Đã hơn 2 tháng kể từ khi Việt Nam và nhiều quốc gia trên thế giới phải gồng mình chống chọi với dịch bệnh Covid-19. Quý I/2020 sắp qua đi, để lại một bức tranh không mấy sáng màu cho nền kinh tế bởi tác động của dịch bệnh lên hàng loạt các nhóm ngành. Có những doanh nghiệp đã phải tạm ngừng kinh doanh, có những doanh nghiệp phải sa thải nhân viên và có những doanh nghiệp đã buộc phải phá sản.
Trước cơn bão cuốn đi cả sức người và sức của ấy, thì tinh thần và ý chí là điều quan trọng hơn bao giờ hết, để có đề kháng chống lại dịch bệnh, để có sức khỏe vực dậy sau bão. Thấu hiểu điều đó hơn ai hết, những người lãnh đạo doanh nghiệp, dù vẫn đau đáu nỗi lo kết quả kinh doanh sụt giảm, bạc đầu để tính toán, siết lại từng loại chi phí, đảm bảo làm sao vẫn có thể vận hành doanh nghiệp đúng quỹ đạo và trả lương đúng ngày cho nhân viên trong tình hình dịch bệnh, thì vẫn không quên truyền nguồn năng lượng tích cực nhất, ý chí quyết tâm nhất tới các nhân viên của họ.
3 giải pháp tái cấu trúc của Hòa Bình Corp
Không nằm ngoài tầm ảnh hưởng của "cơn bão" Covid-19, Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng đã và đang chịu những tổn thất nặng nề về nhiều mặt. Dù vậy, giữ vững tinh thần quyết tâm và "cái đầu lạnh" của người lãnh đạo, ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT Hoà Bình Corporation đã gửi bức thư truyền tải đi thông điệp, khích lệ tinh thần cán bộ nhân viên và nêu ra 3 giải pháp tái cấu trúc, để cùng đồng hành vượt qua dịch bệnh.
"Anh, chị, em thân mến!
Những diễn biến gần đây của nền kinh tế trên toàn thế giới do đại dịch Covid-19 gây ra đang xấu đi rất nhanh chóng và sẽ tiếp tục có những hậu quả thật khó lường! Vì vậy, chúng ta cần triển khai hết sức mạnh mẽ, khẩn trương và đồng thời nhiều biện pháp để vượt qua cuộc khủng hoảng chưa từng có này.
Song song với các giải pháp mang tính chiến lược cho hàng thập kỷ, lãnh đạo của Tập đoàn đã chuẩn bị những biện pháp vừa phù hợp với việc phát triển lâu dài, vừa đáp ứng cho việc đối phó với cuộc khủng hoảng trước mắt để duy trì bộ máy quản lý sản xuất kinh doanh, bảo đảm công ăn việc làm cho nguồn nhân lực rất lớn hiện nay; đồng thời, giúp Tập đoàn nhanh chóng khôi phục sau cuộc khủng hoảng.
Những giải pháp đó cụ thể gồm 3 nhóm tái cấu trúc đó là: Tái cấu trúc hệ thống quản lý; Tái cấu trúc nguồn nhân lực; Tái cấu trúc về tài chính.
Nhóm một về Tái cấu trúc hệ thống quản lý: Tái cấu trúc hệ thống quản lý nhằm cho phép đại đa số thành viên có thể làm việc trên internet không nhất thiết phải tập trung tại trụ sở.
Cụ thể bao gồm: Thứ nhất áp dụng Hệ thống tác nghiệp online để phối hợp làm việc giữa các phòng ban cũng như công trường. Yêu cầu tất cả công việc của cá nhân, đơn vị phải được hoạch định, báo cáo kết quả thực hiện trên hệ thống này. Đây cũng là cơ sở để trả lương cũng như giải quyết các chế độ phúc lợi, khen thưởng và đề bạt nhằm đảm bảo hơn sự công bằng; Thứ hai áp dụng tối đa các hệ thống internet hiện có phục vụ cho việc họp trực tuyến; Thứ ba áp dụng chữ ký số để thông qua các bước xử lý công việc theo quy trình kể cả phê duyệt các hồ sơ thanh toán mà không cần phải in ấn.
