Aa

Chiếm dụng phí bảo trì chung cư: Vi phạm hành chính hay vi phạm pháp luật hình sự?

Thứ Tư, 06/10/2021 - 09:55

Mới đây, UBND TP. Hà Nội quyết định cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của chung cư Hòa Bình Green City cho Ban quản trị tòa nhà, đồng thời uỷ quyền cho UBND quận Hai Bà Trưng tổ chức thực hiện.

Thời gian uỷ quyền là 6 tháng kể từ ngày ký quyết định.

Chắc hẳn đây là một quyết định khó khăn bởi lẽ cách đây một năm rưỡi, ngày 27/3/2020, UBND TP. Hà Nội đã ban hành Quyết định số 1270 xử phạt vi phạm hành chính về quản lý sử dụng nhà chung cư đối với Công ty TNHH Hòa Bình (Công ty Hòa Bình) - chủ đầu tư dự án chung cư Hòa Bình Green City - do chậm bàn giao kinh phí bảo trì cho Ban quản trị. Theo đó, Công ty Hòa Bình bị phạt vi phạm hành chính với số tiền 125 triệu đồng.

Tuy nhiên sau hơn 1 năm, Công ty Hòa Bình không thực hiện việc nộp phạt. Theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính, một hành vi vi phạm hành chính chỉ bị xử phạt một lần nên đến tháng 7/2021, UBND quận Hai Bà Trưng chỉ có văn bản yêu cầu Công ty khẩn trương thực hiện quyết định của UBND TP. Hà Nội ban hành từ tháng 3/2020 về việc nộp phạt 125 triệu đồng, bàn giao quỹ bảo trì. Được biết số tiền quỹ bảo trì bị chiếm dụng này khoảng 40 tỷ đồng.

Đến đây, hẳn rằng ai cũng hiểu đã đến lúc, quyền lực Nhà nước đã phải khẳng định sức mạnh của mình trong việc thực thi pháp luật.
Còn nhớ cách đây hơn 3 năm, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã đề xuất Bộ Công an và các ngành liên quan tiến hành khởi tố những chủ đầu tư có hành vi vi phạm nghiêm trọng trong quản lý, sử dụng, vận hành nhà chung cư, đặc biệt là hành vi chiếm dụng, sử dụng trái quy định của pháp luật kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư.

Một cuộc tranh cãi nảy sinh mà đến nay vẫn chưa ngã ngũ, đó là hành vi chiếm dụng, sử dụng trái quy định của pháp luật kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư chậm bàn giao kia là vi phạm hành chính hay vi phạm pháp luật hình sự?

Vì vấn đề an sinh lâu dài cho người dân, pháp luật đã yêu cầu phải hình thành quỹ bảo trì này trong Luật Nhà ở. Con số 2% nhìn thì có vẻ không lớn, nhưng trong thực tiễn, có tòa nhà lên tới cả trăm tỷ đồng; vài chục tỷ đồng là phổ biến. Chỉ cần chiếm dụng thành công số tiền này thì chỉ cần gửi ngân hàng lấy lãi, chủ đầu tư đã thu được khoản lợi ích không nhỏ. Chẳng hạn như sự việc 5 năm đòi phí bảo trì của các cư dân chung cư Keangnam (Hà Nội). Được xây dựng từ năm 2008 đến năm 2011 đưa vào sử dụng, với 922 căn hộ cao cấp, giá bán trung bình 60 triệu đồng/m2 nên quỹ bảo trì chung cư Keangnam theo ước tính của Ban quản trị khoảng 160 tỷ đồng (phía chủ đầu tư Keangnam thông báo chỉ là 125 tỷ đồng). 

Thôi thì chỉ tính 125 tỷ đồng, nếu đem gửi ngân hàng với lãi  suất thời điểm đó có lúc lên đến 13 - 15% một năm, vậy 5 năm kia, chủ đầu tư đã “cướp” không của cư dân ở đây bao nhiêu tiền? Sơ ra đã 60 - 70 tỷ đồng!

