Năm 2013, thông tin về một vụ tai nạn xe máy xảy đến với nhà khảo cổ học người Nhật trên đường đi công tác tại Việt Nam và sự ra đi quá đột ngột của anh khiến nhiều người không khỏi "sốc" và bàng hoàng, nhất là khi tuổi đời anh còn rất trẻ. Nishimura Masanari ra đi từ ngày đó, tính đến nay đã 7 năm. Với những người không biết anh và không liên quan đến công việc khảo cổ anh làm thì tin đó cũng dần xa...
Thi thoảng, truyền hình vẫn phát phóng sự về anh - một nhà khảo cổ học người Nhật mang tâm hồn Việt đã có hơn 20 năm gắn bó với khảo cổ Việt Nam. Anh để lại nhiều dấu ấn quan trọng trong ngành khảo cổ nước ta và đã vĩnh viễn ở lại nơi làng quê ven sông Hồng. Như một khán giả truyền hình, tôi xem và xúc động...
Nishimura Masanari (Nishi) đến Việt Nam năm 1990 khi còn là một nghiên cứu sinh trong đoàn khảo cổ của Nhật Bản hợp tác với Viện Khảo cổ Việt Nam thực hiện khai quật tại làng Vạc, Nghĩa Đàn, Nghệ An. Chuyến đến Việt Nam đó như duyên định để rồi một năm sau, anh quay lại tiếp tục dự án, bắt đầu học tiếng Việt, nói thạo tiếng Việt và chọn Việt Nam làm nơi nghiên cứu của mình với luận án tiến sĩ: Nghiên cứu khảo cổ học Đồng bằng sông Hồng, sông Mê Kông và sông Đồng Nai.
Nishimura Masanari có tên tiếng Việt là Lý Văn Sỹ, người sáng lập Quỹ Bảo vệ Di sản văn hóa dưới lòng đất Đông Nam Á và cùng vợ xây dựng hai bảo tàng cộng đồng đầu tiên ở Việt Nam... Đó là thông tin theo truyền thông và sách viết về anh.
Riêng tôi, mãi gần đây tôi mới được biết đến anh như một nhân duyên với làng làm gốm cổ ven sông Hồng - Kim Lan. Đến Kim Lan, trong rất nhiều câu chuyện về ngôi làng, về nghề gốm, tôi bỗng bị cuốn vào câu chuyện về một nhà khảo cổ người Nhật, rằng "ông Nhật" đã gắn bó, đã tìm ra lịch sử về một Kim Lan cổ từ lòng đất của họ, và rằng anh đã vĩnh viễn ở lại nơi làng quê này… Như có một tâm lực cứ thôi thúc tôi tìm biết về PGS. TS. khảo cổ học người Nhật Bản Nishimura Masanari qua những người thân đã từng gắn bó, từng làm việc cùng anh.
Ðất Kim Lan nằm bên bờ tả sông Hồng. Mỗi mùa nước lên, bờ sông Hồng lại sạt lở dần và người dân Kim Lan thấy rất nhiều mảnh gốm vỡ lộ ra. Đầu năm 2000, khi nghe tin về di chỉ Hàm Rồng trên địa bàn xã Kim Lan, cùng với đoàn cán bộ của Viện Khảo cổ, Nishimura Masanari cùng sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội đã tiến hành khai quật. Trong các hố thám sát đã tìm được nhiều mảnh gốm sứ tinh xảo gồm: gốm sứ Long Tuyền, Việt Châu cùng nhĩ bôi (chén có tai) từ thế kỷ 11, đĩa men lam đường kính 45cm, lòng đĩa vẽ phượng.
Đây là những phát hiện quý giá để sau đó, với nhiều nghiên cứu khác, Nishimura đã khiến cả làng gốm Kim Lan sôi động trở lại, như "đánh thức" từng thớ đất của làng Kim Lan này. Rất nhiều người dân đã tự nguyện hiến tặng những mẫu vật khảo cổ từ các bộ sưu tập cá nhân hoặc những mẫu vật nhặt được sau nhiều lần sông làm xói lở lớp đất phủ. Vào một ngày tháng 3/2012, với tâm huyết kêu gọi tài trợ kinh phí của Nishi, bảo tàng gốm sứ Kim Lan ra đời như kết tinh tình yêu của anh với mảnh đất này.