Cách làm việc này sẽ tiếp tục duy trì lâu dài như là một trong những biện pháp nâng cao trình độ quản lý, cải thiện chất lượng và năng suất lao động, tăng cường tính kỷ luật và hiệu quả tương tác giữa các cá nhân, đơn vị trên diện rộng.
Nhóm hai về Tái cấu trúc nguồn nhân lực: Tái cấu trúc nguồn nhân lực theo phương châm phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo thêm việc làm hữu ích cho toàn thể thành viên Tập đoàn trong thời kỳ khủng hoảng, hướng đến mục tiêu không có một nhân tố tích cực nào phải bị cho nghỉ việc vì không bố trí được việc làm (Phương châm này nhất quán với chính sách mà Tập đoàn đã duy trì liên tục trong suốt ba thập kỷ qua và chúng ta nhất định sẽ không thay đổi trong nhiều thập kỷ tới). Tái cấu trúc nguồn nhân lực bao gồm 5 giải pháp sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác đào tạo trên hệ thống E-learning có nội dung đào tạo được thiết kế cho từng cá nhân phù hợp với chiến lược phát triển kinh doanh và định hướng mở rộng thị trường nước ngoài. Kiểm tra chặt chẽ kết quả đào tạo online, đảm bảo tính trung thực; không để xảy ra tiêu cực trong thi cử; xử lý nghiêm với hình thức kỷ luật cao nhất (cho thôi việc) những trường hợp vi phạm quy chế và gian lận trong thi cử.
Thứ hai, nguồn nhân lực nội bộ sau khi được đào tạo sẽ được c lựa chọn để làm việc bán thời gian hoặc toàn thời giao cho các Công ty thành viên, Công ty mua bán sáp nhập, các đối tác chiến lược trong chuỗi cung ứng của Tập đoàn nhằm xây dựng một chuỗi cung ứng có chất lượng cao, hình thành "Hệ Sinh thái Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình".
Thứ ba, tăng cường nhân lực cho việc phát triển kinh doanh và mở rộng thị trường, nâng cao tính chủ động trong việc tiếp cận với khách hàng tiềm năng tại tất cả các cấp quản lý.
Thứ tư, tạm ngừng việc thành lập các phòng, ban mới cho đến khi Tổng Giám đốc ban hành sơ đồ tổ chức đã được tái cấu trúc.
Thứ năm, với nguồn nhân lực dôi ra do thiếu công việc, phòng Nhân sự sẽ đưa ra những tiêu chí rõ ràng, minh bạch để đánh giá và sàng lọc. Tất cả những nhân viên có nhiều cống hiến, có tinh thần cầu tiến, có thái độ tích cực trong công tác sẽ được giữ lại dù chưa bố trí được công việc ngay. Những nhân viên này sẽ được hướng dẫn thực hiện công tác đào tạo theo định hướng trên.
Nhóm ba về Tái cấu trúc tài chính: Đó là nâng cao năng lực tài chính và tái cấu trúc nguồn tài chính với mục tiêu sử dụng nguồn vốn hiệu quả, đảm bảo khả năng thanh toán, duy trì hoạt động kinh doanh ổn định của Tập đoàn. Cụ thể bao gồm 7 giải pháp sau:
Thứ nhất, lập một quỹ thuộc Công đoàn phù hợp với quy định của pháp luật, khuyến khích các thành viên của Tập đoàn đầu tư vào cổ phiếu HBC thông qua quỹ này. Qua đó, thể hiện sự cam kết gắn bó lâu dài với Tập đoàn để cùng chia sẻ rủi ro, chia sẻ gian nan - thử thách cũng như phú quý - vinh quang; cùng sát cánh với Ban lãnh đạo vượt qua bất cứ khó khăn nào.