Phải khẳng định rằng, đứng về bản chất sở hữu, số kinh phí này không thuộc về chủ đầu tư mà là đồng sở hữu của tất cả các chủ sở hữu chung cư ấy. Không phải là sở hữu của mình, lại lợi dụng  để hưởng lợi phi pháp trước thanh thiên bạch nhật, hành vi ấy nếu nói nhẹ là chiếm dụng, còn nói nặng thì chính là... cướp ngày!

Chung cư Hòa Bình Green City
Chung cư Hòa Bình Green City (Ảnh: VnFinance).

Trở lại chuyện cưỡng chế ở chung cư Hòa Bình Green City, số tiền bị chủ đầu tư chiếm dụng từ năm 2014 đến nay là 40 tỷ đồng thì số lợi ích sinh ra cho chủ đầu tư trong suốt 7 năm cũng đã trên dưới 20 tỷ đồng. Vậy con số này nên gọi là chiếm dụng hay chiếm đoạt đây?

Kể cũng lạ, ở nước Việt Nam mình, luật đã có đủ, mọi hành vi chiếm đoạt tài sản của công dân đều phải nghiêm trị, thế mà nay lại phải có công văn đề nghị thì hành vi ấy mới bị coi là dấu hiệu phạm tội.

Tôi chợt nhớ đến vụ án “cướp bánh mì” xảy ra cách đây ít lâu ở quận Thủ Đức (TP.HCM). Vào một đêm khuya, hai em thiếu niên đói bụng, không có tiền nên đến tiệm tạp hóa trên đường Tô Vĩnh Diện (quận Thủ Đức) hỏi mua một bịch chuối sấy, ổ bánh mì ngọt và 3 bịch me. Khi chủ quán bỏ tất cả vào túi nylon thì  chúng giật phăng và bỏ chạy. Số hàng bị cướp giật có giá 45.000 đồng.
Sau đó, hai em bị bắt và tạm giam 8 tháng 20 ngày. Khi ra tòa, các em khai rằng vì quá đói nên mới thực hiện hành vi, không biết là phạm tội, rồi nước mắt ngắn nước mắt dài xin Tòa giảm nhẹ hình phạt để được tiếp tục đi học. Thế nhưng các em vẫn bị tuyên án.

Đấy, pháp luật nước mình nghiêm đến như thế!

Nay đến việc chủ đầu tư chiếm dụng, sử dụng trái pháp luật kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư, nếu tính trên cả nước là hàng trăm vụ với số tiền hàng ngàn tỷ đồng, vậy mà hết khiếu nại này đến khiếu nại khác, hết văn bản trình lên lại đến văn bản gửi xuống... mà không ai coi đấy là một hành vi phạm tội (!?).

Chính vì cái lý ấy mà  cách đây hơn 3 năm, trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã đề xuất cần tiến hành khởi tố những chủ đầu tư có hành vi hành vi chiếm dụng, sử dụng trái quy định của pháp luật kinh phí bảo trì của nhà chung cư. 

Thiết nghĩ, việc UBND TP. Hà Nội ra quyết định cưỡng chế bàn giao kinh phí bảo trì phần sở hữu chung của chung cư Hòa Bình Green City cho Ban quản trị vẫn là biện pháp trừng phạt còn quá nhẹ so với hậu quả của bản chất sự việc.

Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản được quy định, hướng dẫn tại Điều 175 Bộ luật hình sự số 100/2015/QH13 ngày 27 tháng 11 năm 2015, cụ thể như sau:

1. Người nào thực hiện một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 4.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 4.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 174 và 290 của Bộ luật hình sự, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm hoặc tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại hoặc tài sản có giá trị đặc biệt về mặt tinh thần đối với người bị hại, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

e) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

b) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

4. Phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top