Aa

Cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh: Giảm 29km và gần 20.000 tỷ đồng vốn đầu tư

Chủ Nhật, 06/01/2019 - 15:00

Văn phòng Chính phủ nhận được công văn của tỉnh Cao Bằng về việc xây dựng dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng). Theo đó, cơ quan này đề nghị các Bộ có ý kiến về kiến nghị của tỉnh Cao Bằng.

Theo công văn của UBND tỉnh Cao Bằng, đây là tỉnh khó khăn nhất cả nước, nếu triển khai sớm tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) là giải pháp tối ưu để giải quyết các điểm nghẽn và tạo đà phát triển bền vững cho tỉnh.

Theo Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 1/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ, tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được quy hoạch có chiều dài tuyến 144km. Quy mô 4 làn xe theo tiêu chuẩn đường cao tốc. Thời gian đầu tư sau năm 2030 và tổng vốn đầu tư là 47.520 tỷ đồng.

Giảm mức đầu tư từ 47.000 tỷ đồng còn 21.000 tỷ đồng

Để đầu tư dự án, theo phương án 1, tỉnh dự kiến sử dụng khoản tín dụng ưu đãi bên mua 300 triệu USD của Trung Quốc, kèm theo các điều kiện về sử dụng nhà thầu, công nghệ và máy móc, thiết bị Trung Quốc (tương tự dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông).

Tuy nhiên, tỉnh Cao Bằng cho rằng việc đàm phán để vay nguồn vốn này không thực hiện được do không nhận được sự đồng thuận của các Bộ, ngành và dư luận (điều kiện vay chưa đạt mức ưu đãi; rủi ro về chậm tiến độ, tăng vốn đầu tư…).

Theo đó, tỉnh Cao Bằng đề xuất phương án thứ 2. Phương án này cơ bản bám vào hướng tuyến theo Quy hoạch được phê duyệt, có xét đến việc tối ưu hóa hướng tuyến để kết nối vào Tuyến kết nối cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng với cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam. Tổng chiều dài cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được rút ngắn, còn lại khoảng 115km (giảm 29km so với quy hoạch là 144km).

Điểm đầu: Km0+000 tại nút giao với tuyến đường kết nối giữa cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng với của khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cốc Nam (tỉnh Lạng Sơn). Điếm cuối: Km115+000 tại vị trí ngã ba đường vào Khu Kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh (tỉnh Cao Bằng) và Quốc lộ 34. Quy mô 4 làn xe cơ giới, bề rộng nền đường 17m.

Dự án được đầu tư theo hình thức đối tác công tư (Hợp đồng PPP). Tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 20.939 tỷ đồng. Trong đó, vốn nhà đầu tư và vốn vay tín dụng khoảng 64%; vốn ngân sách nhà nước khoảng 36%.

Tuy nhiên, theo tỉnh Cao Bằng, trước bối cảnh ngân sách hạn hẹp như hiện nay, việc vốn ngân sách tham gia dự án với tỷ lệ 36% tương đương 7.500 tỷ đồng là rất khó khăn.

Chia thành 2 giai đoạn

Tỉnh Cao Bằng đề xuất giai đoạn 1: Đầu tư đoạn tuyến từ Tân Thanh (Lạng Sơn) đến Thành phố Cao Bằng, với chiều dài khoảng 80 km. Phần nền đường: đầu tư hoàn chỉnh 4 làn xe (tại những vị trí đào sâu, đắp cao)...

Tổng vốn đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn ngân sách trung ương: 2.000 tỷ đồng (nguồn vốn dự phòng ngân sách trung ương giai đoạn 2018 - 2020); phần vốn ngân sách địa phương: 2.000 tỷ đồng (trong đó 500 tỷ đồng để thực hiện giai đoạn chuẩn bị đầu tư và triển khai các tuyến đường công vụ, kết nối, phụ trợ... trong giai đoạn 2019 - 2020).

Phần còn lại 1.500 tỷ đồng được UBND tỉnh Cao Bằng huy động trong giai đoạn 2019 - 2022 thông qua cơ chế bản đấu giá quỹ đất; thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý và các nguồn vốn hợp pháp khác).

Phần vốn nhà đầu tư là 6.000 tỷ đồng (trong đó vốn chủ sở hữu 2.000 tỷ đồng; vốn vay tín dụng khoảng 4.000 tỷ đồng). Thời gian thực hiện: 2019 - 2022.

Tuyến dự án rút ngắn xuống 115km (màu đỏ) so với toàn tuyến theo quy hoạch 144km trước đó (màu xanh)

Tuyến dự án rút ngắn xuống 115km (màu đỏ) so với toàn tuyến theo quy hoạch 144km trước đó (màu xanh)

Giai đoạn 2: Đầu tư hoàn chính 4 làn xe cơ giới đoạn tuyến từ Lạng Sơn - thành phố Cao Bằng và đầu tư tiếp đoạn tuyến từ thành phố Cao Bằng đến cửa khẩu Trà Lĩnh. Thời gian thực hiện sau năm 2022.

Tỉnh Cao Bằng đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận phương án phân kỳ đầu tư nêu trên và giao UBND tỉnh Cao Bằng là cơ quan nhà nước có thẩm quyền của dự án và chủ đầu tư giai đoạn chuẩn bị đầu tư.