Thứ hai, kêu gọi toàn bộ thành viên của Tập đoàn đóng góp một phần tiền lương nhận được kể từ tháng 3/2020 vào Quỹ nói trên theo tinh thần tự nguyện.
Thứ ba, tiết giảm tối đa chi phí tiền lương, tiền ngoài giờ, tiền thưởng hiệu suất, các phụ cấp không thiết yếu và các chi phí chung khác (hướng dẫn chi tiết và cụ thể sẽ được phổ biến sau).
Thứ tư, do dự án xây dựng trên toàn thị trường bị giảm sút nên giá của nhiều mặt hàng sẽ giảm theo. Phòng Vật tư, phòng Quản lý Thầu phụ, công ty Matec cùng tất cả các đơn vị mua hàng, bán thanh lý vật tư phế liệu cần phải khai thác hệ thống mua sắm điện tử của Công ty và vận dụng tối đa cơ chế "đấu giá" để đảm bảo tính cạnh tranh và minh bạch.
Thứ năm, phòng Dự thầu cần cập nhật thường xuyên hơn giá mua hàng qua đấu giá điện tử cũng như căn cứ mức giảm các chi phí khác từ thành quả của việc tái cấu trúc để nâng cao tính cạnh tranh của giá dự thầu.
Thứ sáu, các đơn vị nghiệp vụ liên quan ở cả công trường và văn phòng cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa để kiểm soát dòng tiền, đảm bảo cân đối thu - chi, không để phát sinh thêm nợ khó đòi.
Thứ bảy, tái cơ cấu nguồn vốn theo mô hình kinh doanh mới, tránh gây ra xung đột lợi ích, thúc đẩy cạnh tranh lành mạnh trong toàn hệ sinh thái của Tập đoàn.
Không chỉ giới hạn trong những giải pháp đã đề ra nói trên; Ban lãnh đạo kêu gọi các cấp quản lý trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có thể đưa ra thêm nhiều sáng kiến và chủ động triển khai những giải pháp được cho là hữu hiệu nhất.
Thay mặt Ban lãnh đạo tôi xin gửi đến anh, chị, em lời cảm ơn chân thành và sâu sắc nhất về tất cả những nỗ lực, những sáng kiến quý báu mà anh, chị, em đóng góp nhằm giúp Tập Đoàn của chúng ta vượt qua khó khăn này cũng như đã từng vượt qua bao sóng gió với nhiều thăng trầm trong suốt ba thập kỷ qua".
CEO Group và chiến dịch "ngủ đông động" để sẵn sàng về đích
Trong "Hịch nội bộ" gửi tới cán bộ nhân viên CEO Group mới đây, ông Đoàn Văn Bình, Chủ tịch Tập đoàn đã đặt ra câu hỏi: Người CEO phải làm gì khi đối mặt với thách thức thế kỷ này?
Và vị lãnh đạo ấy cũng đã đưa ra 5 giải pháp, không chỉ nhằm khích lệ tinh thần mà còn là những định hướng phát triển mới, để dù "ngủ đông" nhưng vẫn luôn sẵn sàng về đích.
"Thứ nhất, chúng ta cần biết cách tự bảo vệ bản thân, gia đình mình, đề cao ý thức bảo vệ cộng đồng. Chúng ta đang được Chính phủ, các địa phương và được CEO GROUP bảo vệ. Chúng ta sẽ nghiêm chỉnh chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch của Chính phủ, của các địa phương và của CEO GROUP. Đây cũng là thời gian thích hợp để chúng ta bên gia đình, nâng cao sức khoẻ, tự học, yêu mình và yêu người hơn.
Thứ hai, chúng ta đã thành lập Nhóm chỉ huy chống dịch Covid-19 của Tập đoàn. Chính phủ, chính quyền địa phương đã có các phương án cách ly và chúng ta cũng đang chủ động và sẵn sàng bố trí khu cách ly cho Người CEO & cho cộng đồng. Nếu chẳng may ai đó bị phơi nhiễm, bị cách ly, CEO GROUP sẽ làm hết sức trong khả năng của mình để bạn và gia đình bạn có sự chăm sóc y tế tốt nhất. Chúng ta là một gia đình. Chúng ta luôn bên nhau.
