Chuyên mục REABLOG của Reatimes ra đời, là một nơi để trao đổi, luận bàn hướng đến nhân văn và bền vững… Với sự cộng tác của các nhà văn, nhà báo và cộng tác viên có uy tín, mỗi ngày, chúng tôi sẽ gửi đến bạn đọc một câu chuyện nhỏ, một cảm nhận từ cá nhân tác giả về nhiều phương diện của cuộc sống hôm nay để chúng ta cùng chia sẻ. Ngày Thứ hai sẽ là câu chuyện của Nhà báo Phạm Nguyễn Toan (Toan), Thứ ba là Nhà văn Nguyễn Quang Thiều (Thiều làng Chùa), Thứ tư là Nhà văn Tạ Duy Anh (Lão Tạ), Thứ năm là Nhà báo Trần Đăng Tuấn (Tuấn Cơm có thịt), Thứ sáu là Nhà biên kịch Phạm Ngọc Tiến (Tiến trọc), Thứ bảy là Thượng tọa Thích Tâm Hiệp, Chủ nhật là Nhà văn, dược sỹ Trần Thanh Cảnh (Thầy Thanh Cảnh). Chuyên mục do Nhà văn Nguyễn Thành Phong trực biên tập. Chúng tôi mong đợi được bạn đọc đón nhận, cùng phản hồi, trao đổi, đồng hành cùng Reatimes vun đắp cho cuộc sống ngày càng nhiều ý nghĩa hơn. |
Cho đến tận bây giờ, cứ vào ngày mồng 5 Tết, làng tôi lại tổ chức khám đàng (khám đường làng). Đi đầu là một đôi thanh niên khỏe mạnh cầm một chiếc sào tre. Mỗi thanh niên đi trên mép một bên đường làng và cả hai giữ cân bằng chiếc sào tre trên tay họ. Đi sau họ là một vài cụ già ăn mặc chỉnh tề. Sau đó là một đoàn thanh niên với cuốc thuổng, dao dựa. Họ đi từ đầu làng đến cuối làng trong tiếng chiêng, tiếng trống. Nếu một đầu cây sào tre chạm vào bất cứ một vật cản nào đó như nhà cửa, chuồng gà chuồng lợn, cây cối... thì chủ của những vật cản kia phải dỡ bỏ với sự trợ giúp của các thanh niên làng. Chiều dài của chiếc sào chính là phần đường làng cùng khoảng lưu không được làng qui định từ xa xưa mà mọi người làng phải chấp nhận, không ai được phép lấn chiếm. Có người xây nhà lấn chiếm cũng phải dỡ bỏ. Cây sào tre này được giữ trong đình làng tôi không biết đã bao đời nay. Hàng năm đến ngày khám đàng thì được lấy ra dùng.
Hồi nhỏ ở làng, năm nào lũ trẻ con chúng tôi cũng chạy theo xem khám đàng. Và từ hồi đó đến giờ, tôi chưa thấy bất cứ gia đình nào vi phạm lệ làng lại có thái độ chống đối. Tất cả đều phải xin lỗi làng và thực hiện dỡ bỏ mọi công trình hay cây cối mà họ lấn chiếm phần đất của làng. Tưởng ở một làng nhỏ bé chỉ có những người nông dân với hương ước và các lệ làng hầu như chỉ truyền miệng được người dân chấp hành nghiêm minh như thế thì với quốc gia có bộ luật và rất nhiều cơ quan chức năng sẽ chẳng ai dám vi phạm. Thế nhưng, chúng ta từng chứng kiến có không ít những ngôi nhà lấn chiếm đất công và không ít công trình phạm luật bảo vệ môi trường, luật xây dựng... vẫn ngang nhiên như là đất nước này không hề có luật pháp.
Tại sao với những người nông dân mà dân trí chưa cao lại chấp hành nghiêm minh những luật lệ do làng đặt ra từ đời này đến đời khác còn luật nước thì lại bị coi thường. Có rất nhiều lý do mà những người nông dân làng tôi chấp hành nghiêm minh lệ làng, nhưng có một lý do mà tôi thấy rất rõ và muốn nói đến. Đó là lòng tự trọng và khả năng biết xấu hổ của những người làng tôi. Bây giờ, một người ăn trộm một ổ trứng hay một con gà bị phát hiện thì anh/chị ta cùng gia đình và dòng họ của người ăn trộm thấy vô cùng xấu hổ.
Trước kia có người ăn trộm bị làng phát hiện hiện xấu hổ quá phải bỏ làng đi nơi khác sinh sống bao nhiêu năm sau mới dám quay về làng. Còn trong đất nước mình người ta ăn cắp hàng ngàn tỉ một cách công khai lại không hề thấy xẩu hổ. Có không ít cơ quan cả thủ trưởng lẫn cấp dưới cùng nhau ăn cắp của công và coi đó như là chuyện thường tình. Và tôi tin rằng: luật pháp nghiêm minh nhất để giữ cho con người sống trong sạch và vì cộng đồng chính là lòng tự trọng và sự biết xấu hổ của con người.