Aa

Cao tốc 34 nghìn tỷ hư hỏng: Không chấp nhận việc đổ lỗi do... mưa

Thứ Ba, 16/10/2018 - 06:01

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đặt vấn đề vì sao công trình hạ tầng, nhất là giao thông làm thì lâu nhưng xuống cấp và hỏng nhanh. Đồng thời đề nghị làm rõ trách nhiệm, giải trình nghiêm túc để không tồn tại việc né tránh trách nhiệm, như nói đường xuống cấp do mưa...

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga (Ảnh: QH)

Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga (Ảnh: QH)

Chiều 15/10, tiếp tục phiên họp thứ 28, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận về các báo cáo: Tình hình kinh tế-xã hội năm 2018 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019; giữa kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế 5 năm 2016-2020; giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH13 về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020; giữa kỳ thực hiện Nghị quyết số 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Cho ý kiến tại phiên họp về vấn đề chất lượng công trình giao thông, Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga đặt vấn đề vì sao công trình hạ tầng, nhất là giao thông làm thì lâu nhưng xuống cấp và hỏng nhanh.

Dẫn chứng tuyến cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi được đầu tư 34.500 tỷ đồng và mới thông xe nhưng đã xuống cấp, bà Nga đề nghị làm rõ những vụ việc cụ thể mà dư luận và báo chí phản ánh, nhất là trách nhiệm của cá nhân và tổ chức. Hơn nữa, cần rõ trách nhiệm, giải trình nghiêm túc để không tồn tại việc né tránh trách nhiệm như nói đường xuống cấp do mưa...

Bà Nga cũng đề cập đến tình trạng vi phạm trong cổ phần hoá nhà, đất công. “Có sự tiếp tay của người có chức vụ quyền hạn. Tham nhũng, sân sau, lợi ích nhóm, công ty gia đình đang dần lộ diện qua vụ việc vừa qua. Do đó cần có giải pháp nhận diện để xử lý cho phù hợp thực tế”, bà Nga nói.

Về vấn đề liên quan đến “sách giáo khoa sử dụng một lần”, Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải bày tỏ ngạc nhiên khi Bộ GDĐT hàng năm vẫn nhắc nhở các Sở GDĐT, giáo viên nhưng nhiều năm qua rồi mà “tình hình viết vào sách giáo khoa vẫn không giảm”.

Bà Nguyễn Thanh Hải đặt câu hỏi: Tại sao người dân, cử tri biết, phụ huynh biết mà người quản lý lại không biết đó là sự lãng phí?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top