Các bạn là tài sản vô giá của CEO GROUP và CEO GROUP sẽ bảo vệ các bạn hết mình trong đại dịch. Mỗi Người CEO là một chiến binh dũng cảm. 27 đơn vị CEO GROUP là 27 tiểu đoàn, lập thành một trung đoàn quân mạnh mẽ, khó bị đánh bại.
Thứ ba, 18 năm qua chúng ta luôn cống hiến hết mình “vì cuộc sống chất lượng hơn” cho cộng đồng. Khi cộng đồng gặp hoạn nạn là lúc chúng ta có trách nhiệm và tự nguyện sẻ chia.
Người CEO đang triển khai các hoạt động chung tay như sản xuất và tặng hàng trăm nghìn khẩu trang, hàng vạn quần áo bảo hộ cho các bệnh viện tuyến đầu và ngành y tế các địa phương như Hà Nội, Quảng Ninh, Phú Quốc, Hà Nam, TP.HCM, các tỉnh Miền Tây...
Chúng ta sẽ tiếp tục “bầu ơi thương lấy bí cùng” với cộng đồng, chung tay chống dịch cùng đất nước. Chúng ta luôn tâm sáng với triết lý của Đạo Phật: Vô Ngã - Vị Tha
Thứ tư, chúng ta đã kích hoạt nút Ngủ đông (hibernation) từ nhiều tuần trước. Tôi muốn bổ sung cho khái niệm này là Ngủ đông động (active hibernation). Ngủ nhưng thức để sẵn sàng bật dậy về đích 2020, 2021 và xa hơn nữa.
Khắp các mặt trận, chúng ta vẫn tiếp tục hoàn thiện thủ tục pháp lý, đền bù, giải phóng mặt bằng, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, bảo trì công trình, tiếp tục duy trì vận hành các khu nghỉ dưỡng Novotel Phu Quoc Resort, Novotel Villas, BW Premier Sonasea Phu Quoc, đào tạo thực tập sinh điều dưỡng, sinh viên ngành du lịch...
Người CEO ở Vân Đồn, Bắc Ninh, Thủ đô Hà Nội, Nha Trang, TP.HCM, Cần Thơ, Kiên Giang và Phú Quốc vẫn làm việc miệt mài và tinh thần không khuất phục để thực hành Kế hoạch tiếp tục sản xuất kinh doanh (BCP-Business continuity plan). Mỗi đơn vị, mọi thành viên Ban Lãnh đạo và cả Tập đoàn cần xây dựng kế hoạch duy trì công việc trong bất cứ kịch bản chống dịch nào để hướng về mục tiêu, để làm yên lòng khách hàng, cổ đông, đối tác.
Hết dịch là chúng ta có thể tăng tốc như chiếc xe Lexus, đủ nhanh, đủ mạnh.
Thứ năm, Covid-19 bắt đầu và sẽ định hình lại cuộc chơi toàn cầu. Chính trị, tôn giáo, các giá trị, các khái niệm và nhiều thứ nữa sẽ khác đi. Nhưng không đồng nghĩa với mọi thứ đều tiêu cực. Chúng ta cần nhìn vào mặt tích cực nó mang lại như giá trị của cuộc sống con người được quý trọng hơn, “Đông Tây hội ngộ” hơn để thế giới tốt đẹp hơn.
Kinh tế thế giới thì sao?
Các dòng chảy chính sẽ thay đổi để thích ứng. Các quốc gia cũng sẽ thay đổi để ứng phó. Theo đó là các doanh nghiệp cũng phải hành động tương tự.
