Aa

Chính sách tài khóa - Giải pháp hữu hiệu hỗ trợ kinh tế năm 2024 “bứt tốc”

Thứ Tư, 07/02/2024 - 06:00

Tiếp đà thành công trong năm 2023, để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp phục hồi, phát triển trong năm 2024, chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục phát huy chính sách tài khóa mở rộng, linh hoạt,…

Theo đó, trong năm 2023, các chính sách hỗ trợ tài khóa được cộng đồng doanh nghiệp và người dân đánh giá cao về hiệu quả triển khai. Có thể kể đến một số chính sách hỗ trợ tiêu biểu như: Giảm 2% thuế suất của thuế giá trị gia tăng (VAT) trong nửa cuối năm 2023, giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn và giảm lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước và một số loại phí, lệ phí khác,...

Chính sách tài khóa - Giải pháp hữu hiệu hỗ trợ kinh tế năm 2024 “bứt tốc”- Ảnh 1.

Trong năm 2023, các chính sách hỗ trợ tài khóa được cộng đồng doanh nghiệp và người dân đánh giá cao về hiệu quả triển khai - Ảnh minh họa

Nhìn nhận về các chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong năm qua, ông Đậu Anh Tuấn - Phó Tổng Thư ký, kiêm Trưởng ban Pháp chế Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho hay, chính sách giảm thuế, phí được các doanh nghiệp đánh giá rất cao. Bởi nhóm chính sách này đi nhanh vào thực tế, thường không phải qua các khâu triển khai, thực hiện - vốn mất nhiều thời gian, thậm chí có thể không hiệu quả. Thứ hai là mang lại lợi ích trực tiếp, theo ngôn ngữ dân dã là “tiền tươi, thóc thật” nên doanh nghiệp tiếp cận rất dễ dàng, công bằng, minh bạch.

Một số chính sách hỗ trợ có kết quả thực hiện cao như các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, chính sách cho vay thông qua Ngân hàng chính sách xã hội, trong đó nổi bật là chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm đã đạt 100% kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, một số gói hỗ trợ thuộc chính sách tài khóa giải ngân chậm, như giải ngân kế hoạch vốn đầu tư phát triển của Chương trình đạt khoảng 29%; cho vay phát triển vùng dân tộc thiểu số và miền núi mới đạt 22%...

Chính sách tài khóa - Giải pháp hữu hiệu hỗ trợ kinh tế năm 2024 “bứt tốc”- Ảnh 2.

Chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục phát huy chính sách tài khóa mở rộng, linh hoạt - Ảnh minh họa

Đồng quan điểm, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh đánh giá, cũng có nhiều nhóm hỗ trợ chính sách thực hiện chưa tốt, như liên quan cả chính sách tiền tệ và tài khóa, là hỗ trợ 2% cho vay, bằng nguồn 40 nghìn tỷ đồng từ ngân sách, nhưng thực hiện còn nhỏ, hay nhiều gói chính sách khác. Ở đây là tính quyết liệt thực thi, trách nhiệm, dám nghĩ dám làm chưa mạnh, thậm chí là còn yếu.

Mặc dù còn đó những tồn tại, thế nhưng, các chuyên gia kinh tế kỳ vọng, sau những bài học về tính hiệu quả, hiệu lực trong triển khai các gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế trong năm 2023, việc triển khai các chính sách này sẽ được thực hiện tốt hơn trong năm 2024. Bởi, tình hình kinh tế thế giới được dự báo tiếp tục đối mặt nhiều rủi ro, thách thức lớn.

Theo chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong, chắc chắn 2024 là năm doanh nghiệp tiếp tục chờ đợi hỗ trợ của Nhà nước nói chung và ngành tài chính nói riêng, các chính sách sẽ được cập nhật bám sát mục tiêu đảm bảo nguồn thu ngân sách, hai là hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời, tránh lạm dụng.

“Tinh thần chung, tôi nghĩ năm 2024 tiếp tục cần hỗ trợ ở mức cao, đặt biệt với doanh nghiệp đang nợ đọng, nợ xấu kéo dài”, vị chuyên gia này bày tỏ.

Nhìn nhận về hỗ trợ kinh tế trong năm 2024, TS. Trần Du Lịch cũng cho rằng, năm 2024, chúng ta không cần sử dụng thêm công cụ gì mới, những công cụ đã áp dụng năm 2023 đi vào chiều sâu hơn, đồng bộ hơn, đặc biệt là đồng bộ hơn thì sẽ có tác kích cầu được thị trường nội địa…

Theo các chuyên gia, trong thời gian tới, hỗ trợ tài khóa nên tập trung vào việc tạo nền tảng phục hồi tăng trưởng và phát triển lâu dài, bền vững cho nền kinh tế, đó là hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nhân lực và đào tạo, thúc đẩy tăng trưởng xanh. Bởi, chính sách tài khóa sẽ là giải pháp hữu hiệu để hỗ trợ kinh tế năm 2024 “bứt phá”.

Cùng với các chính sách tài khóa, để tạo thêm động lực tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong bối cảnh không ít dự báo cho thấy nền kinh tế sẽ còn đối diện với không ít khó khăn, thách thức trong năm tới, các chuyên gia cũng đề xuất, cần phải quyết liệt đẩy mạnh các gói chính sách, như: cải cách môi trường kinh doanh, giảm thiểu thủ tục pháp lý, khơi thông vốn - tín dụng đến được với doanh nghiệp.

Được biết, trong năm 2023, Chính phủ đã thực hiện có trọng tâm chính sách tài khóa nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường đầu ra trầm lắng như: thực thi giải pháp giãn hoãn thuế, tiền thuê đất, giảm một số thuế, phí cho doanh nghiệp; gia hạn thời gian nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, giảm 30% tiền thuê đất, thuê mặt nước. Và để tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng, Chính phủ đã trình, Quốc hội thông qua việc kéo dài thời gian nộp thuế VAT từ 01/01/2024 đến hết tháng 6/2024 và giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ 01/01/2024 đến hết 31/12/2024./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top