Aa

"Cây nhà": Rạo cá

Thứ Bảy, 21/03/2020 - 07:00

Thả rạo là một nghi thức tâm linh. Người chủ thuyền chọn được vùng có ngư trường cá đậm đặc bằng kinh nghiệm đánh bắt của mình, thì mới cho thả rạo, sau khi đã bày lễ thắp hương cầu mong may mắn.

Nói về nhà thì có nhiều loại: Nhà chung cư, nhà cấp bốn, nhà công sở, nhà biệt thự, nhà hộp, nhà ống, nhà sàn... Lại có “nhà cây” nữa, nghĩa là nhà làm trên cây. Tôi đã tận mắt thấy một ngôi nhà gác trên cây ở Đà Lạt, của một đạo diễn điện ảnh nổi tiếng. 

Còn “cây nhà” thì chỉ ở làng biển quê tôi mới có nhưng lại “xây” ở ngoài biển khơi. Không phải như nhà giàn của bộ đội hải quân trên các thềm đảo, nhà đây được “trồng” thì đúng hơn đó là “cây nhà”: Rạo cá...

“Cây nhà” thì tất nhiên phải làm bằng cây rồi nhưng nhà không có mái, hiên, thềm mà có “đọt” (ngọn) nhà và “neo” nhà. Thế giới loài cá cũng khá đa dạng phong phú và nhiều bí ẩn. Có loại sống ở các sạn đá, san hô, thường là các loại cá đặc sản như: Cá hồng, cá mú, cá nhở... Có loại cá đi bầy đàn từng vạt như cánh buồm: Cá trích, cá nục, cá bạc má... sống ở nơi nhiều phù du, lắm thức ăn. 

Đây là tầng cá nổi nên muốn quy tụ tập trung chúng lại phải có một ngôi nhà đủ các điệu kiện phù hợp cho chúng ở theo lớp lang khi hoàng hôn buông xuống. Lúc đó những “vạt buồm cá” đã no nê với muôn vàn phù du và sinh vật biển thì kéo về như đàn ong về tổ vậy. “Cây nhà” rạo cá bắt đầu được trồng từ đó.

Thả lưới ngoài khơi.

Thân rạo được làm bằng những cây tre to và thẳng. Tất nhiên là cây càng cao càng tốt, tre già, mắt tre dày. Người đi chọn tre thường là các chủ thuyền có kinh nghiệm đánh bắt và có cả số may mắn nữa, đang thời “ăn nên làm ra” mát tay, mát cá. 

Họ sục vào các làng quê để chọn tre và chọn theo mùa, theo tháng: Tre lúc đó dẻo dai và ít mọt nhất. Các thuyền viên còn lại thì được phân công đi mua lá muồng – Loại này ở trên rừng. Muồng lá dài, xanh nhọn và rậm rạp, đặc biệt chịu được độ mặn dưới biển, càng ngấm càng bền, ít rách. Đánh dây muồng để buộc quanh cây tre rạo là cả như một ngày hội trong những ngày biển động, dân biển mới có thời gian nghỉ ở nhà đánh rạo. 

Dây rạo được chọn bằng dây mây, có độ dẻo cao, càng xoắn càng dẻo, càng xoắn càng chắc. Ở đây không có cái khái niệm “lạt mềm buộc chặt” mà lạt dài, lạt to như dân biển quen ăn sóng nói gió. Hình như giữa biển và rừng luôn có một sợi dây bí ẩn liên hệ với nhau, bền chặt keo sơn như tổ tiên ông bà ta đã từng năm mươi con lên rừng và năm mươi con xuống biển trong truyền thuyết "Mẹ Âu Cơ" vậy. 

Buồm thì phải nhuộm bằng củ nâu đào trong rừng sâu. Nước củ nâu sánh ngả màu nâu không bao giờ phai, càng mặn càng đậm. Vị đậm mặn mòi nước biển nhuộm nâu cánh buồm như nhuộm màu da nâu bóng của người dân chài mà mỗi sợi tóc của họ đều có chân trắng ngấm muối, mồ hôi của họ rỉ ra cũng mang hơi muối mọc chân lông màu muối.

Ngày đánh rạo là cả một “cây người” trải dài trên mặt đất. Họ xoắn vào nhau, xoắn từng lạt giang cọng mây, xoắn vồng tay vồng ngực, xoắn cả giọng cười tiếng nói. Bền chặt, khăng khít, níu kéo, tất cả như quyện vào nhau như phả hồn vào cây rạo: “Cây nhà” của cá. Họ đo cây rạo bằng sải tay của mình chứ không phải bằng đơn vị mét từ thân cây tre đến tảng đá to neo buộc bằng chiều sâu từ đáy biển đến mặt nước khi thả rạo. 

Lúc đó chỉ trừ cho ngọn tre ló lên mặt nước vài ba mét được đánh dấu bằng một kí hiệu riêng nào đó mà chỉ riêng thuyền đó biết là rạo nhà mình. Tất cả những bó muồng đều được quấn quanh dây rạo đường kính khoảng 15 - 20 cm, còn chiều dài sợi dây từ 30 - 40m, tùy theo độ sâu của mực nước biển nơi bỏ rạo.