Tôi kêu gọi Ban Lãnh đạo và mọi Cán bộ nhân viên suy nghĩ, học hỏi để tìm ra các sáng kiến, các cách thức, các lĩnh vực, các sản phẩm, dịch vụ mới giúp Tập đoàn luôn chủ động trong cuộc chơi thách thức hơn, nhưng thú vị hơn ở phía trước để phát triển bền vững, đóng góp ngày càng nhiều cho cộng đồng, góp công sức nhỏ bé của mình vì một Việt Nam hùng cường".
Mường Thanh: "Không ai phải nghỉ. No đói có nhau"
Với hệ thống khách sạn tư nhân trải dài khắp cả nước, Mường Thanh cũng đang phải chịu những hệ quả nặng nề của dịch bệnh Covid-19.
Theo đó, bên cạnh bất động sản thì lĩnh vực kinh doanh du lịch, khách sạn của Tập đoàn này cũng rơi vào trạng thái "đóng băng", tỷ lệ khách đặt phòng gần như bằng không. Thời điểm cao nhất chỉ khoảng 1 - 5%, khiến doanh thu sụt giảm rất lớn.
Hơn 60 khách sạn trải dài từ Nam chí Bắc và có mặt ở hầu khắp những điểm du lịch nổi tiếng, với tiêu chuẩn từ 4 đến 5 sao, hiện Tập đoàn Mường Thanh đang giải quyết việc làm cho gần 30.000 lao động. Và trong bối cảnh kinh doanh ảm đạm, gần như không mang lại doanh thu, nhiều nhân viên của Tập đoàn như "ngồi trên đống lửa" bởi một tương lai mất việc, nghỉ không lương là điều dễ đoán.
Trước những con số thiệt hại nặng nề trong các hoạt động kinh doanh của Tập đoàn do hậu quả của Covid-19, các cán bộ cao cấp của Tập đoàn muốn xin ý kiến Chủ tịch có nên cắt giảm bớt nhân viên để giảm bớt chi phí trong giai đoạn quá khó khăn này hay không, ông Lê Thanh Thản, Chủ tịch Tập đoàn Mường Thanh đã nói: "Không ai phải nghỉ việc cả. Cả nước chống dịch, mình cũng chống dịch. Lúc thuận lợi thì kêu gọi quân bên dưới làm hết lòng hết dạ, lúc gặp khó khăn lại đẩy họ ra là cớ làm sao? Các chú cứ xác định mình sẽ no đói có nhau nhé! Yên trí về làm nhiệm vụ đi!"
Được biết, ngay từ khi có các thông tin về dịch bệnh Covid-19, Tập đoàn Mường Thanh đã yêu cầu toàn thể cán bộ, nhân viên thực hiện theo các khuyến cáo được đưa ra bởi Bộ Y tế. Tăng cường công tác phòng, chống lây lan của dịch bệnh gây ra do Covid-19 bao gồm: Đeo khẩu trang trong suốt thời gian có mặt tại nơi làm việc; Đo thân nhiệt trước khi vào làm việc; Hạn chế tiếp xúc; Vệ sinh tay thường xuyên bằng dung dịch sát khuẩn; Đến ngay các cơ sở y tế nếu có các dấu hiệu ho, sốt, khó thở.
Bên cạnh đó, Tập đoàn cũng đã sắp xếp nhân sự hợp lý trong các ca làm việc; Không cử nhân viên cán bộ đi công tác ngoài đơn vị. Dừng ngay các sự kiện, hoạt động nội bộ và bên ngoài đơn vị không cần thiết.
Đồng thời, yêu cầu cán bộ nhân viên khai báo y tế một cách trung thực, đầy đủ các thông tin có liên quan đến dịch bệnh và cách ly nếu bị nhiễm, nghi nhiễm, hoặc đã từng tiếp xúc với người nhiễm hoặc nghi nhiễm. Tập đoàn cũng đề nghị cán bộ nhân viên chỉ tiếp nhận các thông tin liên quan đến dịch bệnh từ nguồn tin của Bộ Y tế và WHO, tuyệt đối không gây hoang mang, nhiễu loạn thông tin.