Aa

"Chật vật" chạy đua Basel II, Vietinbank có quá vội vàng?

Thứ Hai, 30/09/2019 - 15:30

Dù là một trong những ông lớn trong ngành tài chính, nhưng lần này có vẻ như Vietinbank đang là người chậm chân về đích trong cuộc đua Basel II.

Theo quan sát, tính đến nay đã có nhiều ngân hàng được phê duyệt áp dụng Basel II gồm VCB, VIB, OCB, MBB, TPB, ACB, TCB, VPB, MSB, Shinhan Việt Nam (SHB VN).

Trong khi một số ngân hàng không ở trong diện thí điểm là OCB và TienphongBank lại về đích trước hạn, thì “ông lớn” ngân hàng nằm trong top đầu như BIDV và VietinBank (CTG) lại lề mề đi sau.

Tuy vậy, theo thông tin mới nhất từ BIDV, thương vụ phát hành tăng vốn dự kiến được hoàn thành vào quý cuối năm 2019. Đối với BIDV, việc bán cổ phần cho KEB Hana Bank sẽ giúp ngân hàng này thu về 20,3 nghìn tỷ và nhận được sự hỗ trợ dài hạn về quản lý. Yếu tố này sẽ giúp nhà băng cải thiện bộ đệm vốn, nhờ đó BIDV có thể đáp ứng được Basel II, tạo điều kiện cho tăng trưởng tín dụng cao hơn và giảm áp lực huy động.

Như vậy, sự lo ngại đổ dồn về CTG!

Cùng lúc chạy nhiều đường đua

Gần đây, Vietinbank liên tục đưa ra thông báo bán gấp rút tài sản. Tính riêng tháng 9, ngân hàng công bố xử lý 6 tài sản thế chấp với 2 bất động sản giá trị lớn nhất theo giá bán là quyền sử dụng đất của bên ủy quyền tại thửa đất số 131, tại Vĩnh Phúc có giá khởi điểm 12 tỷ đồng. Thứ hai là căn hộ chung cư số A1705, diện tích 155,6 m2, tòa A, chung cư 48 tầng Keangnam Vina có giá bán dự kiến hơn 6,2 tỷ đồng. Một số tài sản khác được VietinBank thông báo bán, xử lý gồm nhà, đất, ôtô, cũng có mức giá thanh lý dao động 50-650 triệu đồng.

Tính từ đầu năm, VietinBank đã có gần 70 thông báo thu hồi, bán và xử lý tài sản đảm bảo. Trong đó có nhiều tài sản được rao bán nhiều lần, đơn cử như nhóm tài sản được VietinBank Thái Bình thông báo đấu giá 21 lần gồm các thiết bị cẩu, xe con, cần cẩu… có giá khởi điểm gần 1,7 tỷ đồng. VietinBank Sầm Sơn rao bán tài sản 8 lần gồm quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất tại Sầm Sơn giá khởi điểm 76,7 tỷ đồng vào tháng 5, hay VietinBank Bắc Hưng Yên thông báo bán tài sản đảm bảo 5 lần gồm quyền sử dụng 784m2 với tổng giá khởi điểm gần 1,9 tỷ đồng.

Vietinbank vừa chạy đua phát hành trái phiếu và bán tài sản để kịp cho cuộc đua tăng vốn theo yêu cầu của NHNN (Ảnh: Internet)

Cùng việc với bán tài sản, Vietinbank cũng là một trong những ngân hàng tích cực nhất trong việc phát hành trái phiếu. Tuy vậy, trong cuộc đua phát hành trái phiếu, ngân hàng này cũng khiến nhà đầu tư đặt ra dấu hỏi về sự vội vàng. Chẳng hạn như việc giấu tên doanh nghiệp ôm trái phiếu nhiều đợt.

VietinBank mới đây công bố kết quả phát hành trái phiếu riêng lẻ đợt 3/2019. Theo công bố danh sách trái chủ, một “doanh nghiệp A*” đã mua 400 tỷ đồng trong số 500 tỷ đồng trái phiếu do ngân hàng phát hành đợt 3/2019. 

