Aa

Chính thức trình Quốc hội lùi sửa Luật Đất đai

Thứ Sáu, 22/05/2020 - 10:42

Tiếp tục kỳ họp thứ 9, sáng 22/5, Quốc hội nghe và thảo luận về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh năm 2020.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày tờ trình.

Rút ba thêm một

Theo tờ trình, đối với chương trình năm 2020, Chính phủ đề nghị rút 1 và bổ sung 3 dự án luật.

Dự án luật duy nhất được đề nghị rút là dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai (đã được Quốc hội quyết định cho ý kiến vào kỳ họp thứ 9 đang diễn ra) 

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đồng ý đưa ra khỏi chương trình dự án luật này để Chính phủ tiếp tục chỉ đạo việc nghiên cứu, tổng kết thực tiễn, đề xuất nội dung sửa đổi trong Luật Đất đai, khắc phục các vướng mắc, bất cập, bảo đảm thể chế hóa kịp thời Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII cũng như các nghị quyết, kết luận khác của Trung ương, Bộ Chính trị và khẩn trương xây dựng dự án Luật bảo đảm chất lượng.

Lưu ý từ Ủy ban Thường vụ Quốc hội là nếu chuẩn bị kịp thì báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung vào chương trình năm 2021 để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (tháng 10/2021). Đồng thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị không bổ sung Dự thảo Nghị quyết về giải quyết một số vấn đề vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai vào chương trình năm 2020, như đề xuất của Chính phủ.

Cũng năm 2020, Chính phủ đề nghị bổ sung vào chương trình 3 dự án luật, 6 dự thảo nghị quyết, bao gồm: Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Nẵng; Nghị quyết của Quốc hội về miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp; Nghị quyết của Quốc hội về giải quyết một số vấn đề vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành Luật Đất đai; Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với Thủ đô Hà Nội; Nghị quyết của Quốc hội về công nhận và cho thi hành tại Việt Nam phán quyết của cơ quan giải quyết tranh chấp theo quy định của Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA).

Chính phủ đề nghị bổ sung 1 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 9 và thông qua tại kỳ họp thứ 10 , là dự án Luật Cư trú. 1 dự án luật, 1 dự thảo nghị quyết trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại kỳ họp thứ 10 theo quy trình tại một kỳ họp là Luật Phòng, chống ma túy (sửa đổi) và Nghị quyết của Quốc hội về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình tại Liên hợp quốc. 1 dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 và thông qua tại kỳ họp thứ 11 là Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi)

Sáng kiến lập pháp của đại biểu chưa đủ cơ sở đưa vào chương trình

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Quốc Khánh tiếp tục có sáng kiến lập pháp, đề nghị bổ sung dự án Luật về Dịch vụ công vào Chương trình năm 2020, kiến nghị về 5 dự án luật đưa vào Chương trình năm 2021.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao sự tâm huyết, trách nhiệm và nỗ lực của đại biểu Quốc hội trong việc chuẩn bị hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật về Dịch vụ công và kiến nghị về các luật khác.

Tuy nhiên, qua ý kiến thẩm tra của các ủy ban của Quốc hội cho thấy, vẫn còn một số trình tự, thủ tục trong quá trình chuẩn bị hồ sơ đề nghị, kiến nghị chưa được thực hiện, tài liệu kèm theo chưa đầy đủ, nhất là chưa có ý kiến của Chính phủ theo quy định.

Nội dung chuẩn bị còn nhiều vấn đề chưa rõ về sự cần thiết ban hành các luật; đối tượng, phạm vi điều chỉnh; nội dung các chính sách lớn của các dự án luật; xử lý mối quan hệ với các luật có liên quan để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật... Do đó, chưa có đủ cơ sở để đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top