Aa

“Chiếc áo cũ quá chật, nay đã được thay áo mới!”

Thứ Năm, 07/12/2017 - 06:00

Đó là nhận định của Đại biểu quốc hội Trần Anh Tuấn (Đoàn Đại biểu TP.HCM) khi trao đổi với Reatimes xoay quanh những nội dung liên quan đến cơ chế, chính sách đặc thù cho TP.HCM vừa được Quốc hội thông qua.

TP.HCM có dáng dấp của một siêu đô thị với dân số khoảng 13 triệu người, trong đó, có khoảng 3 triệu người nhập cư, đã đóng góp đến 1/3 GDP, 1/3 giá trị sản lượng công nghiệp, 1/3 tổng thu ngân sách, và trong nhiều năm cũng là địa phương thu hút nguồn vốn FDI cao nhất của cả nước. Khối lượng công việc hành chính của thành phố này cũng lớn nhất nước, điển hình chỉ trong 10 tháng đầu năm 2017, toàn thành phố đã cấp 414.073 sổ đỏ, 38.242 Giấy phép xây dựng, gấp hàng chục lần so với các tỉnh.

Do đó, việc thông qua Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV vừa qua được coi là đã “cởi trói” cho thành phố đầu tàu kinh tế của cả nước, không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho thành phố mang tên Bác phát huy được mọi nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội mà còn là cơ hội lớn để TP.HCM tiến về phía trước, với một tốc độ nhanh, bền vững và mạnh mẽ hơn.

Trao đổi với Reatimes, Đại biểu quốc hội Trần Anh Tuấn cho rằng: “TP.HCM là một siêu đô thị lớn với mật độ dân số cao, hàng ngày đối mặt với nhiều thách thức về giao thông, về an ninh trật tự, cơ sở hạ tầng... mà cơ chế chung như các địa phương khác như một “chiếc áo cũ” đã quá chật, không giải quyết được những thách thức TP.HCM đang đối mặt nên cần thiết phải thay một “chiếc áo mới” rộng hơn.

Việc Quốc hội thông qua cơ chế mới là phù hợp với điều kiện phát triển hiện nay, giúp TP tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, tạo sự chủ động hơn trong quản lý điều hành, cũng như tự chịu trách nhiệm trong một số quyết sách ở một số lĩnh vực của thành phố để phát triển linh động hơn. Đồng thời tạo điều kiện cho TP huy động được nguồn lực để đầu tư phát triển tốt hơn”.

ĐBQH Trần Anh Tuấn ví việc trao cơ chế đặc thù cho TP.HCM như khoác cho thành phố này chiếc áo mới rộng hơn để phát triển.

ĐBQH Trần Anh Tuấn ví việc trao cơ chế đặc thù cho TP.HCM như khoác cho thành phố này chiếc áo mới rộng hơn để phát triển.

Ở một góc nhìn khác của các chuyên gia kinh tế, cơ chế đặc thù của TP.HCM là bước tiến vượt bậc trong việc xóa bỏ cơ chế xin - cho, nhiều năm nay đang cản trở sự đi lên của thành phố năng động nhất nước.

Không ít lần, người đứng đầu chính quyền thành phố tỏ ra bức xúc vì thủ tục hành chính rườm rà của một số Bộ, ngành Trung ương đã làm cho địa phương vuột mất nhiều dự án đầu tư lớn; trong đó có dự án đầu tư lên tới 4 tỷ USD. Gần đây nhất là việc phân bổ vốn cho công trình Metro đang thi công, khi mà Chính phủ đã đồng ý chủ trương nhưng Bộ Kế hoạch - Đầu tư lại chậm trễ trong ghi vốn năm 2017, khiến dự án quan trọng này đình trệ.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất là đòi hỏi thành phố phải thực sự chủ động, sáng tạo, đưa ra những giải pháp phù hợp cho sự phát triển.

“Thực hiện tốt cơ chế, chính sách mà Quốc hội đã thông qua cho TP.HCM là uy tín, trách nhiệm của TP này đối với sự phát triển chung của cả nước trên cương vị đầu tàu kinh tế. Do đó, trước hết cần phải có chiến lược chung, từ đó đưa ra cách thức tổ chức, triển khai một cách bài bản, khoa học, cụ thể. Phải xây dựng được đề án cho từng chương trình, giao cho hệ thống các sở, ban ngành cùng đồng lòng, người dân cùng tham gia để thực hiện tốt cơ chế, chính sách trung ương giao”, ĐBQH Trần Anh Tuấn phân tích thêm. 

Ông Lê Hoàng Châu khẳng định:

Ông Lê Hoàng Châu khẳng định: "Cơ chế sẽ điều chỉnh dòng người".

Trước ý kiến lo ngại cơ chế đặc thù sẽ thu hút người lao động, kéo theo tình trạng di dân về thành phố nhiều hơn, qua đó ảnh hưởng nhiều hơn đến các vấn đề như xây dựng, giao thông, quản lý cư trú, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng quan ngại này không có cơ sở.

“Cơ chế đặc thù không có nghĩa là TP.HCM sẽ trở thành miền đất hứa cho người lao động trình độ thấp bởi vì đối tượng này đã vào TP.HCM nhiều năm trước đây. Thời điểm đó, TP.HCM còn đang phát triển những ngành công nghiệp sử dụng lao động chất xám thấp như dệt, da giày, may mặc... Hiện nay, TP đã hạn chế phát triển những lĩnh vực này trong khi các tỉnh khác đang phát triển nhiều. Cho nên không có chuyện dịch chuyển dòng lao động trình độ thấp về TP như quan ngại, mà sẽ có dịch chuyển dòng lao động “cổ cồn trắng” về TP. Bên cạnh đó cũng có cơ chế thu hút nhân tài về TP.HCM”, ông Châu lý giải.

Cũng theo Chủ tịch HoREA, TP.HCM vẫn cần lao động ở trình độ thấp như lĩnh vực hạ tầng và có một bộ phận những người lao động tự do vào thành phố để làm những việc tự do, nhưng quan ngại dòng lao động trình độ thấp sẽ đổ về TP.HCM một cách “ồ ạt” là không nên và không thể kiểm soát theo kiểu hành chính. “Vấn đề người ta vào đây có tìm được việc làm, thu nhập để sinh sống hay không. Cơ chế đặc thù sẽ điều chỉnh dòng người về TP.HCM”, ông Châu cho biết.

Chiều 24/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM với 460/465 đại biểu tán thành, đạt tỷ lệ 93,69%.Theo đó, Nghị quyết quy định các chính sách đặc thù dành cho TP.HCM về quản lý đất đai, đầu tư, tài chính - ngân sách nhà nước, quy định cơ chế ủy quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc thành phố quản lý.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top