Trong đợt phát hành trước đó, “doanh nghiệp A*” này cũng đã mua 100 tỷ đồng trái phiếu phát hành đợt 2 của Vietinbank. Từ đầu năm, VietinBank thông báo phát hành tổng số 5.650 tỷ đồng trái phiếu gồm 4 đợt.

Đợt 1, ngân hàng chào bán 50 tỷ đồng với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, trong tháng 7 - 8. Lãi suất trái phiếu cố định 8,2%/năm với toàn bộ kỳ hạn 15 năm.

Đợt 2, ngân hàng phát hành riêng lẻ 100 tỷ đồng trái phiếu với mệnh giá 1 tỷ đồng/trái phiếu, trong tháng 7 - 8. Lãi suất trái phiếu thả nổi tính bằng mức tham chiếu cộng với biên độ 1,2% với toàn bộ kỳ hạn 10 năm. Ngày thực hiện quyền mua lại là 5 năm từ ngày phát hành. Đồng thời, ngân hàng cũng được quyền mua lại trước hạn toàn bộ hoặc một phần trái phiếu.

Đợt 3, ngân hàng chào bán 500 tỷ đồng trái phiếu, mệnh giá 1 tỷ đồng, thực hiện trong quý III, IV. Lãi suất trái phiếu cố định 8%/năm với toàn bộ kỳ hạn 7 năm. Trái phiếu là loại không chuyển đổi, không được đảm bảo bằng tài sản của tổ chức phát hành, thỏa mãn các điều kiện để được tính vào vốn cấp 2 theo quy định.

Đợt 4, ngân hàng phát hành 5.000 tỷ đồng trái phiếu theo 2 giai đoạn: 400.000 trái phiếu đợt đầu và 100.000 trái phiếu đợt 2 cùng phần còn lại không bán hết.

Trong bản cáo bạch phát hành trái phiếu đợt 4 này, Vietinbank cho biết, mục đích của đợt phát hành là tăng quy mô vốn hoạt động cho VietinBank và thực hiện cho vay nền kinh tế. Với 5.000 tỷ đồng dự kiến thu về, ngân hàng sẽ giải ngân 1.500 tỷ đồng vào lĩnh vực năng lượng, 1.400 tỷ đồng vật liệu xây dựng. Ngân hàng cũng dự kiến giải ngân 500 tỷ đồng vào lĩnh vực xây dựng, còn lại đầu tư vào lĩnh vực khác.

Trong năm 2019, VietinBank được NHNN cho phép phát hành 10.000 tỷ đồng trái phiếu với lãi suất do ngân hàng tự quyết định.

VietinBank là một trong 10 ngân hàng thí điểm áp dụng Basel II. Theo lộ trình của NHNN, 2019 là hạn chót để nhà băng đạt tiêu chuẩn này.

Chỉ riêng năm 2018, VietinBank đã có tới 8 đợt phát hành trái phiếu. Nút thắt tăng vốn vẫn chưa được tháo gỡ, trong khi phải đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) để tăng trưởng kinh doanh, bảo toàn thị phần, mà phía trước thời hạn áp dụng Basel II đã gần kề.

Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2019 tổ chức hồi cuối tháng 4 vừa qua, ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch VietinBank cho biết, tính đến cuối năm 2018, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (CAR) riêng lẻ của ngân hàng là 9,6% và hợp nhất là 10%. Tuy nhiên, nếu áp dụng theo Thông tư 41, CAR của ngân hàng lại ở mức dưới 8%.

Ông Thọ cũng cho biết, từ năm 2013, vốn của VietinBank không tăng. Ngân hàng đã thực hiện nhiều giải pháp thay thế nhằm cải thiện tài sản có rủi ro theo quy định của Nhà nước, phù hợp với điều kiện thị trường. Thời gian qua, ngân hàng đã cấu trúc lại vốn tự có, phát hành trái phiếu thứ cấp bổ sung vào vốn cấp 2. Tuy nhiên, mảng này cũng đã khai thác tới hạn theo quy định.

