Aa

Cháy Rạng Đông... sáng ra sự thật ì ạch của công tác di dời nhà máy

Thứ Tư, 11/09/2019 - 06:30

Hậu quả khủng khiếp của vụ cháy nhà máy Rạng Đông đã gióng lên một hồi chuông báo động về việc cấp thiết phải di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra ngoại thành, dù vấn đề này đã được đặt ra từ hơn chục năm về trước.

Ngày 22/4/2003, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Ngay sau đó, UBND. TP. Hà Nội lập tức ra quyết định chuyển các cơ sở sản xuất không phù hợp quy hoạch, nguy cơ ô nhiễm môi trường khỏi nội đô.

Tuy nhiên, đã 16 năm trôi qua, cụm nhà máy sản xuất cao su, thuốc lá, bóng đèn, giày... vẫn nằm “trơ gan cùng tuế nguyệt” giữa trung tâm Thành phố. Đáng nói, trước đó ít người, nhất là các cơ quan quản lý Nhà nước của Thành phố, nhắc đến vấn đề di dời các nhà máy này cho tới khi xảy ra vụ cháy kho nhà máy Rạng Đông (phường Hạ Đình), với 27kg thủy ngân bị phát tán ra môi trường (số liệu từ các chuyên gia của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam).

Năm 2016, tại báo cáo về tác động của Luật Thủ đô, TP. Hà Nội đã xác định lộ trình đến năm 2020, sẽ di dời 117 cơ sở gây ô nhiễm trên địa bàn 12 quận ra khỏi nội thành. Trong đó, quận Đống Đa có 15 cơ sở; quận Ba Đình 2 cơ sở; quận Cầu Giấy 2 cơ sở; quận Hai Bà Trưng 18 cơ sở; quận Hoàn Kiếm 6 cơ sở; quận Hà Đông 28 cơ sở; quận Bắc Từ Liêm 6 cơ sở; quận Thanh Xuân 9 cơ sở; quận Nam Từ Liêm 2 cơ sở; quận Hoàng Mai 11 cơ sở; quận Long Biên 17 cơ sở.

Tuy nhiên, sau 2 năm, tại hội nghị giao ban trực tuyến tháng 9/2018, số liệu báo cáo TP. Hà Nội đưa ra mới chỉ giảm được 4 cơ sở và vẫn còn tới 113 nhà máy.

Theo báo cáo năm 2018 của Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội, qua rà soát tại 21/30 quận, huyện đã phát hiện 187 điểm đen, khu vực ô nhiễm và bức xúc về môi trường. Việc di dời các cơ sở sản xuất là vấn đề cấp bách được dư luận quan tâm.

CÔNG TÁC DI DỜI VẪN "NẰM TRONG KẾ HOẠCH"

Nhà ở cạnh Nhà máy Dệt kim Đông Xuân (Minh Khai, Hai Bà Trưng), gia đình ông Võ Trí Hiếu (61 tuổi) và nhiều hộ dân khác đã và đang phải chịu cảnh ô nhiễm khói bụi, tiếng ồn hàng chục năm nay.

“Chiều chiều, khói đen ngòm từ công ty này cứ thế xả vào không khí, những hộ xung quanh nhà máy phải ngửi hết. Nhiều khi ngồi trong nhà cũng phải bịt khẩu trang. Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị lên UBND phường để phản ánh nhưng kết quả vẫn vậy. Đề nghị các cơ quan chức năng sớm di dời các nhà máy, để đời sống người dân chúng tôi không bị ảnh hưởng”.

Theo các hộ dân, Công ty Dệt kim Đông Xuân thường xuyên xả những cột khói trắng, khói đen và màu vàng đục ngay giữa Thủ đô. Khi những cột khói này bốc lên, các hộ dân xung quanh đều ngửi thấy mùi khét và hắc, thậm chí có lúc cảm thấy khó thở. Gần đây, một số người dân xung quanh nhà máy có dấu hiệu mắc bệnh về xoang, ung thư, mà có thể nguyên nhân là do bụi bồ hóng, sợi vải, bụi lông và khói từ hoạt động sản xuất của nhà máy.

Nhà máy Dệt Kim Đông Xuân gây ô nhiễm vẫn chưa được di dời.

Theo tìm hiểu, Công ty Dệt kim Đông Xuân là một trong 113 cơ sở phải di dời theo đề xuất của Ban Chỉ đạo Công tác di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị trên địa bàn TP. Hà Nội. Tuy nhiên, dường như chủ doanh nghiệp này vẫn chưa chịu “nhả” đất cho thành phố, mới chỉ di dời được một phần, còn 2 cơ sở sản xuất vẫn tiếp tục hoạt động, xả thải khiến hàng nghìn hộ dân xung quanh khu vực nhà máy vẫn phải sống chung với ô nhiễm.

Ông Đậu Hùng Sơn (Hai Bà Trưng, Hà Nội) bức xúc: “Nhà máy cứ liên tục xả khói, chất độc, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Trong khi tôi thấy nhà máy này đã có chủ trương di dời lâu rồi nhưng tại sao vẫn xả khói để tập thể dân cư chúng tôi phải chịu khổ?".

Khu vực Thượng Đình (Nguyễn Trãi, Thanh Xuân) là điểm nhức nhối nhất Thủ đô, với cụm các nhà máy gây ô nhiễm. Công ty cổ phần Cao su Sao Vàng được quận Thanh Xuân và Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội “liệt” vào danh sách những cơ sở gây ô nhiễm nhất, ảnh hưởng đến cuộc sống của cư dân khu vực xung quanh. Kế hoạch di dời về Hà Nam của nhà máy này đã được phê duyệt từ chục năm trước song đến nay, vẫn chỉ nằm trong kế hoạch.