Cùng với đó, cho phép UBND tỉnh Cao Bằng sử dụng nguồn kinh phí từ bản đấu giá quỹ đất của tỉnh và thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý để tham gia thực hiện dự án. Chấp thuận chủ trương lựa chọn nhà đầu tư, ngân hàng và nhà thầu trong nước thực hiện dự án để đảm bảo an ninh, quốc phòng, tránh bị rơi vào bẫy nợ bất lợi.

Các bộ, ngành nói gì?

Về các kiến nghị của tỉnh Cao Bằng, Bộ GTVT cho biết đã chỉ đạo Tổng cục Đường bộ rà soát, điều chỉnh tiến độ tuyến cao tốc phù hợp với nhu cầu vận tải, khả năng huy động nguồn lực. Bộ này cũng ủng hộ tỉnh Cao Bằng là cơ quan nhà nước có thẩm quyền để huy động vốn và triển khai dự án.

Đối với khoản vay 300 triệu USD của Trung Quốc, Bộ GTVT cho biết đây là khoản vay thực hiện theo cơ chế vay lại 100%, trong khi Bộ GTVT không phải là đối tượng vay lại theo Luật Quản lý nợ công, đồng thời các doanh nghiệp thuộc Bộ cũng không phải là đối tượng vay lại. Hơn nữa, khoản tín dụng này không đủ để đầu tư cho toàn tuyến, mà đầu tư một đoạn thì không hiệu quả.

Do đó, tỉnh Cao Bằng cần làm rõ thêm khả năng huy động thêm nguồn vốn để thông tuyến, đồng thời đàm phán với phía Trung Quốc để được vay ưu đãi hơn.

Bộ KH-ĐT cũng cho rằng việc vay 300 triệu USD của Trung Quốc để thực hiện dự án này là không khả thi.

Trong khi đó, qua các cuộc tiếp xúc giữa tỉnh Cao Bằng và phía Trung Quốc, hiện chưa đi đến các bước cụ thể, trong đó mấu chốt là không thể xác định được những thông số cơ bản đầu vào để xây dựng phương án đầu tư cho dự án cao tốc.

Về đề nghị chấp thuận chủ trương lựa chọn nhà đầu tư, ngân hàng và nhà thầu trong nước thực hiện dự án để đảm bảo an ninh, quốc phòng, tránh rơi vào bẫy nợ bất lợi... của tỉnh Cao Bằng, Bộ Tài chính nhấn mạnh:

"Pháp luật về thực hiện dự án theo hình thức PPP hiện nay không có quy định hạn chế về tổ chức tín dụng, nhà đầu tư tham gia vào dự án. Nhà đầu tư được quyền lựa chọn tổ chức tín dụng, nhà thầu theo quy chế riêng của nhà đầu tư, theo Nghị định 63 của Chính phủ về đầu tư hình thức đối tác công tư. Vì vậy, việc lựa chọn nhà đầu tư đề nghị tỉnh Cao Bằng thực hiện theo quy định hiện hành".

Tỉnh Cao Bằng cũng đề nghị được sử dụng nguồn kinh phí từ bán đấu giá quỹ đất của tỉnh và thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý để tham gia dự án. Về đề xuất này, Bộ Tài chính cho biết ngày 9/11/2018, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết dự toán Ngân sách nhà nước năm 2019.

Trong đó giao Chính phủ thực hiện nghiêm Nghị quyết của Quốc hội; trình Quốc hội xem xét, ban hành nghị quyết quản lý, sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp Nhà nước.

Do đó, việc sử dụng nguồn kinh phí từ thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước tại địa phương, Bộ Tài chính cho biết sẽ thực hiện sau khi Quốc hội ban hành nghị quyết về quản lý và sử dụng nguồn thu từ cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Còn việc sử dụng đất, tiền thuê đất, tiền bán tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo hình thức đấu giá đã nộp ngân sách nhà nước theo Luật Ngân sách nhà nước.

Về việc lựa chọn nhà đầu tư, Bộ Tài chính cùng Bộ KH-ĐT đều đề nghị tỉnh Cao Bằng thực hiện đúng quy định hiện hành theo Luật Đấu thầu và báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định. Bộ KH-ĐT cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho ý kiến về vấn đề vay vốn nhà đầu tư và vốn tín dụng ưu đãi của dự án trên để báo cáo Thủ tướng.

Thủ tướng đồng ý triển khai 2 giai đoạn

Mới đây, trong cuộc họp với tỉnh Cao Bằng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý triển khai dự án theo 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 thực hiện dự án từ năm 2019 - 2020, đầu tư đoạn tuyến từ Tân Thanh (Lạng Sơn) đến TP. Cao Bằng với chiều dài khoảng 80km. Giai đoạn 2 đầu tư xây dựng đoạn tuyến cao tốc từ Lạng Sơn đến Cao Bằng và đoạn từ TP. Cao Bằng đến cửa khẩu Trà Lĩnh.

Thủ tướng cũng đồng ý về nguyên tắc bố trí nguồn vốn cho dự án. Giai đoạn 1 có tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng, ngân sách Trung ương hỗ trợ 2.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương góp 2.000 tỷ đồng, phần vốn nhà đầu tư là 6.000 tỷ đồng.

 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top