Nhu cầu tăng vốn tại VietinBank là hiện hữu, và tới thời điểm này trở nên cấp bách. Dư địa để tăng vốn điều lệ theo cách thông thường đã cạn kiệt khi mà tỷ lệ sở hữu Nhà nước đã chạm sàn (64,46%). Tỷ lệ sở hữu nước ngoài cũng đã được lấp đầy.

Việc phát hành cổ phiếu tăng vốn gần như là không thể do Nhà nước không có kế hoạch chi thêm ngân sách cho các ngân hàng thương mại. Phương án giữ lại lợi nhuận bổ sung vốn cũng chưa được các cơ quan có thẩm quyền phê duyệt do còn liên quan đến vấn đề thu chi ngân sách.

Để đảm bảo hệ số CAR cho tăng trưởng kinh doanh, bảo toàn thị phần, VietinBank buộc phải dựa vào giải pháp ngắn hạn, liên tục phát hành trái phiếu bổ sung vốn cấp 2.

Liệu có đáp ứng Basel II đúng thời gian?

Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết, trong nửa đầu 2019, cho vay và huy động khách hàng lần lượt tăng 2,4% và 2,5% so với đầu năm. Thị phần cho vay của CTG giảm nhẹ xuống 11%, vẫn nằm trong top 3 lớn nhất trong ngành. Thu nhập lãi thuần và thu nhập dịch vụ tăng trưởng lần lượt 12% và 63% so với cùng kỳ trong khi thu nhập hoạt động tăng 13%.

Tuy nhiên, chi phí dự phòng cao khiến tăng trưởng lợi nhuận chậm lại. Trong khi chi phí hoạt động được kiểm soát chặt chẽ so với cùng kỳ thì chi phí dự phòng tăng tới 51%, chủ yếu do trích lập trái phiếu VAMC. Kết quả là, lợi nhuận sau thuế của CTG chỉ tăng 1,3% so với cùng kỳ.

Do vậy, khả năng hoàn thành kế hoạch năm 2019 phụ thuộc vào tiến trình xử lý nợ xấu. Do tỷ lệ an toàn vốn thấp (dưới tiêu chuẩn Basel II) và thanh khoản yếu, VDSC cho rằng tăng trưởng cho vay của CTG sẽ chậm lại và chỉ đạt 7% cho cả năm.

Cho rằng kế hoạch tái cơ cấu của CTG dự kiến kéo dài trong giai đoạn 2018 - 2020, VDSC kỳ vọng trong thời gian này, CTG sẽ tăng cường xử lý nợ xấu đồng thời hạn chế mở rộng cho vay.

Quyết định 986 phê duyệt Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam có đề cập đến kế hoạch của chính phủ sẽ giảm tỷ lệ sở hữu nhà nước tại các ngân hàng quốc doanh xuống còn 51%. Dù vậy, phải ít nhất đến năm 2021 hoặc muộn hơn thì kế hoạch này mới có thể thực hiện được.

CTG là ngân hàng duy nhất trong top 3 chưa tìm được cửa tăng vốn. Từ năm 2014 tới nay, VietinBank không được bổ sung thêm vốn điều lệ và hiện là ngân hàng có tiến độ tăng vốn điều lệ chậm nhất trong số các ngân hàng thương mại Nhà nước.

Hiện nhà nước đang nắm giữ hơn 64% vốn tại CTG trong khi tỷ lệ sở hữu của cổ đông ngoại đã kín room do đó không thể bán vốn được nữa. Phương án giữ lại lợi nhuận hằng năm hoặc chia phần cổ tức của Nhà nước bằng cổ phiếu để tăng vốn cũng được đề ra nhưng vẫn đang nằm trong trạng thái "treo".

Do đó, ngân hàng này nhiều khả năng vẫn không thể đáp ứng Basel II kịp thời hạn, bất đắc dĩ tụt lùi trong khi các ngân hàng khác đang chạy đua hết sức để nhanh chóng đáp ứng được Basel II.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top