Aa

Chỉ số thị trường tài chính 2017 đa phần là con số đẹp

Thứ Tư, 14/02/2018 - 01:00

Năm 2017 kết thúc với rất nhiều thành công nổi trội trên thị trường chứng khoán: VN-Index tăng 48% lên 984.24 điểm, mức cao nhất trong 10 năm, đây cũng là mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2010.

Quy mô thị trường được mở rộng nhanh chóng, tổng giá trị vốn hóa tăng 82% đạt 153 tỷ USD, tương đương 70% GDP, với động lực lớn xuất phát từ hoạt động niêm yết và bán vốn Nhà nước được đẩy mạnh.

Thứ nữa là dòng tiền nước ngoài đổ vào mạnh mẽ dựa trên nền tảng vĩ mô ổn định, mua ròng đạt kỷ lục hơn 26.000 tỷ đồng (bán ròng 6.700 tỷ trong năm 2016). Giao dịch sôi động với thanh khoản tăng 66% so với năm 2016, đạt mức bình quân gần 4.900 tỷ đồng/phiên. Thị trường chứng khoán phái sinh ra mắt và đi vào ổn định với giá trị giao dịch bình quân đạt 1.700 tỷ/phiên.

Trong các nhóm ngành chính, các nhóm y tế (57.8%), bất động sản (57.8%), tài chính (55.1%) và hàng tiêu dùng (54%) đạt được mức tăng trưởng ấn tượng nhất trong năm 2017. Các nhóm: năng lượng (24%) và tiện ích công cộng (+35.2%) tăng khá khiêm tốn nhưng cùng bứt phá trong tháng cuối năm nhờ diễn biến tích cực của các cổ phiếu dầu khí.

Trong từng nhóm ngành thì dòng tiền tập trung nhiều nhất vào các cổ phiếu vốn hóa lớn với triển vọng dẫn đầu về tăng trưởng khi nền kinh tế phục hồi, với các cổ phiếu điển hình như VNM (78%), VIC (84%), GAS (80%), VCB (60%), MSN (95%). Mặt bằng giá tăng nhanh đưa định giá cổ phiếu lên cao, chỉ số P/E thị trường Việt Nam đã đạt 19x vào cuối năm 2017, vượt qua các thị trường lân cận như Trung Quốc (16.8x), Thái Lan (18.2x) và Malaysia (16.4x).

Nhìn lại câu chuyện nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam, ông Nguyễn Đức Hùng Linh – giám đốc phân tích tư vấn khách hàng cá nhân SSI cho rằng, đích đến Emerging Markets không còn quá xa.

Tính tới cuối năm 2017, quy mô TTCK Việt Nam đã cán mốc 153 tỷ USD, là thị trường lớn nhất trong nhóm Frontier Markets theo phân loại của MSCI và vượt xa nhiều Emerging Markets như Qatar (128 tỷ USD), Pakistan (77 tỷ USD), Ai Cập (50 tỷ USD).

Theo ước tính của SSI, đã có 6 cổ phiếu đạt điều kiện của MSCI (yêu cầu tối thiểu 3 cổ phiếu) và con số sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Khi quy mô và đặc biệt là quy mô đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài đủ lớn thì các yếu tố định tính không còn là rào cản lớn đối với Việt Nam. Bên cạnh đó, môi trường vĩ mô ổn định cũng tác động tích cực tới quá trình xem xét nâng hạng. Do đó không loại trừ khă năng Việt Nam được đưa vào danh sách.

Không phát hành hết trái phiếu Chính phủ 2017

Kho bạc Nhà nước (KBNN) đã không phát hành hết Trái phiếu Chính phủ (TPCP) theo kế hoạch, tuy nhiên 2017 vẫn có thể coi là một năm rất thành công trong công tác huy động vốn trái phiếu. Sau hai lần điều chỉnh, kế hoạch huy động vốn trái phiếu giảm từ 183 nghìn tỷ xuống 169 nghìn tỷ (chưa bao gồm phát hành cho BHXH).

Kết thúc năm 2017, KBNN đã phát hành được tổng giá trị 159.9 nghìn tỷ trái phiếu các kỳ hạn từ 5 tới 30 năm, hoàn thành 87% kế hoạch ban đầu, các kỳ hạn 3 năm và tín phiếu dưới 1 năm không được phát hành. Nếu tính cả 63 nghìn tỷ phát hành cho BHXH, KBNN đã phát hành được tổng cộng 223 nghìn tỷ trái phiếu, giảm 85 nghìn tỷ so với năm ngoái.

Lượng trái phiếu đáo hạn trong năm 2017 theo ước tính là 98.5 nghìn tỷ, đồng nghĩa lượng TPCP phát hành ròng trong năm là 124 nghìn tỷ, giảm mạnh so với năm 2016 là 198.6 nghìn tỷ. Cầu về các kỳ hạn dài gia tăng giúp kỳ hạn trung bình được kéo dài đáng kể lên 13.5 năm so với 8.7 năm trong năm 2016. Lãi suất trúng thầu giảm mạnh từ 60bps – 190bps, đặc biệt ở các kỳ hạn dài 20 và 30 năm. Danh mục nợ TPCP đã được tái cơ cấu theo hướng tích cực hơn, lãi suất còn lại bình quân vào cuối năm 2017 là 6.7%.

Tổng danh mục TPCP ước tính vào khoảng 780 nghìn tỷ, tương đương 15.6% GDP. Thị trường trái phiếu thứ cấp có một năm giao dịch sôi động nhờ môi trường lãi suất thuận lợi. Tính từ đầu năm, lợi tức các kỳ hạn đã giảm từ 50bps – 120bps so với cuối năm 2016, trong đó các kỳ hạn dài trên 3 năm giảm mạnh hơn.

Giá trị giao dịch bình quân trong năm 2017 được cải thiện đáng kể, đạt 9 nghìn tỷ, +42% so với năm 2016. Năm 2017, nhà đầu tư nước ngoài giao dịch tích cực không chỉ trên thị trường cổ phiếu mà cả thị trường trái phiếu. Mặc dù chỉ chiếm 3% thanh khoản toàn thị trường, giá trị mua ròng của khối ngoại lên tới 20.6 nghìn tỷ đồng, tăng mạnh so với 12.7 nghìn tỷ trong năm 2016.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top