiếp gặp, thoả thuận với người môi giới, người đại diện của công ty Hưng Yên, công ty An Lộc, công ty Phương Đông, công ty bảo hiểm Toàn Cầu và công ty SBBS, để các công ty này gửi tiền vào Vietinbank hưởng lãi suất cao vượt trần trái quy định của nhà nước.

Đồng thời để dẫn dụ các công ty này, khi tiếp xúc với đại diện đơn vị, người môi giới, Như đã cam kết ngoài trả lãi suất theo quy định 14%/năm còn trả thêm phí cho người môi giới, tiền chênh lệch ngoài hợp đồng. Thực tế phần trả thêm, Như sử dụng tiền cá nhân để trả.

Khi các đơn vị chuyển tiền vào tài khoản thanh toán của họ mở tại Vietinbank, Như lập các chứng từ, ký giả chữ ký của các chủ tài khoản, sử dụng quyền hạn là kiểm soát viên, trưởng phòng giao dịch để thực hiện chuyển tiền từ tài khoản của các đơn vị tại Vietinbank đi trả nợ cá nhân với tổng số tiền mà Như lừa đảo chiếm đoạt được của 5 công ty nêu trên là hơn 1.085 tỷ đồng.

Với cả 2 trường hợp của BIDV và Vietinbank, dù trách nhiệm thuộc về giám đốc sở, trưởng phòng giao dịch hay nhân viên; nhưng có lẽ cần xác định rõ trách nhiệm của các ngân hàng lớn khi để xảy ra những việc ảnh hưởng đến uy tín và độ tin cậy của ngân hàng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top