Aa

Cháy nổ trong chung cư: Không phải “mất bò mới lo làm chuông” mà là do hiệu quả sử dụng “chuồng” không cao

Chủ Nhật, 01/04/2018 - 14:01

Nhận định này được ông Nguyễn Thành Trung, Chuyên gia Quản lý Tư vấn Vận hành Kỹ thuật tòa nhà - CBRE Hà Nội chia sẻ với Reatimes tại Giao lưu trực tuyến chủ đề “Phòng chống cháy nổ trong chung cư: Thực trạng & Giải pháp” mới đây.

Câu chuyện cháy nổ tại các khu chung cư đến nay đã không còn mới với tần suất các vụ cháy diễn ra thường xuyên và nhiều lần. Sau mỗi vụ cháy, các đơn vị liên quan đều vào cuộc điều tra, xử lý... tưởng chừng rất quyết liệt, dư luận cũng “dậy sóng”...  Thế nhưng, người Việt chắc là mau quên, sau một thời gian mọi chuyện lại đâu vào đó, các vụ cháy vẫn cứ diễn ra với thiệt hại lớn về người và tài sản.

Bản chất câu chuyện này là do đâu? Phải chăng chúng ta cứ đợi “mất bò mới lo làm chuồng”? Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Thành Trung cho rằng, duy trì công tác PCCC đã là “chuồng của con bò” chứ không phải đợi đến lúc “mất bò mới lo làm chuồng”. Tuy nhiên theo ông Trung, hiệu quả sử dụng của “cái chuồng” đó không cao, là do trong quá trình thực hiện có vấn đề của các đơn vị liên quan như cơ quan quản lý Nhà nước, đơn vị vận hành, chủ đầu tư và người dân.

Ông Trung phân tích: Tiêu chí của đơn vị quản lý chính là con người, phải ý thức được vai trò của họ trong BQL là bảo vệ an ninh, an toàn cho cư dân trong tòa nhà, tăng cường được tiện ích cho người dân. Từ đó sẽ nhìn được những nguy cơ, rủi ro có thể xảy ra, gây ảnh hưởng không chỉ bản thân họ mà cộng đồng dân cư sống ở đó.

Ông Nguyễn Thành Trung chia sẻ tại Giao lưu trực tuyến

Ông Nguyễn Thành Trung chia sẻ tại Giao lưu trực tuyến "Phòng chống cháy nổ tại chung cư: Thực trạng & Giải pháp".

Cho nên, mỗi nhân viên quản lý tòa nhà phải hiểu biết về hệ thống thiết kế, nội quy quy định của tòa nhà, và quan trọng phải hiểu sâu được những quy định được đặt ra trong công tác PCCC tại tòa nhà. Khi hiểu được rồi, trong hành động của mỗi nhân viên quản lý sẽ đảm bảo chuẩn chỉnh hơn, ngăn ngừa được rủi ro có thể xảy ra trong tòa nhà”.

Theo đó, các cơ quan quản lý Nhà nước, đơn vị có liên quan trong câu chuyện này và bản thân mỗi người dân sinh sống, làm việc tại tòa nhà nếu có ý thức tuân thủ nghiêm ngặt những nguyên tắc trong việc sử dụng “chuồng bò” thì sẽ hạn chế được việc “mất bò”.

Cũng theo Chuyên gia Quản lý Tư vấn vận hành kỹ thuật tòa nhà - CBRE Hà Nội, trong các tòa nhà phải đảm bảo nguyên tắc phòng cháy trước. Công tác này sẽ ngăn ngừa được nhiều rủi ro, còn chữa là công việc đi sau.

Việc phòng cháy dựa hoàn toàn vào lực lượng PCCC cơ sở, họ có trách nhiệm kiểm tra các hệ thống trang thiết bị PCCC hiện tại trong các tòa nhà làm sao đảm bảo hệ thống đó thông minh, báo cháy trước từ khi nguồn khói, nguồn lửa đang nhỏ để xử lý kịp thời khi xảy ra sự cố.

Ngoài việc đi kiểm tra, kiểm soát thường xuyên nguồn gây nhiệt, gây cháy, những điều kiện cháy, thành viên ban quản lý và cư dân sinh sống, làm việc tại tòa nhà cũng cần phải hiểu biết được nguy cơ nguồn gây cháy để thực hiện nghiêm chỉnh, không để nguồn gây cháy có môi trường bắt cháy.

Khách hàng làm việc ở các văn phòng tại tòa nhà, hoặc cư dân có thể kiểm tra chéo lại ban quản lý tòa nhà, kiểm tra toàn bộ hệ thống về việc thực hiện an toàn PCCC trong tòa nhà.

Đối với chủ đầu tư, phải tuân thủ nghiêm ngặt toàn bộ nguyên tắc, quy định của pháp luật về PCCC; Đáp ứng được những yêu cầu mà BQL tòa nhà đã tư vấn liên quan đến an toàn trong PCCC tại các tòa nhà.

Đối với BQL tòa nhà, phải thường xuyên huấn luyện nhân viên nội bộ BQL tòa nhà về những kế hoạch xử lý sự cố trong tòa nhà, phối hợp với các phòng ban khi xảy ra sự cố, tuyên truyền ý thức PCCC đến từng người dân sinh sống, làm việc trong tòa nhà; thường xuyên kiểm tra diễn tập nội bộ theo định kỳ hoặc bất thường và diễn tập PCCC cho tổng thể cư dân tòa nhà.

Đối với người dân sống và làm việc trong tòa nhà, phải có hiểu biết và nắm được những kỹ năng thoát hiểm cơ bản khi tòa nhà xảy ra sự cố, không chỉ PCCC mà còn nhiều nguy cơ, rủi ro khác như động đất, đánh bom, và những ảnh hưởng do tác động từ yếu tố bên ngoài như vật nặng rơi... Kỹ năng này một phần cũng phụ thuộc vào quá trình tuyên truyền của BQL tòa nhà đến cư dân.

Ngoài ra, người dân cũng phải có sự hợp tác cùng với BQL tòa nhà để đảm bảo an toàn trong tòa nhà ở mức độ cao nhất.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top