Thả rạo là một nghi thức tâm linh. Người chủ thuyền chọn được vùng có ngư trường cá đậm đặc bằng kinh nghiệm đánh bắt của mình, thì mới cho thả rạo, sau khi đã bày lễ thắp hương cầu mong may mắn. Thường, dưới đó là những cồn cát phù du đắp lên như một mâm cỗ bày sẵn dụ cá đến ở; Hay đáy biển đó có nhiều rạn đá san hô cho cá trú ẩn và đẻ trứng. Chủ thuyền buộc một hòn chì vào dây cước kéo rà sát mặt đất. Gặp rạn san hô thì mắc lại, còn cồn cát nhiều phù du thì chỉ biết được qua trực giác nhạy cảm của mình. 

Loài cá cũng nghệ sĩ lắm và có tính cộng đồng cao, lại phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết. Ví như, mực xây tổ như con ong uốn lượn theo từng nếp sóng như vồng khoai lang của dân làm ruộng. Mực chỉ thò cái đuôi ra ngoài vì thế khó nhử nó ra được, câu mực phải nẹo, “mực mẹo” mà. 

Ảnh minh họa

Còn cá đục trong đầu có một hạt sạn gặp bữa động trời, sấm rộ lên, hạt sạn làm đầu đau nhức, cá đục chúi đầu xuống ngập vào cát,  đố người nào câu được. Nhưng khi trời nổi giông thì các chàng mực lại thích uốn lượn phun mực phì phì “khoe mẽ” với mực cái, đó là thời điểm cho dân câu mực trổ tài. Còn đánh bắt ở rạo cá thường bằng vó ánh sáng. Chọn điểm bỏ rạo phải nằm theo hướng nước chảy để khi cá ngoài khơi áp vào từng đợt theo mùa, theo ven nước,  chui qua cái cửa tử giăng bẫy sẵn này. Có nhiều cây rạo được gọi là “rạo vàng” vì họ cứ tính, trồng mỗi cây rạo là thu hoạch được bao nhiêu cây vàng. Có người ví cây rạo vàng như gạo nằm trong chum, cứ ra đó mà xúc mang về.

Nhưng lạ thay, không phải ai cũng dễ tìm được cây rạo vàng. Có những cây rạo trồng xung quanh cây rạo vàng nhưng không có cá đến ở tùy theo địa chất dưới đó. Buổi chiều, từng “vạt buồm cá” bơi tung tăng nổi tăm như mưa rào nhởn nhơ quanh mấy cây rạo kia, nhìn đã mắt, nhưng đến tối thì chúng lặn biệt tăm, quay lại “cây nhà” rạo vàng. 

Thuyền rạo vàng ấy lưới vó trĩu nặng, múc cá từng vợt, từng vợt, ánh lân tinh lấp lánh như sao sa, thuyền viên hò reo hỉ hả bao nhiêu, thì mấy thuyền các rạo kia trố mắt buồn bã nhìn nhau ngủ gật. Có khi các thuyền bạn xin vào đánh chung rồi được chia phần. Lại có lúc xảy ra “cướp rạo” - Nghĩa là biển động nên thuyền rạo vàng về sớm, thuyền khác tranh thủ “đánh thép” mẻ lưới, nhưng cũng rất nguy hiểm nếu không về kịp bờ.

Tôi đã từng đi biển với dân chài làng tôi. Vì là khách, nhà văn làm báo, nên được xếp nằm ngủ cạnh chủ thuyền nơi sạp ván gần bánh lái thuyền cao nhất và sạch nhất. Nhìn ông chủ thuyền đang giấc lơ mơ, hơi rượu nồng nàn còn phảng phất, tôi giật mình vì thấy ông chẳng ngó ngàng gì hướng rạo cả. 

Đánh cá đêm (Ảnh minh họa)

Con thuyền xé nước trong mờ sương chỉ còn nghe tiếng sóng vỗ và tiếng máy đẩy rì rì giữa mênh mông biển khơi. Cứ thế gần chục tiếng đồng hồ thuyền chạy trong đêm, tôi không định hướng được mình đang ở đâu, xa bờ bao nhiêu hải lý, thì chợt chủ thuyền ngồi bật dậy ra lệnh: "Thả neo!". Xung quanh vẫn mịt mù sương khói, mùa biển giêng hai chẳng thấy gì dù cách nhau độ chục mét. Nhưng tang tảng sáng mai lại lạ chưa – Trời ơi , cây rạo nhà đã kề bên thuyền neo đậu lúc đêm. Thật tài! Có lẽ mọi giác quan của chủ thuyền dù lúc ngủ say cũng nghe được, thấm được, ngửi được mùi rạo.

                                                                                                                                                                Hà Tĩnh 3/2020

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top