Aa

"Cây đinh” chọc vào Mã Pì Lèng và nước mắt của bà chủ Panorama

Thứ Tư, 09/10/2019 - 11:02

Panorama sai thì sai rồi, cả bà chủ lẫn chính quyền địa phương nữa (tôi tin chính quyền ủng hộ dự án đó vì cũng muốn dân khá giả lên); nhưng thử hỏi có những gì ở đây đúng hết?

Buổi tối cách đây vài năm, tôi có cuộc tranh luận với một nữ Việt Kiều về chủ đề khá gai góc: bảo tồn và phát triển. Tôi gặp chị tại một khu resort hoang sơ, nằm sâu trong rừng ở Quảng Bình. Chị nói với giọng kiên quyết, Quảng Bình phải bảo tồn các hang động, không được làm các công trình nhân tạo trong hang, không cho xây dựng các khu resort tư nhân, không xây các khu vui chơi… Tóm lại, để cảnh quan càng hoang sơ càng tốt.

Tôi lại giữ ý kiến ngược lại. Tôi nói Quảng Bình cần thu hút thêm các doanh nghiệp, xây thêm các khu resort để thu hút/đáp ứng càng nhiều khách du lịch càng tốt... Tôi còn nhớ, chị - một người đã từng đi khám phá rất nhiều nơi hoang vu trên thế giới – phản ứng mạnh đến mức bỏ đi.

Chị không biết, trước đó tôi đã đi phỏng vấn nhiều người địa phương làm trong và ngoài khu resort. Họ kể, thanh niên trai tráng địa phương đều là lâm tặc, sống bám vào rừng. Nhưng rồi rừng đã kiệt quệ, không còn chặt được cây gì, không bắt được con gì. Hơn nữa, kiểm lâm làm ngày càng gắt, có mấy người bị đi tù nên họ không thể “đi rừng” được. “Không có việc làm ở đây thì chúng tôi vẫn phải đi rừng thôi vì không biết làm gì nữa”, người ta nói với tôi. Còn nhớ, đi ra bến đò để vào hang, tôi gặp hàng trăm phụ nữ địa phương làm nghề chụp ảnh, một công việc mà thu nhập không đáng là bao khi ai ai cũng có điện thoại. Nói thế để thấy nhu cầu công ăn việc làm, kế sinh nhai bức bách như thế nào.

Bảo tồn và phát triển là chủ đề gây tranh luận liên tu bất tận, cả thế giới và ở đây. Nhưng “rừng vàng, biển bạc” mà dân không có việc làm thì họ chả phá tan hoang, còn đâu vàng hay bạc.

Công trình sai phạm trên Mã Pì Lèng. Ảnh: Internet

Khi nhìn Panorama ở Mã Pì Lèng, cảm giác đầu tiên là như cây đinh chọc vào mắt, thật khó chịu. Nó phá vỡ một cảnh quan kỳ vĩ. Nhưng nói thật, khi nghe bà chủ nói trong nước mắt lưng tròng, khi nghe chính quyền Hà Giang phân bua, cảm giác của tôi dịu đi, dù vẫn vương vấn hình ảnh khu nhà trong đầu.

Chợt nhớ, một lần lên Hà Giang, khi đi sâu vào bản mà thực ra là các ngôi nhà chênh vênh, cô độc, tôi chứng kiến hai đứa trẻ bê bết bùn đất, mặc độc cái áo trong cái lạnh cắt da, đang tranh ăn với lợn. Chúng nó đang bốc ăn cái gì đó trong bát để dưới đất thì con lợn xộc đến, hẩy chúng nó ngã nhào và ăn hết. Nhìn hai đứa trẻ mếu máo, trơ khấc, bạn không thể kìm lòng. Người dân chúng ta vẫn đang sống một cuộc sống như cách đây hàng trăm năm, hàng nghìn năm.

Kể lại câu chuyện đơn lẻ đó để thấy, người dân ở đó cũng cần phát triển như thế nào... Làm cách nào để họ bớt nghèo, để họ sống được bằng những giá trị như Mã Pì Lèng, giờ đã nổi danh cả nước?

Panorama sai thì sai rồi, cả bà chủ lẫn chính quyền địa phương nữa (tôi tin chính quyền ủng hộ dự án đó vì cũng muốn dân khá giả lên), nhưng thử hỏi có những gì ở đây đúng hết?

Kêu gọi đập thì dễ thôi, nhưng liệu có giải pháp nào khác, nhân văn hơn? Liệu có ai đó giúp họ?

*Tiêu đề bài viết do Tòa soạn đặt

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top