Aa

Chặt hạ hơn 1000 cây xanh: Dân tiếc nuối, GS nói "đau" cũng phải làm

Chủ Nhật, 04/06/2017 - 13:51

Trong khi người dân tiếc nuối vì Hà Nội quyết định chặt hạ 1.300 cây xanh thì GS. Nguyễn Lân Hùng cho rằng, đó là việc cần thiết, "đau" cũng phải làm!

Để mở rộng đường Phạm Văn Đồng, Hà Nội sẽ đánh chuyển, chặt hạ 1.300 cây xanh, phần lớn là xà cừ lâu năm trước ngày 30/9. Sở Xây dựng Hà Nội đã mời các chuyên gia, giảng viên đại học Nông nghiệp để tham vấn ý kiến, tuy vậy vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.

Đại diện ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội khẳng định, việc di chuyển, chặt hạ cây xanh là bắt buộc, trong khi nhiều người dân bày tỏ tiếc nuối và cho rằng thêm một lần Hà Nội lại vội vàng khi thay thế, chặt hạ cây xanh.

Nhiều ý kiến cho rằng, nên giao cho các hội Thực vật học, hội Sinh thái học, hội Môi trường... nghiên cứu xem trồng cây gì trên tuyến phố nào của Hà Nội.

Theo kế hoạch, đơn vị thi công sẽ chặt hạ hơn 1.000 cây, di chuyển 158 cây, cắt tỉa 142 cây. Trong số này có 986 cây xà cừ đường kính từ 0,4m đến 1,2m; còn lại là sấu, hoa sữa, phượng vĩ... (Ảnh VNE)

Theo kế hoạch, đơn vị thi công sẽ chặt hạ hơn 1.000 cây, di chuyển 158 cây, cắt tỉa 142 cây. Trong số này có 986 cây xà cừ đường kính từ 0,4m đến 1,2m; còn lại là sấu, hoa sữa, phượng vĩ... (Ảnh VNE)

Tuy nhiên, khi nhiều ý kiến phản đối việc thay thế, chặt hạ cây xanh ở đường Phạm Văn Đồng thì GS. Nguyễn Lân Hùng, Tổng thư ký hội Các ngành Sinh học Việt Nam lại đồng tình với Hà Nội.

“Tôi rất tán thành với quyết định này. Tôi nói thật là lâu nay tôi rất lo sẽ có chuyện đổ cây ở đường Phạm Văn Đồng, đường đó khi mưa bão, gió rất mạnh, mật độ đi lại đông nên dễ gây nguy hiểm với người tham giam gia giao thông. Tôi vẫn nghĩ bao giờ đoạn đường đó mới được thay bằng cây mới? Đây là dịp chúng ta chỉnh trang lại, chọn lựa những giống cây phù hợp, trồng vĩnh cửu. Bây giờ làm đường mới, chúng ta cũng cần thay bằng cây mới phù hợp hơn, giữ cho Thủ đô xanh đẹp, bền vững”, GS. Nguyễn Lân Hùng nêu quan điểm.

GS. Nguyễn Lân Hùng cho rằng, sẽ có nhiều luồng ý kiến trái chiều nhưng chỉnh trang là nhiệm vụ bắt buộc, ở nhiều nước họ cũng làm như vậy. Chỉnh trang và chọn được giống cây tốt là việc nên làm. Có những nước, họ thay thế cây mới, sau 60-70 năm cây vẫn xanh tốt, không hề bị đổ.

“Cây xà cừ là loại cây dễ bị sâu, mưa bão dễ đổ và như vậy sẽ đe dọa đến tính mạng người tham gia giao thông. Theo tôi, không nên trồng cây xà cừ làm cây đô thị vì không đảm bảo an toàn”, GS. Nguyễn Lân Hùng nhấn mạnh.

GS. Nguyễn Lân Hùng thẳng thắn nêu quan điểm: “Việc thay thế, chặt cây là rất đau đớn nhưng trước đây chúng ta quy hoạch không tốt thì bây giờ phải làm. Chỉnh trang là việc tất yếu, không thể vì nhìn thấy hàng cây xanh sẽ bị thay thế mà bỏ quên lợi ích tương lai, do vậy dù có "đau" thì người dân cũng cố “ráng chịu”. Có những thứ chúng ta phải chấp nhận hi sinh nhưng việc làm đó là để tương lai tốt hơn”.

Sở Xây dựng Hà Nội đã mời các chuyên gia, giảng viên đại học Nông nghiệp để tham vấn ý kiến, tuy vậy vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều (Ảnh VNE)

Sở Xây dựng Hà Nội đã mời các chuyên gia, giảng viên đại học Nông nghiệp để tham vấn ý kiến, tuy vậy vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều (Ảnh VNE)

Trái ngược với quan điểm của GS. Nguyễn Lân Hùng, nhiều luồng ý kiến phản bác vì cho rằng, phần lớn những cây được trồng thời Pháp thuộc đã có nghiên cứu và bằng chứng ở nước họ, đô thị cây xanh được làm rất bài bản. Việc thay thế, chặt hạ hơn 1.300 cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng là lãng phí và phá nát “lá phổi” thành phố.

Lý giải về điều này, GS. Nguyễn Lân Hùng nói: “Có rất nhiều loại cây thay thế tốt hơn và phát triển nhanh hơn như bàng Đài Loan chẳng hạn. Nhiều người vẫn nghĩ rằng, trước đây Pháp trồng các loại cây xanh ở Hà Nội là đã có những nghiên cứu và họ vin vào ở Pháp việc quy hoạch cây xanh rất hiệu quả. Nhưng, đó không phải là lý do thỏa đáng. Thực tế, có nhiều tuyến phố, cây xà cừ bị sâu, bật gốc... Tôi nhớ, xà cừ là loại cây rễ rất nông, phát triển nhanh, những năm 60-70 của thế kỷ trước đã được trồng rất nhiều quanh khu vực bờ Hồ, nhưng chỉ qua mấy trận bão lớn là gãy đổ la liệt. Tấ cả những cây thời Pháp trồng bây giờ đẹp và hiệu quả còn lại là cây sấu”.

Theo quan điểm của GS. Nguyễn Lân Hùng, chúng ta nên thay thế cây xà cừ bằng những loại cây khác, có hiệu quả cao như cây sấu, cây gạo, có tuổi thọ hàng trăm năm mà không bị mối mọt. “Theo tôi, các sở, ngành Hà Nội cần thông tin cho người dân hiểu rõ, việc thay thế là thay những cây cong nghiêng, sâu mục không an toàn, những cây không thuộc chủng loại cây đô thị là cần thiết”.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top