Nằm bên cạnh Miếu làng gần UBND xã Kim Lan, trong một khuôn viên đẹp, bảo tàng cấp xã nhỏ xinh này có khoảng 300 hiện vật, chủ yếu là gốm và các dụng cụ làm gốm, minh chứng cho quá khứ huy hoàng của một làng nghề cổ truyền thống. Sản phẩm ở đây gần như đại diện cho lịch sử gốm sứ Việt Nam, với đủ các loại hình từ gốm đất nung cho đến gốm tráng men. Nổi bật là các dòng gốm tráng men với nhiều hiện vật trải từ đời Lý cho đến cuối đời Lê, đặc trưng là các màu men như: men lục, men ngọc, men nâu, hoa lam... Trong số này có cả những sản phẩm kỹ thuật cao, xưa kia được xếp vào loại chỉ dành cho người quyền quý...
Làng gốm Kim Lan xưa và cảnh người thợ làm gốm trước đây
Lò gốm cổ Kim Lan xưa được tái hiện theo mô hình lò bầu, lò hộp tại bảo tàng
Bảo tàng còn trưng bày một kỷ vật được đặt trang trọng ở gian trong, đó là chiếc xe máy vẫn còn nguyên những vết trầy xước do tai nạn, người bạn đồng hành đã cùng Nishi đến từng vùng đất anh nghiên cứu... và dừng lại mãi mãi ở bảo tàng này.
Từ nhà bảo tàng, tôi đến nơi anh yên nghỉ bên những người thợ gốm Kim Lan… Thật lòng tôi không biết dùng từ nào để nói hết được mối nhân duyên Nhật - Việt, về tấm lòng và tình cảm sâu nặng người dân Kim Lan dành cho anh cũng như tình yêu mà Nishi dành cho Việt Nam - thứ tình cảm trân quý mà chính gia đình anh cũng luôn đồng cảm để anh được sống mãi với Kim Lan… Và ngay lúc đó, tôi chỉ có một suy nghĩ duy nhất, rằng phải viết lại những điều này như nén tâm nhang tưởng nhớ vào ngày giỗ anh…
Khu nghĩa trang Kim Lan - nơi yên nghỉ vĩnh hằng của Nishi
Thú thật, tôi không thể viết về con người, về thân thế hay sự nghiệp của anh vì đã có rất nhiều những trang viết về điều đó. Thứ tôi muốn viết ở đây là tình yêu của người dân Kim Lan, của những người làm gốm, những người đã cùng anh kiếm tìm từng "mảnh ghép lịch sử" ở mảnh đất này sau 7 năm anh đi xa. Và điều còn mãi, lớn lao hơn cả là ghi lại những mong ước của họ trong việc gìn giữ và phát triển có ý nghĩa những thành quả anh đã tạo dựng nên như sự trân quý, tri ân đối với Nishimura Masanari.
Sau những ngày không còn bị giãn cách xã hội vì dịch Covid-19, tôi đã về lại Kim Lan và tìm gặp bác Nguyễn Việt Hồng, người đã đồng hành cùng TS. Nishimura trong suốt quá trình nghiên cứu khảo cổ ở Kim Lan và cùng dựng nên bảo tàng gốm sứ. Bác Hồng giờ đã ngoài 80 và không còn khỏe như thời gian trước khi còn làm việc với Nishi, nhưng những câu chuyện về Nishi bác nói cứ liền mạch không dừng, dài hơn cả tiếng đồng hồ.
Bác kể: "Tôi gặp Nishimura vào tháng 4/2000. Khi ấy, anh đến cùng chị Noriko (sau này là vợ anh) khi nghe tin về di chỉ Hàm Rồng trên địa bàn xã. Tôi thích thú và quý mến anh bởi sự nhiệt tình. Ngay sau khi quen biết, anh qua lại đây thường xuyên để nghiên cứu về di chỉ cũng như các hiện vật tôi tìm được".
Bác cho tôi xem ảnh anh, kể cho tôi nghe về quãng thời gian 13 năm Nishi và vợ con anh gắn bó với gia đình bác, với Kim Lan. Bác kể về những bữa trưa Nishi ăn vội, chợp mắt nhanh với nguyên cả giày để rồi lại ra hiện trường làm việc… Bác bảo: "Hiếm thấy ai say mê và có sức làm việc tuyệt vời như chú ấy…".
Bác Hồng lại xúc động kể: "Ngày Nishi ra đi, tôi đã rất tiếc, tiếc cho công sức của chú ấy và tiếc cho cả những gì còn đang dang dở ở Kim Lan”. Là người gắn bó cả đời với nghề gốm, bác bảo, với bác Nishi gần như một người đồng đạo bởi trao đổi về gốm với anh thật dễ dàng. Không riêng về gốm, Nishi đã giúp bác hiểu biết thêm rất nhiều kiến thức khác về khảo cổ để bác biết cách bảo tồn và làm việc với bảo tàng.