Nhà máy nằm giữa khu dân cư "thách thức" cuộc sống người dân. Ảnh: Zing.vn.

Tương tự, với nhà máy Giày Thượng Đình, chủ trương di dời được Hà Nội phê duyệt từ cuối năm 2010, nhưng mãi đến cuối tháng 7 vừa qua, việc dừng sản xuất tại đây mới được thông qua sau khi doanh nghiệp chủ động xin UBND TP. Hà Nội chấp thuận kế hoạch di dời. Công ty đề nghị chuyển “càng sớm càng tốt”, do việc sản xuất rất bất lợi, chi phí quá cao, đặc biệt là chi phí thuê đất, chi phí khấu hao...

Nhà máy Công ty Cao su Hà Nội tại Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm hiện cũng nằm gần khu dân cư và đặc biệt là một số trường học. Hiện nhà máy này vẫn đang sản xuất, kinh doanh một số nguyên phụ liệu ngành giày dép, đế cao su... Công ty cho biết, phải đến cuối năm 2019 việc di dời mới hoàn thành.

Nhà máy của Công ty cổ phần Xây lắp và Cơ khí Cầu Đường (Trần Quý Cáp, quận Đống Đa) là cái tên nhà máy tiếp theo hiện vẫn nằm trong khu nội đô. Người dân khu vực xung quanh cũng nhiều lần phản ánh về tình trạng gây ô nhiễm do xả khói, bụi, tiếng ồn của nhà máy có tuổi đời hàng chục năm nay.

Một loạt nhà máy khác như Xà phòng Hà Nội (Nguyễn Trãi), Nhà máy Bia Hà Nội (Hoàng Hoa Thám), Nhà máy Rượu (Lò Đúc)... gần đây cũng đã hoàn tất việc di dời, tuy nhiên cũng phải loay hoay suốt 7- 8 năm mới có thể di dời. 

TỐC ĐỘ DI DỜI NHƯ... "RÙA BÒ", VÌ SAO?

Có thể thấy, sự chậm trễ trong công tác di dời đã tác động không nhỏ tới đời sống người dân cũng như quy hoạch chung thành phố. Tuy nhiên, nguyên nhân vì sao tốc độ di dời các nhà máy lại rơi vào tình trạng… “rùa bò” vẫn là một dấu hỏi.

Trả lời báo chí, ông Vũ Xuân Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý Đất đai, Sở Tài nguyên Môi trường Hà Nội cho biết, do danh mục nhà đất phải di dời không được đưa vào kỳ họp HĐND vừa qua nên cơ quan này chưa có cơ sở để triển khai.

Tại kỳ họp thứ 9 của HĐND TP. Hà Nội, một nghị quyết về di dời các cơ sở này đáng lẽ được đưa vào nội dung chương trình nhưng sau đó lại được rút ra và không trình. Lý do là để đảm bảo chặt chẽ, UBND TP muốn “tiếp tục rà soát, hoàn thiện” danh sách để trình nội dung này vào kỳ họp cuối năm nay.

Cháy nhà máy Rạng Đông đã cảnh báo nguy hiểm về sự tồn tại của các nhà máy trong nội đô. 

Lý giải về sự chậm trễ này, nhiều chuyên gia chỉ ra rằng do tâm lý doanh nghiệp không muốn di chuyển ra xa nội thành, muốn dựa vào lợi thế vị trí đất để sản xuất kinh doanh, thuận tiện đi lại và sinh hoạt; năng lực tài chính của hầu hết các doanh nghiệp còn hạn chế trong việc đầu tư thay đổi công nghệ sạch, đầu tư công nghệ xử lý nước thải, chất thải và đầu tư tại nơi di chuyển đến…

Vì thế, thành phố cần có một cơ chế đủ mạnh để buộc những cơ sở này phải trả lại quỹ đất. Ngoài ra, để doanh nghiệp tự giác bàn giao lại mặt bằng là rất khó khăn nên muốn di dời, thành phố cần xây dựng hành lang pháp lý quy định rõ ràng việc doanh nghiệp phải di dời khi đã được bố trí quỹ đất và nhận sự hỗ trợ dịch chuyển. Đối với những đơn vị đã được bố trí cơ sở sản xuất mới, thành phố cần ban hành quyết định hành chính yêu cầu doanh nghiệp đưa ra lộ trình di chuyển rõ ràng, hoặc cưỡng chế bàn giao lại quỹ đất cho thành phố quản lý và sử dụng.

“Để thực hiện tốt chủ trương di dời các cơ sở sản xuất, nhà máy ra khỏi nội đô, yêu cầu đặt ra với thành phố lúc này là cần có sự đồng bộ trong chỉ đạo giữa các cơ quan chức năng, tại các nhà máy, cơ sở sản xuất”, KTS. Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển Đô thị Việt Nam nhận định.

Bên cạnh đó, theo ông Nghiêm, ngoài việc chủ động của doanh nghiệp thì cần có sự vào cuộc quyết liệt của Nhà nước, đó là những ưu đãi, hỗ trợ về nguồn vốn, để doanh nghiệp có khả năng xây dựng cơ sở mới, hoặc các chính sách phù hợp để doanh nghiệp liên kết với các đơn vị có chức năng xây dựng đô thị, thu hút nhà đầu tư nước ngoài triển khai.

“Việc sửa Luật Đất đai trong thời gian tới cần bổ sung các quy định về việc sử dụng quỹ đất công nghiệp trong nội đô rõ ràng hơn”, KTS Đào Ngọc Nghiêm kiến nghị thêm.

(Còn tiếp)

Thiết kế: Hạnh Hồng

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top