Nói về hướng phát triển của bảo tàng, bác Hồng nói: "Tôi rất biết ơn và cũng rất tiếc, Nishi có nói với tôi là chú ấy định mở rộng thêm phần trưng bày của bảo tàng để gắn kết lịch sử nghề gốm cổ với hiện tại… rồi có thuyết minh qua màn hình. Nishi mất đi nên Kim Lan không được khảo cổ bổ sung nữa, cho đến tận giờ trong tôi vẫn đau đáu những suy nghĩ về Nishi".
Theo bác Hồng, Nishimura lúc đầu đến làng để nghiên cứu khảo cổ. Nhưng sau, anh say mê luôn cả cảnh sắc và con người nơi đây, để rồi bởi nhân duyên mà mảnh đất này lại là nơi anh ở lại mãi mãi.
Từ ngày Nishi đi xa, vợ con anh vẫn sống ở Việt Nam và gắn bó với gia đình bác Hồng, với làng gốm Kim Lan. Ngày giỗ của anh vẫn được làm ở Kim Lan theo phong tục Việt Nam… Trong nỗi nhớ của bác Hồng, của mỗi người dân làng Kim Lan, hình ảnh Nishi vẫn luôn còn mãi.
Tôi tìm đến giáo viên của anh, PGS. TS. Phạm Minh Huyền, công tác tại Viện Khảo cổ học Việt Nam và nay ở Hội Khảo cổ Việt Nam. Sau 7 năm Nishi đi xa, khi nhắc tới Nishi, chị vẫn gọi "em" như ngày nào Nishi còn là nghiên cứu sinh chị hướng dẫn, cùng đồng hành trong các chuyến đi nghiên cứu, khai quật, tìm những "mảnh ghép của lịch sử" khắp mọi vùng miền trên dải đất Việt Nam.
Nishi quan tâm rộng và nhiều lĩnh vực trong khảo cổ học Việt Nam nhưng lại đặc biệt có hứng thú với gốm thuộc nhiều giai đoạn lịch sử. Trong đó, việc Nishi cùng đồng nghiệp khảo cổ phát hiện ra nhiều lò gốm từ thế kỷ thứ IX nằm dọc theo dòng sông cổ là một dấu ấn quan trọng. Anh và các đồng nghiệp quyết định đào lấy nguyên vẹn một lò rồi đưa lên đồi cao, xây dựng nên bảo tàng cộng đồng đầu tiên ở Việt Nam vào năm 2002 - Bảo tàng Di tích lò gốm cổ Đương Xá, Yên Phong, Bắc Ninh.
Mười năm sau, tháng 3/2012, cùng với đồng nghiệp ở Viện Khảo cổ học Việt Nam, Nishi và Hội Lịch sử Kim Lan cùng người dân Kim Lan đã khai trương “Bảo tàng gốm sứ và lịch sử Kim Lan” - bảo tàng cấp xã đầu tiên ở Việt Nam trong niềm tự hào của người dân làng gốm vì đã chứng minh được Kim Lan là nơi sản xuất gốm sứ cao cấp thời Lý - Trần, cũng như khám phá ra dòng "di chuyển" của gốm cổ Kim Lan.
Trong thật nhiều kỷ niệm về anh, về tình yêu với Nishino Noriko (vợ anh), về gia đình nhỏ của anh, về tình bạn, tình đồng nghiệp, thầy trò… chị Huyền lấy ra một ấm trà nhỏ là kỷ vật Nishi tặng vợ chồng chị nhân chuyến đi công tác ở Trung Quốc. Chị bảo, Nishi đã thật tinh tế khi tặng chị món quà này, bởi ấm trà hình trống được anh tìm thấy không chỉ có chất gốm tuyệt vời mà còn có hoa văn trống trên nắp… Nishi tin chị Huyền sẽ vui vì món quà này gắn với rất nhiều công trình nghiên cứu về "Trống Đông Sơn" của chị…
Sau những bồi hồi xúc động, chị Huyền chia sẻ về bảo tàng gốm sứ Kim Lan. Chị mong muốn bảo tàng sẽ là nơi để mọi người dân được biết về lịch sử gốm Kim Lan, về vùng đồng bằng Bắc bộ. Ngoài những ý tưởng nâng cấp bảo tàng, chị hy vọng nơi đây sẽ trở thành địa điểm đón người dân, mà trước tiên là học sinh khu vực Gia Lâm, Hà Nội, rồi các vùng lân cận về tìm hiểu lịch sử làng gốm cổ. Rồi đây, chỉ mong sẽ có nhiều hơn những chuyến du lịch sông Hồng đến làng cổ gắn với cả lịch sử phát triển làng quê Việt, gốm sứ Việt thời phong kiến nơi ven sông này, để không chỉ người dân Kim Lan còn mãi niềm tự hào về mảnh đất của mình mà ngày càng nhiều hơn người Việt hiểu về gốm Kim Lan cổ và những thành quả ứng dụng công nghệ mới ngày nay.
Tôi gặp lại một học trò của anh Nishimura - chị Thủy người làng Kim Lan, hiện là Trưởng phòng Nghiệp vụ di sản, Ban quản lý Khu di tích Cổ Loa. Trong nỗi nhớ Nishi, chị kể, cũng thật may mắn vì ngay khi tốt nghiệp trường Khoa Bảo tàng, Đại học Văn hóa, chị được làm trợ lý cho anh Nishi trong thời kỳ khai quật, khảo cổ ở Kim Lan. Anh là một người thầy nghiêm khắc nhưng mẫu mực đối với trò, là người sống tình cảm và chu đáo với bạn bè, người dân cũng như đồng nghiệp. Anh sinh hoạt như một người Việt, chịu đựng mọi điều kiện khó khăn, gian khổ đối với người làm công tác khảo cổ.
Chị Thủy cầm cuốn sách “Nishimura Masanari - Người bạn của Khảo cổ học Việt Nam” vừa được chị Noriko Nishimura (vợ Nishi) tặng đầu năm nay và kể lại rất nhiều kỷ niệm về Nishi. Với riêng chị, điều còn áy náy nhất là chưa thể thực hiện được chỉ dẫn của Nishi về việc học lấy bằng sau đại học về khảo cổ, chắc cũng vì nhiều lý do của cuộc sống riêng. Đọng lại trong chị sâu đậm nhất là "lửa nghề" mà anh Nishimura đã truyền lại cho đồng nghiệp, cho học trò và cho cả người dân ở những vùng anh đến nghiên cứu khảo cổ.
Khi nói về ý tưởng phát triển bảo tàng gốm sứ và lịch sử Kim Lan trở thành nơi không chỉ lưu giữ hiện vật gắn với lịch sử nghề gốm mà còn mở ra hướng phát triển du lịch sinh thái - lịch sử - làng nghề, chị Thủy hào hứng chia sẻ về mong muốn kết nối được dự án với những nhà tài trợ để nâng cấp bảo tàng. Riêng phần việc góp sức, người Kim Lan luôn sẵn sàng và tự nguyện.
Kim Lan những ngày này nắng gắt... Đứng giữa trời Kim Lan xanh thẫm, những cánh mây trắng vẫn bay... Tôi đọc lại những dòng viết khi tiễn biệt Nishimura về Kim Lan, có đoạn cha của anh nói: “... Con người ta chết đi sẽ thành đám mây bay trên bầu trời. Mỗi khi nhớ đến họ, hãy nhìn lên bầu trời và sẽ thấy...”. Rồi như lời của vợ anh, chị Noriko: “Nishi yêu Việt Nam và con người Việt Nam đến phút giây cuối cùng của cuộc đời mình. Xin mọi người mãi mãi nhớ đến Nishi nhé!”
Vâng, không một ai quên anh, anh vẫn mãi ở đó, trong ký ức và nỗi nhớ của mọi người... Riêng đối với Kim Lan, anh vẫn luôn hiện hữu trong từng mảnh gốm ở bảo tàng, trong niềm tự hào của người dân. Chắc hẳn, tình yêu từ anh, từ “ông Nhật” như người Kim Lan hay gọi, sẽ là cội gốc để mọi thứ trở nên đẹp hơn, phát triển hơn, để dân Kim Lan không chỉ tự hào mà còn được thừa hưởng những thành quả mà anh đã gây dựng.
Ngày 9/6, ngày giỗ của Nishimura Masanari, cánh mây trắng vẫn bay trên bầu trời Kim Lan, nơi mà người thân, bạn bè vẫn thấy Nishi mỉm cười...
Tưởng nhớ cố PGS. TS. Nishimura Masanari (9/12/1965 - 9/6/2013)